Sau một thời gian lâm bệnh nặng, mặc dù được Đảng, Nhà nước, tập thể các giáo sư, bác sỹ trong và ngoài nước tận tình cứu chữa, gia đình hết lòng chăm sóc, nhưng do tuổi cao sức yếu, nguyên Tổng Bí thư đã từ trần hồi 23h12 phút ngày 1-10-2018, tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.
Với nhiều người, xen lẫn trong niềm tiếc thương là hình ảnh về vị Tổng Bí thư gần gũi, giản dị hiện về.
Tổng Bí thư Đỗ Mười nói chuyện thân mật với nhân dân xã Lê Lợi, huyện Thường Tín (Hà Tây cũ), ngày 1-11-1992. Nguồn ảnh: TTXVN
Trong ngôi nhà số 468, đường Nguyễn Huệ, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum, tại vị trí trang trọng nhất ở phòng khách, bà Y Xuôi, 69 tuổi, dân tộc Sê Đăng treo tấm ảnh bà chụp với Tổng Bí thư Đỗ Mười cùng một số vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước khi tham dự Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa IX.
Bà Y Xuôi cho biết, là đại biểu Quốc hội từ khóa VII đến khóa IX, rồi trên các cương vị công tác khác nhau của tỉnh Kon Tum, bà đã nhiều lần trò chuyện, làm việc với Tổng Bí thư Đỗ Mười.
“17 năm trong Quốc hội từ khóa VII cho đến khóa IX tôi rất gần gũi với Bác và thấy rằng Bác là một người rất giản dị, rất quần chúng, rất sâu sắc. Trên vị trí Tổng Bí thư, Bác đặc biệt quan tâm tới vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc, là một đồng chí sâu sát cơ sở. Đó là điều mà tôi thấy rất cảm động”- bà Y Xuôi chia sẻ.
Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, dù ở bất cứ cương vị công tác nào, từ lãnh đạo một tỉnh, một khu hay một bộ, ngành, một lĩnh vực rồi trở thành người lãnh đạo cao nhất của Đảng và cả khi đã nghỉ hưu, đồng chí Đỗ Mười đều để lại dấu ấn rất quan trọng, những tình cảm trong sáng với đồng bào, đồng chí.
Là người từng 2 lần được gặp nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười trong các cuộc làm việc trực tiếp về các doanh nghiệp, trong ký ức ông Hồ Thăng Trừng, ở quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng, Tổng Bí Thư Đỗ Mười là người rất quyết đoán, sống giản dị và gần gũi với mọi người.
“Đồng chí Đỗ Mười là một cán bộ cách mạng trải qua nhiều gian truân trong cuộc kháng chiến. Đồng chí là người rất kiên quyết, kiên trung, kiên định, đóng góp một thời kỳ dài cho đất nước, cho Đảng. Đồng chí ra đi khiến chúng tôi thấy vô cùng thương tiếc!”- ông Hồ Thăng Trừng bày tỏ.
Nhớ lại kỷ niệm một lần được gặp nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười trong cửa hàng mậu dịch, ông Nguyễn Hữu Thường, cựu chiến binh ở phường Tân Phong, TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai ấn tượng phong cách của một vị lãnh đạo gần dân.
“Tôi rất xúc động khi nghe tin đồng chí Đỗ Mười từ trần, một người cán bộ ưu tú của Đảng và Nhà nước. Đồng chí sâu sát, quan tâm đến đời sống của nhân dân" - ông Thường chia sẻ và kể một lần đồng chí Đỗ Mười vào kiểm tra cửa hàng mậu dịch, giả người dân vào ăn phở, mua hàng cung cấp để chỉnh đốn nhân viên của thời kỳ đó.
Còn với người dân thành phố Hải Phòng, nơi đồng chí Đỗ Mười từng giữ cương vị Bí thư Thành ủy, giai đoạn những năm 1955 - 1956, thì sự ra đi của ông đã để lại sự tiếc thương cho nhiều tầng lớp cán bộ, nhân dân thành phố hoa phượng đỏ.
"Nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười có một phong thái hết sức điềm đạm, chân thành, thẳng thắn. Khi giữ cương vị Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng - giai đoạn đất nước hết sức khó khăn, ông Đỗ Mười đã lãnh đạo, chỉ đạo vực dậy nền kinh tế. Đó là một thành tích hết sức lớn lao" - ông Nguyễn Văn Vẻ, cán bộ Quân đội đã nghỉ hưu, hiện sống tại phường Văn Đẩu, quận Kiến An, thành phố Hải Phòng, nói.
Theo VOV