Đầu tư trọng tâm, trọng điểm để giảm nghèo

27/04/2023 - 05:55

 - Mục tiêu năm 2023 của tỉnh An Giang là giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống; hỗ trợ huyện nghèo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn.

Giảm nghèo bền vững

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội An Giang, đầu năm 2022, toàn tỉnh có 20.129 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 3,8% tổng số hộ, trong đó có 4.026 hộ nghèo dân tộc thiểu số; 31.288 hộ cận nghèo, chiếm 5,9%. Đến cuối năm 2022, số hộ nghèo còn 14.872 hộ (giảm 1,01% so đầu năm); hộ cận nghèo giảm còn 24.370 hộ (giảm 1,32%). Tỷ lệ hộ nghèo ở huyện nghèo giảm 2,2% (từ 10,8% xuống còn 8,6%).

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh đã hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội (KTXH) tại huyện nghèo, đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng; phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững; truyền thông và giảm nghèo về thông tin…

Mục tiêu đề ra đã cơ bản đạt được, tác động tích cực đối với công tác chăm sóc sức khỏe, các dịch vụ xã hội cho người nghèo; nâng cao năng suất lao động, hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu lao động nói riêng và quá trình phát triển KTXH nói chung. Đời sống tinh thần của nhân dân từng bước được cải thiện và nâng lên rõ rệt, nhất là đối tượng dễ bị tổn thương (người cao tuổi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa).

Tiếp tục thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, năm 2023, An Giang đề ra kết quả và chỉ tiêu chủ yếu cần đạt được, như: Huyện nghèo được hỗ trợ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng KTXH liên kết vùng, phục vụ dân sinh, sản xuất, thương mại, lưu thông hàng hóa và cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản; ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu.

Đồng thời, hỗ trợ xây dựng, nhân rộng mô hình, dự án giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh nhằm tạo sinh kế, việc làm, thu nhập bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, dịch bệnh cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; người dân sinh sống trên địa bàn huyện nghèo…

Đối tượng của chương trình là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo (trong vòng 36 tháng, kể từ thời điểm hộ được cấp có thẩm quyền công nhận thoát nghèo) toàn tỉnh; huyện nghèo. Ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo dân tộc thiểu số, hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng; trẻ em, người khuyết tật, phụ nữ thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; người dân sinh sống trên địa bàn huyện nghèo...

Đặt nỗ lực vào 7 dự án

Theo UBND tỉnh, năm 2023, gần 120 tỷ đồng dành cho dự án 1 (hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng KTXH huyện nghèo) để xây dựng cơ sở hạ tầng liên kết vùng, thiết yếu, phục vụ dân sinh, sản xuất, lưu thông hàng hóa trên địa bàn huyện nghèo; hỗ trợ các địa bàn nghèo phát triển cơ sở hạ tầng KTXH, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đặc biệt, tiểu dự án 2 hỗ trợ huyện Tri Tôn thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn giai đoạn 2022 - 2025, bằng cách đầu tư trọng tâm, trọng điểm một số công trình, cơ sở hạ tầng KTXH.

An Giang dành hơn 35 tỷ đồng thực hiện dự án 2 (đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo), dành cho người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người khuyết tật (không có sinh kế ổn định); người dân sinh sống trên địa bàn huyện nghèo; ưu tiên hỗ trợ mô hình, dự án giảm nghèo triển khai trên địa bàn huyện nghèo; mô hình, dự án giảm nghèo, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh do người khuyết tật, dân tộc thiểu số, phụ nữ, học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo chủ trì thực hiện; tạo điều kiện để người yếu thế, dễ bị tổn thương, có hoàn cảnh khó khăn được tham gia thực hiện mô hình, dự án giảm nghèo.

Ngoài ra, tỉnh phân bổ kinh phí thực hiện dự án 3 (hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng), dự án 4 (phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững); dự án 5 (hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện nghèo); dự án 6 (truyền thông và giảm nghèo về thông tin); dự án 7 (nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá chương trình). Nguyên tắc thực hiện chương trình là đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững, trọng tâm là huyện nghèo; ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo dân tộc thiểu số, hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng và trẻ em, phụ nữ thuộc hộ nghèo.

Việc tổ chức thực hiện một số hoạt động của chương trình phải bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế, đặc điểm, điều kiện huyện nghèo; khắc phục tình trạng đầu tư phân tán, dàn trải, lãng phí; không sử dụng vốn của chương trình để chi cho các hoạt động thuộc nhiệm vụ quản lý nhà nước đã được bố trí đầy đủ từ nguồn vốn chi thường xuyên.

Bảo đảm công khai, dân chủ, phát huy quyền làm chủ và sự tham gia tích cực, chủ động của cộng đồng và người dân. Ưu tiên công trình sử dụng nguyên vật liệu địa phương và sử dụng lao động tại chỗ để tạo thêm sinh kế cho người dân. Phân quyền, phân cấp cho địa phương trong xây dựng, tổ chức thực hiện chương trình phù hợp với điều kiện, đặc điểm, tiềm năng, thế mạnh, bản sắc văn hóa, phong tục tập quán tốt đẹp của các dân tộc, các vùng miền gắn với củng cố quốc phòng - an ninh.

Tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2023 trên địa bàn An Giang gần 278 tỷ đồng (trong đó, vốn ngân sách Trung ương gần 245 tỷ đồng), phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm 1-1,2%; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm từ 3-4%/năm; tỷ lệ hộ nghèo ở huyện nghèo giảm 2%/năm.

VẠN LỘC