Huyện Thoại Sơn nhận bằng xác lập kỷ lục huyện đầu tiên trong cả nước đạt 3 danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”, “Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới” và “Huyện nông thôn mới”
Nhiều kỷ lục Việt Nam
Ngày nay, Thoại Sơn không chỉ được mọi người biết đến là vùng đất có truyền thống anh hùng, mà còn là huyện được ghi tên rất nhiều vào Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam. Đó là kỷ lục “Tượng Phật 4 tay và 2 tấm bia đá lâu năm nhất Việt Nam” (2010). Khoảng năm 1913, người dân khu vực xã Vọng Thê, thị trấn Óc Eo, núi Ba Thê đào sâu khoảng 2m dưới đất phát hiện tượng Phật 4 tay, cao 1,7m và 2 tấm bia cổ chiều cao 1,8m, dày 0,22m. Trên bia ghi chữ Phạn cổ mà các nhà nghiên cứu cho rằng, đây là chữ viết của người Phù Nam. Tượng Phật 4 tay và 2 tấm bia cổ ngày nay được thờ tại Linh Sơn tự trên núi Ba Thê. Kỷ lục tiếp theo là “Nhà trưng bày cổ vật Văn hóa Óc Eo theo mô hình Linga”. Tại đây, trưng bày hàng ngàn cổ vật khai quật dưới lòng đất mang dấu ấn văn hóa Óc Eo từ các cuộc khai quật Gò Cây Thị, chùa Linh Sơn…
Những kỷ lục đáng tự hào nữa của vùng đất núi Thoại sông Hà là “Bức tranh thư pháp có chữ Tâm nhiều nhất”. Bức tranh thư pháp được làm bằng gỗ, có 2 mặt: mặt trước là 108 chữ Tâm viết bằng tiếng Việt với những bút pháp khác nhau của những nghệ nhân tài danh. Mặt sau là 108 dòng thơ lục bát nói về chữ Tâm của tác giả Hồ Trung Việt được nghệ nhân Ngọc Minh thực hiện. Bức tranh thư pháp này có chiều cao 327cm, rộng 210cm, được làm từ tháng 1 đến tháng 6-2007 tại huyện Duy Xuyên (Quảng Nam). Bức tranh do những nhà thư pháp thực hiện, trong đó có một số người tiêu biểu là nghệ nhân Phan Ngọc Minh, Hồ Trung Việt, Nguyễn Thiện Hảo, Nguyễn Chí Bình. Bức tranh thư pháp hiện đặt tại Khu du lịch hồ Ông Thoại (thị trấn Núi Sập). Gần đây nhất, Hội kỷ lục Việt Nam đã trao bằng xác lập Kỷ lục Guinness Việt Nam cho Thoại Sơn - huyện đầu tiên trong cả nước đạt 3 danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”, “Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới” và “Huyện nông thôn mới”.
Đó còn là kỷ lục “Nghệ nhân làm tranh bằng chất liệu lá thốt nốt nhiều nhất” của nghệ nhân ưu tú Võ Văn Tạng và kỷ lục “Bản Di chúc của Bác Hồ viết bằng chất liệu lá thốt nốt lớn nhất”.
UBND tỉnh tặng cờ thi đua cho Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thoại Sơn
Tự hào kỷ lục “Huyện có số hộ dân treo ảnh Bác Hồ nhiều nhất Việt Nam”
Kỷ lục được xác lập năm 2009, vào dịp sinh nhật lần thứ 119 của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau hơn 1 tháng phát động, toàn huyện Thoại Sơn có 33.670 /34.178 hộ dân treo ảnh Bác Hồ tại nơi trang trọng nhất trong nhà, đạt tỷ lệ 98,51% tổng số hộ dân. Phong trào đã được Trung tâm sách Kỷ lục guiness Việt Nam công nhận là huyện đầu tiên có số hộ dân treo ảnh Bác Hồ nhiều nhất Việt Nam. Theo Ban Tuyên giáo Huyện ủy Thoại Sơn, đến nay, nhiều mô hình hay, thiết thực trong học tập và làm theo gương Bác được triển khai thực hiện và nhân rộng trong các tầng lớp nhân dân gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới, tạo được sức hút và sự lan tỏa mạnh mẽ.
Kỷ lục thiện nguyện trong hành trình “mở lối đi riêng”
Đề án 04 của UBND huyện về “Xã hội hóa hoạt động xây dựng và phát triển hệ thống quỹ Khuyến học, khuyến tài trên địa bàn huyện Thoại Sơn” giai đoạn 2019 - 2020 là một trong những chương trình đề án quan trọng đã ra đời và được triển khai ngày 18-5-2019.
Trọng tâm của đề án là huy động mọi nguồn lực xã hội góp phần phát triển sự nghiệp giáo dục, nâng cao chất lượng đào tạo và xây dựng xã hội học tập. Sau 1 năm nỗ lực lãnh đạo, vận động và tổ chức thực hiện, các nhiệm vụ và chỉ tiêu phấn đấu của đề án đã được hoàn thành và hoàn thành vượt mức trước ngày 19-5-2020. Đã có 17 quỹ Khuyến học, khuyến tài của 17 xã, thị trấn cùng 4 quỹ Khuyến học đặc thù (quỹ Khuyến học huyện Thoại Sơn, quỹ Học bổng Nguyễn Văn Thoại, quỹ Khuyến học, khuyến tài Trường THCS Định Mỹ, đặc biệt trong hệ thống còn xuất hiện mô hình mới đó là quỹ Khuyến học, khuyến tài Trường Mẫu giáo thị trấn Núi Sập). So với chỉ tiêu phấn đấu của đề án là 18,6 tỷ đồng, tính đến ngày 19-5-2020, tổng nguồn quỹ toàn hệ thống đã vượt chỉ tiêu, đạt trên 19 tỷ đồng.
PHƯƠNG LAN