
Các chiến sĩ tù Côn Đảo chiến thắng trở về trong ngày giải phóng
Theo sử sách, quần đảo Côn Lôn (Côn Đảo, Côn Sơn, huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) với 16 hòn đảo lớn nhỏ, tổng diện tích khoảng 77km2, trong đó, đảo Phú Hải (Côn Lôn lớn) rộng nhất ,với gần 52km2. Năm 1862, Pháp xây dựng hệ thống nhà tù kiên cố, nhà Chúa đảo, tháp canh, trại lính để quản lý tù nhân, đặc biệt với người tù chính trị. Qua 113 năm (1862 - 1975), giặc xây dựng 127 phòng giam, 42 xà lim và 504 phòng giam biệt lập (chuồng cọp), bố trí 53 đời Chúa đảo (39 thời Pháp, 14 thời Mỹ - ngụy) để cai trị người tù một cách tàn khốc. Bộ máy kìm kẹp ở nhà tù Côn Đảo trước ngày 30/4/1975 lên tới 1.535 người. Ngoài ra, còn có 76 cảnh sát, 26 cố vấn Mỹ và chư hầu, 109 công chức các loại.
Với hệ thống nhà tù chỉ nghe qua những cái tên đã thấy hãi hùng: Biệt lập chuồng cọp, biệt lập chuồng bò, hầm xay lúa, nhà lim cấm cố. Đây là những nơi thường xảy ra các cuộc chiến đấu giữa một bên là người tù không tấc sắt trong tay, chỉ có lòng yêu nước chống lại những đợt tra tấn tàn bạo của thực dân, đế quốc. Ở “địa ngục trần gian”, tù nhân “sống” thiếu thốn đủ bề, mạng sống do nhà tù định đoạt. Đã có gần 20.000 chiến sĩ cách mạng và người yêu nước vĩnh viễn yên nghỉ tại Côn Đảo, trong đó có nhiều thế hệ cách mạng là “hạt giống đỏ”.
Sa vào tay giặc, lớp cộng sản đầu tiên thống nhất nhau quy định: “Nơi nào có người cộng sản là nơi đó có tổ chức Đảng để giáo dục đảng viên, giác ngộ quần chúng và lãnh đạo đấu tranh”. Từ đó, năm 1932, tại khám Chỉ Tồn, banh 1 (trại giam), Chi bộ Đảng trong nhà tù đầu tiên được thành lập, đồng chí Nguyễn Hới (Bí thư Tỉnh ủy Nam Định, Xứ ủy Bắc Kỳ) làm Bí thư Chi bộ. Chi ủy, gồm các đồng chí: Tôn Đức Thắng, Tạ Uyên, Tống Phú Chiểu, Tống Văn Trân, Lê Đức Thọ. Lúc đầu, chi bộ 20 đảng viên. Sau đó, các khám từ 1 đến 5, cơ sở Nhà Đèn, Sở Muối, An Hải... lần lượt thành lập chi bộ và tiếp đó Đảng bộ Côn Đảo ra đời. Mục đích của Đảng bộ là lãnh đạo đấu tranh trong nhà tù; giáo dục, bồi dưỡng lý luận chính trị cho anh em; tuyên truyền, giác ngộ binh lính, giám thị; liên hệ với Đảng ở đất liền để tổ chức vượt ngục. Tuy nhiên, theo đồng chí Nguyễn Hới “ở Côn Đảo không thể bạo động cướp chính quyền, chỉ có thể tập hợp được lực lượng mà trước hết lãnh đạo lãn công, bãi công, tuyệt thực để đấu tranh đòi cải thiện chế độ lao tù”.
Về việc này, đáng kể nhất là cuộc đấu tranh của đồng chí Phạm Hùng bị Pháp đày ra Côn Đảo cùng 200 tù chính trị năm 1931. Trong đó, có các cán bộ xuất sắc của Đảng, như: Đồng chí Ngô Gia Tự, Lê Duẩn, Nguyễn Văn Cừ, Phạm Văn Đồng, Hoàng Quốc Việt, Lê Đức Thọ...
Khi 16 tuổi, đồng chí Phạm Hùng nhận thức chỉ có làm cách mạng giải phóng dân tộc, giành độc lập tự do thì dân ta mới có ấm no, hạnh phúc. Năm 1930, ông được kết nạp vào Đảng, làm Bí thư Chi bộ trường học và năm sau làm Bí thư Tỉnh ủy Mỹ Tho. Ngày 2/6/1931, lãnh đạo Nhân dân chống thực dân Pháp và tay sai, ông bị Pháp bắt, giam đến năm 1933. Trong tù, ông đấu tranh, bị tra tấn và kết án tử hình trong “vụ án những người cộng sản” nổi tiếng ở Sài Gòn. Ngày 11/1/1932, tại phiên tòa đề hình Sài Gòn, dù không có bất kỳ chứng cớ gì, ông vẫn bị kết án 3 năm tù, 3 năm quản thúc. Ngày 20/9/1932, Pháp mở phiên tòa đại hình tại Mỹ Tho, xét xử “những người chống lại an ninh công cộng”, kết án Phạm Hùng tử hình.
Trong Khám Lớn Sài Gòn, ngoài đấu tranh, ông dạy học chữ, giáo dục cách mạng cho nhiều tù nhân. Trước cuộc đấu tranh sục sôi của Nhân dân ta, Nhân dân Pháp, Đảng Cộng sản Pháp và Quốc tế Cộng sản đòi ân xá “10.000 tù chính trị phạm ở Đông Dương”, đặc biệt đòi bỏ mười mấy án tử hình, làm cho thực dân Pháp phải chùn tay. Ông Phạm Hùng và một số đồng chí khác được giảm từ tử hình xuống khổ sai chung thân, bị đày ra Côn Đảo.
Ở “địa ngục trần gian”, đồng chí Phạm Hùng thể hiện rõ chí khí, bản lĩnh của một người cộng sản kiên trung. Đặc biệt, ông tổ chức tù nhân đấu tranh đòi cải thiện chế độ nhà tù, xây dựng đường dây liên lạc với bên ngoài chỉ đạo phong trào đấu tranh của quần chúng. Ngày 27/5/1936, Đảng bộ nhà tù Côn Đảo phát động cuộc đấu tranh đòi thả tù chính trị. Đại diện các tù nhân, đồng chí Phạm Hùng trao cho bọn giám ngục yêu sách của cuộc đấu tranh đòi thực hiện “đại xá tù chính trị”. Cuộc đấu tranh tập hợp hơn 1.000 tù nhân tham gia và bất chấp mọi thủ đoạn khủng bố của kẻ thù. Sau nhiều ngày đấu tranh và sau 3 ngày tù nhân tuyệt thực, bọn thực dân phải lùi bước. Hơn 200 chiến sĩ cách mạng lần lượt trở về đất liền. Cuộc đấu tranh gây tiếng vang lớn, được sự ủng hộ rộng rãi của Nhân dân cả nước và các lực lượng tiến bộ nước Pháp.
Nói về “tinh thần thép” của đồng chí Phạm Hùng, nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng nhận xét: “Giữa cảnh xô bồ mà mạng sống con người có khi đo bằng một chỗ ngã lưng hay một chén cơm gạo mục, Phạm Hùng đã vượt qua mọi thách đố, hơn thế nữa là người sẵn sàng sống chết với tinh thần nghĩa hiệp, che chở cho đồng chí, cho người yếu đuối. Chính môi trường này làm bật sáng khí phách của một Phạm Hùng, dám đưa lưng ra đỡ đòn cho bè bạn một cách dứt khoát đến nỗi bọn cai ngục phải nể sợ. Bác Tôn Đức Thắng trong hồi ký của mình, tỏ rõ lòng khâm phục cái dũng cao ngất của Phạm Hùng”.
NGUYÊN HẢO