Đấu giá bộ xương hổ răng kiếm hóa thạch gần 40 triệu năm tuổi

09/12/2020 - 20:44

Ngày 8-12, bộ xương hóa thạch có niên đại gần 40 triệu năm của một con hổ răng kiếm đã được bán đấu giá thành công tại Geneva (Thụy Sĩ) với số tiền thu được là 84.350 USD.

Bộ xương hóa thạch hổ răng kiếm được trưng bày trước phiên đấu giá tại Geneva, Thụy Sĩ, ngày 1-12-2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Bộ xương có chiều dài khoảng 1,2m, đã được một nhà sưu tầm mua lại chỉ sau 1 phút đấu giá.

Các chuyên gia khảo cổ đánh giá bộ hóa thạch này khá hiếm có, bởi nó gần như nguyên vẹn đến 90%. Bộ hóa thạch này chỉ bị thiếu vài chiếc xương, nhưng những xương này đã được tái tạo bằng công nghệ in 3D.

Được tìm thấy tại một trang trại ở bang South Dakota (Mỹ) cuối mùa hè năm 2019, đây là bộ xương hóa thạch của hổ răng kiếm có tên khoa học là Hoplophoneus, một loài thú ăn thịt đã tuyệt chủng thuộc họ Nimravidae, và từng sinh sống cùng thời với người da đỏ Bắc Mỹ. Bộ xương hổ răng kiếm trên là điểm nhấn thú vị nhất trong số 40 mẫu vật được đấu giá tại sự kiện đấu giá này. 

Một số mẫu vật khác cũng thu hút sự chú ý là bộ hóa thạch 75 triệu năm tuổi từ Kỷ Phấn Trắng, được phát hiện tại dãy núi Rocky của Canada. Bộ hóa thạch này có chiều dài 40 cm và rộng 36 cm, và ước tính có giá từ 20.000 - 30.000 franc Thụy Sĩ (tương đương 22.400 - 32.400 USD).

Những người đam mê Công viên Kỷ Jura cũng có thể tham khảo một chiếc răng của khủng long bạo chúa Tyrannosaurus Rex có giá 2.200 - 2.800 franc Thụy Sĩ, hoặc một chiếc vây dài 85 cm của con Mosasaur - một loài thằn lằn biển trong kỷ Phấn Trắng, có giá 5.000 - 7.000 franc Thụy Sĩ.

Đến nay, đã có nhiều tranh cãi liên quan đến việc cân đối giữa giá trị khoa học và giá trị thực tế của của các bộ xương hóa thạch. Một số nhà nghiên cứu sinh học cổ cho rằng hóa thạch của động thực vật không phải là các đồ vật mang tính trang trí và sưu tầm, mà là chứng cứ tiến hóa của sự sống trên Trái Đất, bởi vậy, chúng cần được tìm hiểu qua các bài báo khoa học và chia sẻ với cộng đồng tại các bảo tàng.

Theo MINH TUẤN (TTXVN)