Đáp ứng nhu cầu cấp bách về cát

16/10/2023 - 07:58

 - Khi tháo gỡ các thủ tục và áp dụng cơ chế đặc thù cho các mỏ cát và những dự án nạo vét thông luồng giao thông thủy kết hợp thu hồi khoáng sản, An Giang có thể đáp ứng cơ bản nhu cầu cấp bách về cát cho các công trình trọng điểm của tỉnh và một phần các tuyến cao tốc trục ngang, trục dọc của vùng ĐBSCL.

Công trình “đói” cát

Được Bộ Giao thông vận tải (GTVT) giao nhiệm vụ chủ đầu tư tuyến cao tốc trục dọc Cần Thơ – Cà Mau, Giám đốc Ban Quản lý Dự án Mỹ Thuận Trần Văn Thi tỏ ra lo lắng về tiến độ dự án. Ông Thi cho biết, dự án khởi công ngày 1/1/2023, dự kiến hoàn thành cuối năm 2025, nhưng đang chậm tiến độ 3 tháng. Đơn vị thi công đã bóc hữu cơ trên toàn tuyến, nhưng chưa có cát đắp nền nên chuyển qua thi công cầu. “Năm 2023, dự án phải giải ngân vốn 5.000 tỷ đồng nhưng đến nay mới đạt 2.000 tỷ đồng. An Giang cam kết cung ứng 1,1 triệu m3 cát nhưng hiện mới cung ứng 110.000m3. Toàn tuyến phải đắp nền xong trong tháng 6/2024, chờ lún gia tải thêm 12 tháng để kịp hoàn thành dự án vào cuối năm 2025. Do vậy, chậm nhất đến giữa tháng 11/2023, An Giang phải xong thủ tục giao mỏ khai thác thì mới kịp tiến độ” – ông Thi thông tin.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh kiểm tra chất lượng cát sông

Không chỉ cao tốc Cần Thơ – Cà Mau, tuyến cao tốc trục ngang Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng (giai đoạn 1), các đoạn qua An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, các công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh cũng đang “hóng” cát. Chủ tịch UBND TX. Tịnh Biên Phạm Thành Nhơn cho biết, đối với Dự án nâng cấp, mở rộng Đường tỉnh 948 (giai đoạn 2), nhà thầu cần tiếp cận mỏ khai thác 288.616m3 cát cho nhu cầu đắp nền đường và san lấp mở rộng mặt đường, nếu không sẽ ảnh hưởng tiến độ dự án.

Có thể tăng lượng cung ứng

Theo Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) An Giang Thái Minh Hiển, toàn tỉnh hiện có 33 mỏ cát với trữ lượng khoảng 42 triệu m3, nhưng chỉ có 8 mỏ đang hoạt động, trong đó có một số mỏ đang vướng thủ tục nên tạm dừng khai thác. Điển hình như khu mỏ của Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Thương mại Tấn Thắng, dự kiến cung cấp cho cao tốc Cần Thơ – Cà Mau hơn 1,58 triệu m³, dù còn giấy phép hoạt động đến năm 2024 nhưng báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) đã hết hạn. Nếu đẩy nhanh thủ tục cấp ĐTM để doanh nghiệp khai thác cát, có thể cung ứng ngay 1,9 triệu m3 cho cao tốc và các công trình trọng điểm.

Khai thác cát trên sông Hậu

Đối với Dự án nạo vét chỉnh trị Vàm Nao, do Liên danh Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ DNU và Công ty TNHH MTV Vạn Hưng Tùng thực hiện, có trữ lượng khoảng 3,5 triệu m³, các thủ tục đều xong nhưng còn vướng ý kiến của Cục Đường thủy nội địa liên quan đến thực hiện phương án đảm bảo an toàn giao thông đường thủy nội địa. Nếu Bộ GTVT hỗ trợ tháo gỡ vướng mắc này, có thể cung ứng cho công trình cấp bách, nhất là cao tốc Cần Thơ – Cà Mau.

Đối với Dự án nạo vét, chỉnh trị dòng chảy, hạn chế sạt lở đường bờ sông Tiền, khu vực xã Vĩnh Hòa (TX. Tân Châu), do Liên danh Công ty TNHH Châu Phát và Công ty TNHH Xây dựng Tân Hàn Châu thực hiện, có trữ lượng 1,2 triệu m3, đề nghị được thay đổi khối lượng gàu và tăng sản lượng khai thác. “Như vậy, khi tháo gỡ được thủ tục cho 3 khu mỏ này, có thể cung cấp ngay được 6,9 triệu m3 cát cho các công trình cấp bách” – ông Hiển thông tin.

Ngoài ra, còn có 6 mỏ cát đã thu hồi giấy phép theo Kết luận 1522/KL-TTCP, ngày 6/7/2023 của Thanh tra Chính phủ, trữ lượng khoáng sản còn lại có thể khai thác khoảng 4 triệu m³. Nếu các mỏ này được áp dụng cơ chế đặc thù để giao cho nhà thầu khai thác phục vụ các công trình đầu tư công, sẽ đáp ứng nhanh nhu cầu cấp bách về cát cho các tuyến cao tốc.

Bên cạnh cơ chế đặc thù cho các mỏ cát, UBND tỉnh An Giang đề nghị Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL xem xét đưa các đoạn sông đủ điều kiện vào danh mục các đoạn sông nạo vét thông luồng giao thông thủy và triển khai nạo vét, thu hồi khoáng sản để chia sẻ bớt khó khăn về nguồn vật liệu phục vụ cho các công trình trong giai đoạn hiện nay; báo cáo Chính phủ xem xét, có cơ chế đặc thù cho các dự án nạo vét thông luồng để đáp ứng kịp thời nguồn cát cấp bách.

Tháo gỡ vướng mắc

Sau chuyến khảo sát thực địa mỏ cát trên sông Hậu và làm việc với UBND tỉnh An Giang về rà soát, điều phối nguồn vật liệu san lấp phục vụ thi công các dự án giao thông trọng điểm của tỉnh và khu vực ĐBSCL, Bộ trưởng Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh và Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm ủng hộ, thống nhất với các đề xuất của An Giang về tháo gỡ vướng mắc các mỏ được cấp phép và áp dụng cơ chế đặc thù cho các mỏ đã thu hồi giấy phép, các dự án nạo vét thông luồng có thu hồi khoáng sản.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh kết luận buổi làm việc với tỉnh An Giang

Bộ trưởng Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh cho rằng, việc đẩy nhanh thực hiện các tuyến cao tốc và công trình trọng điểm ở ĐBSCL là vì sự phát triển chung của đất nước, đòi hỏi các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố, chủ đầu tư, nhà thầu phải cộng đồng trách nhiệm. Khi chiến lược cao tốc trục ngang kết nối ĐBSCL lên vùng kinh tế biên giới, cao tốc trục dọc kết nối với TP. Hồ Chí Minh, miền Đông Nam Bộ sẽ thúc đẩy kinh tế vùng ĐBSCL phát triển.

Chính phủ áp dụng cơ chế đặc thù nhằm đẩy nhanh tiến độ đầu tư, tiết kiệm ngân sách, nhưng phải quản lý tốt để hạn chế sạt lở, tác động đến môi trường. Về thủ tục phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, Sở TN&MT được phân quyền đánh giá, Bộ TN&MT sẽ hỗ trợ để rút ngắn thời gian, thủ tục phê duyệt.

“Khi tháo gỡ được vướng mắc cho các mỏ hiện tại, tranh thủ từ các dự án thông luồng và hoàn thành thủ tục cấp phép 6 mỏ mới trong 1 tháng tới, An Giang sẽ chủ động được nguồn cát lớn cho các công trình trọng điểm và cao tốc vùng ĐBSCL. Trong phân bổ nguồn cát, tỉnh cần trao đổi với chủ đầu tư, nhà thầu để linh hoạt sản lượng phù hợp” – Bộ trưởng Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh đánh giá.

Bộ TN&MT sẽ hỗ trợ An Giang trong việc ứng dụng công nghệ mới, hiện đại, chụp ảnh viễn thám nhằm tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai, chống sạt lở, giám sát chặt chẽ khối lượng khai thác cát thực tế tại các mỏ cát sông

 

NGÔ CHUẨN