Đáp ứng nhu cầu cát cho cao tốc

14/03/2024 - 06:11

 - Với nỗ lực lớn, UBND tỉnh An Giang đã ban hành bản xác nhận thu hồi khoáng sản đối với 10 khu mỏ khai thác cát sông phục vụ tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau theo cơ chế đặc thù, với trữ lượng cho phép khai thác gần 15,52 triệu m3 cát. Tuy chưa đáp ứng đủ nhu cầu cát cho cao tốc, nhưng nỗ lực của An Giang góp phần giải quyết vấn đề thiếu cát cấp bách hiện nay.

Nhu cầu lớn

Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng là tuyến cao tốc trục ngang đầu tiên của ĐBSCL, dài hơn 188km, được chia thành 4 dự án thành phần, do 4 tỉnh, thành phố có dự án đi qua làm chủ đầu tư (An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng). Để hoàn thành giai đoạn 1 của dự án vào năm 2027, cần hơn 31 triệu m3 cát đắp nền. Tuy nhiên, tình trạng thiếu cát đang ảnh hưởng tiến độ toàn dự án.

Đối với An Giang, dù có nhiều mỏ cát sông nhưng ngay Dự án thành phần 1 đi qua địa phận tỉnh (dài 57,2km, với 4 gói thầu xây lắp số 42, 43, 44, 45, do Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp tỉnh làm chủ đầu tư), cũng thiếu cát. Điển hình như gói thầu 42 (dài gần 17km), do Công ty Trường Sơn 11 (Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn) thực hiện với thời gian 42 tháng, đang chậm tiến độ hơn 8,3%.

Trong khi đó, gói thầu 44 do Công ty Cổ phần Tập đoàn Thành Huy phụ trách, dù đang vượt tiến độ nhưng nhà thầu chủ yếu tập trung nhân lực, vật lực thi công phần cầu (gói thầu có 9 cầu, 3 cống hộp), còn 12,5km cao tốc vẫn đang chờ cát. Đối với đoạn cao tốc qua TP. Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang, tình trạng thiếu cát càng nghiêm trọng hơn.

Công trình cao tốc đang chờ cát

Tương tự, tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau (gồm 2 đoạn Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau), do Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận làm chủ đầu tư, chiều dài 110km, khởi công ngày 1/1/2023, cũng đang gặp khó. Dự án cần khoảng 18,1 triệu m3 cát, nhưng do lượng cát cung ứng quá ít, năm 2023, tiến độ chỉ đạt 15% giá trị hợp đồng, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đạt tiến độ 35%.

Nỗ lực cung ứng

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về ưu tiên nguồn cát cho cao tốc Cần Thơ - Cà Mau (tuyến cao tốc trục dọc quan trọng của ĐBSCL), tỉnh An Giang đã xác định được 7,3 triệu m3, tỉnh Đồng Tháp được 7,2 triệu m3, tỉnh Vĩnh Long được 2,86 triệu m3. Riêng An Giang còn có nhiệm vụ cung ứng cát cho cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (các đoạn dự án thành phần qua tỉnh An Giang, Hậu Giang và TP. Cần Thơ).

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) An Giang Thái Minh Hiển cho biết, nhằm đáp ứng nhu cầu cát cho cao tốc, Sở TN&MT đã chủ động, tích cực phối hợp các sở, ngành xác định các khu mỏ, khảo sát, kiểm tra, hoàn thiện các thủ tục để tham mưu UBND tỉnh giao mỏ cho các nhà thầu. Đến nay, UBND tỉnh đã ký ban hành bản xác nhận thu hồi khoáng sản đối với 10 khu mỏ khai thác khoáng sản cát sông phục vụ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, đoạn cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau theo cơ chế đặc thù được Quốc hội và Chính phủ cho phép.

Theo đó, 10 khu mỏ có tổng diện tích hơn 411,3ha, trữ lượng cát cho phép khai thác gần 15,52 triệu m3, độ sâu khai thác -16m, công suất khai thác gần 10,31 triệu m3/năm. Đối với cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, đoạn qua tỉnh An Giang có 1 mỏ cát trên sông Tiền và 2 mỏ cát trên sông Hậu được giao cho 3 nhà thầu, với trữ lượng cho phép khai thác hơn 4,11 triệu m3; đoạn qua TP. Cần Thơ được giao 1 mỏ trên sông Tiền, trữ lượng gần 3,29 triệu m3; đoạn qua tỉnh Hậu Giang được giao 1 mỏ trên sông Hậu, trữ lượng gần 2,63 triệu m3. Đối với cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, được giao 1 mỏ trên sông Tiền và 4 mỏ trên sông Hậu, trữ lượng cho phép khai thác gần 5,2 triệu m3 cát.

Quản lý chặt chẽ

Sở TN&MT An Giang vừa làm việc với các chủ đầu tư, nhà thầu thi công tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng và cao tốc Cần Thơ - Cà Mau để hướng dẫn thực hiện các thủ tục trước khi tiến hành khai thác khoáng sản tại các khu mỏ, phục vụ nguồn cát cho các công trình cao tốc theo cơ chế đặc thù.

Đại diện Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận cho biết, với 5 mỏ cát do An Giang giao, cộng với 7 mỏ của Đồng Tháp, kỳ vọng sẽ sớm hoàn tất các thủ tục khai thác, để đẩy nhanh tiến độ cao tốc Cần Thơ - Cà Mau. “Chúng tôi sẽ căn cứ tiến độ của dự án để phân bổ, điều phối hợp lý, đảm bảo phát huy hiệu quả nguồn cát được giao” - đại diện Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận thông tin.

Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Cường cho biết, với 3 mỏ được giao mới, cộng với khoảng 1,2 triệu m3 cát được giao trước đó, đoạn cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng qua An Giang sẽ có điều kiện tăng tốc triển khai. Tuy nhiên, hiện vẫn còn thiếu khoảng 1,8 triệu m3, cần hoàn tất thêm thủ tục khu mỏ khác để đáp ứng nhu cầu.

“Các nhà thầu được giao mỏ khoáng sản cần bổ nhiệm ngay giám đốc điều hành mỏ theo quy định. Đồng thời, lắp đặt camera, thiết bị định vị, đặt màn hình theo dõi tại UBND xã nơi khai thác để địa phương giám sát; đăng ký phương tiện khai thác, vận chuyển. Nhà thầu khai thác báo cáo định kỳ hàng tuần, hàng tháng cho Sở TN&MT An Giang về khối lượng khai thác tại mỏ; chủ đầu tư các tuyến cao tốc báo cáo khối lượng cát tiếp nhận thực tế tại công trình để có cơ sở so sánh, đảm bảo cát về đúng địa chỉ” - Phó Giám đốc Sở TN&MT Tô Hoàng Môn yêu cầu.

Giám đốc Sở TN&MT An Giang Thái Minh Hiển đề nghị các chủ đầu tư, nhà thầu tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng và cao tốc Cần Thơ - Cà Mau thực hiện đúng thủ tục hướng dẫn của Sở TN&MT. Các chủ đầu tư, nhà thầu và doanh nghiệp khai thác cát cần phối hợp, đồng hành cùng nhau thực hiện khai thác cát đảm bảo chặt chẽ, đưa cát về đúng địa chỉ công trình, đủ số lượng để đẩy nhanh triển khai các tuyến cao tốc đạt tiến độ đề ra

 

NGÔ CHUẨN