Lãnh đạo TX. Tân Châu dự lễ ra mặt mô hình điểm thanh toán không dùng tiền mặt tại chợ Vĩnh Hòa
Tiện ích, an toàn
Động thái này góp phần cải thiện hiệu quả hoạt động, tăng doanh thu và phát triển các sản phẩm, dịch vụ mới của ngành ngân hàng, đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi số của tỉnh và quốc gia. Chia sẻ về việc TTKDTM mang lại nhiều lợi ích thiết thực, bà Võ Thị Thùy Trang (tiểu thương chợ Vĩnh Hòa, TX. Tân Châu) cho biết, với phương thức thanh toán này, tiểu thương có thể thực hiện giao dịch thanh toán một cách nhanh chóng mà không cần mang theo tiền mặt, giúp tiết kiệm thời gian và công sức.
Trung tuần tháng 10/2024, 119 hộ tiểu thương ở chợ Vĩnh Hòa được Chi nhánh Ngân hàng TMCP Ngoại thương Châu Đốc (Phòng Giao dịch Tân Châu) phối hợp Ban quản lý chợ, UBND xã Vĩnh Hòa, trực tiếp đến từng hộ tiểu thương tuyên truyền về những tiện ích trong TTKDTM. Vận động các hộ kinh doanh tại chợ này, tạo lập tài khoản, cài đặt ứng dụng ngân hàng, đồng thời hỗ trợ, trang bị bảng quét mã QR cho từng hộ. Hiện, có trên 55% hộ tiểu thương tại chợ Vĩnh Hòa áp dụng hình thức TTKDTM trong mua bán. “Đối với TTKDTM, khi khách hàng thực hiện thanh toán, các giao dịch đó sẽ được ghi lại rõ ràng, giúp mình dễ dàng theo dõi chi tiêu và hạn chế gian lận trong kinh doanh. Đặc biệt, khách hàng có thể thanh toán từ xa, tạo thuận lợi cho giao dịch trong các tình huống không thể tiếp xúc trực tiếp…” - bà Võ Thị Thùy Trang chia sẻ.
Từ những tiện ích, an toàn nêu trên, năm 2024, UBND TX. Tân Châu đã chỉ đạo Phòng Kinh tế thị xã phối hợp các bên liên quan, đẩy mạnh thực hiện Kế hoạch phát triển thương mại điện tử tỉnh An Giang giai đoạn 2021 - 2025; Kế hoạch 685/KH-UBND, ngày 21/10/2022 của UBND tỉnh về triển khai các giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy phát triển TTKDTM trong lĩnh vực thương mại trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Như vậy, sau việc thí điểm TTKDTM tại chợ xã Vĩnh Hòa sẽ đẩy mạnh triển khai hình thức thanh toán này đến tất cả các chợ trên địa bàn để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của địa phương.
Người dân đi chợ Vĩnh Hòa đang thực hiện giao dịch thanh toán qua quét mã QR của Chi nhánh Ngân hàng TMCP Ngoại thương Châu Đốc
Xu hướng
Cùng với xu thế chung của chuyển đổi số, TTKDTM đang càng trở nên phổ biến với mọi tầng lớp Nhân dân trong xã hội, từ hoạt động thương mại đến dịch vụ công; từ thành thị đến nông thôn… tạo động lực cho sự phát triển của các dịch vụ thanh toán số, góp phần thúc đẩy các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Thông qua TTKDTM nói riêng, cũng như những lợi ích của chuyển đổi số nói chung đã giúp người dân bình đẳng hơn về cơ hội tiếp cận các dịch vụ số, thúc đẩy các hoạt động kinh tế số trên địa bàn tỉnh.
Trong năm 2024, thực hiện kế hoạch đẩy mạnh TTKDTM của UBND tỉnh, kế hoạch TTKDTM và chuyển đổi số của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh An Giang phối hợp Sở Công Thương, tổ chức 9 lớp tập huấn, trong đó 7 lớp tập huấn triển khai về thanh toán điện tử, TTKDTM… Những lớp tập huấn này góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, bà con tiểu thương và Nhân dân trên địa bàn trong đẩy mạnh chuyển đổi số, TTKDTM. Từ đó, hoạt động TTKDTM đạt những kết quả rất khả quan. Cụ thể, số người từ 15 tuổi có tài khoản thanh toán đang hoạt động tại ngân hàng (tính tới ngày 30/9/2024) gần 2 triệu người, tăng gần 20.000 người so năm 2023.
Hoạt động thanh toán qua Internet Banking/Mobille Banking và các ví điện tử tăng mạnh trên địa bàn tỉnh, đây là tín hiệu tích cực cho thấy, tiểu thương và người dân trên địa bàn dần thích ứng với việc sử dụng công nghệ số ứng dụng trong thanh toán điện tử, góp phần thực hiện tốt Đề án TTKDTM của tỉnh và Chính phủ. Thực tiễn cho thấy, nhờ vào những chiến dịch tuyên truyền về chuyển đổi số nói chung, TTKDTM nói riêng, chợ TTKDTM cùng các tuyến phố TTKDTM đã được triển khai, tạo hiệu ứng thay đổi thói quen người dùng, trong đó đi đầu là TP. Long Xuyên, Châu Đốc, các trung tâm thương mại ở tất cả các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.
Cùng với xu thế chung của chuyển đổi số, TTKDTM đang ngày càng trở nên phổ biến, việc này giúp mang lại nhiều lợi ích đáng kể cho các bên. Cụ thể, đối với người dân, TTKDTM mang đến rất nhiều tiện ích, tiện lợi, an toàn, minh bạch, dễ dàng theo dõi các giao dịch, quản lý chi tiêu và không cần mang theo nhiều tiền mặt. Đối với Nhà nước, dễ dàng theo dõi dòng tiền, hỗ trợ việc điều hành chính sách tiền tệ, nâng cao hiệu quả thu thuế, đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận các dịch vụ công trực tuyến do Nhà nước triển khai thực hiện.
Theo Phó Chủ tịch UBND TX. Tân Châu Trần Hoàng Hải: “Thanh toán không dùng tiền mặt đang ngày càng trở nên phổ biến trong đời sống hiện đại, với nhiều lợi ích mang lại đối với các bên tham gia, bà con tiểu thương cần sử dụng hình thức này để thanh toán trong các giao dịch”. |
MINH HIỂN