Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước

14/07/2020 - 05:39

 - Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước, hướng tới phát triển Chính phủ điện tử là xu thế tất yếu, mô hình phổ biến của nhiều quốc gia. Để đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước, thời gian qua, các cấp chính quyền từ tỉnh đến cơ sở chú trọng công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện các kế hoạch, cơ chế, chính sách của tỉnh để đầu tư, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật thông tin cơ bản đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình, với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, tỉnh An Giang đã phê duyệt khung đề án An Giang điện tử, nhằm tập trung củng cố nhiệm vụ xây dựng chính quyền điện tử, phát triển An Giang điện tử. Tỉnh đã sớm triển khai cung cấp dịch vụ công qua hệ thống bưu chính. Năm 2019, đã tiếp nhận và trả kết quả trên 330.000 hồ sơ. 6 tháng đầu năm 2020, số hồ sơ tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) qua dịch vụ bưu chính công ích trên 147.000 hồ sơ (đạt 119% so cùng kỳ năm 2019). Bưu chính công ích góp phần nâng cao tỷ lệ giải quyết TTHC mức độ 3, 4 trong công tác cải cách hành chính (CCHC) của tỉnh. Internet cáp quang tốc độ cao đã đến 100% trung tâm xã, phường; internet di động băng rộng phủ sóng 100% địa bàn, trên 70% dân số sử dụng thiết bị thông minh.

Tỉnh An Giang đã ban hành khung đề án An Giang điện tử, là cơ sở để thực hiện chuyển đổi số trong chính quyền An Giang; Sở Thông tin và Truyền thông đã đề xuất UBND tỉnh Chương trình chuyển đổi số của tỉnh là chương trình trọng điểm ngành thông tin và truyền thông thực hiện Nghị quyết Đảng bộ tỉnh lần XI nhiệm kỳ 2020-2025. An Giang đã thành lập Đội ứng cứu khẩn cấp sự cố an toàn thông tin mạng tỉnh. Số lượng doanh nghiệp (DN) công nghệ thông tin đang hoạt động là 785 DN, phần lớn là DN nhỏ, siêu nhỏ kinh doanh, phân phối các sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin, mang lại giá trị chưa cao.

Thời gian qua, các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện đã quan tâm đầu tư, nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin. Trong đó, một số đơn vị đã mua sắm, đầu tư các thiết bị đảm bảo an toàn thông tin. Vì vậy, hạ tầng công nghệ thông tin tại các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh hiện nay đã cơ bản đáp ứng yêu cầu triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành và hoạt động của cơ quan nhà nước.

Nhận định Cổng thông tin điện tử là kênh giao tiếp quan trọng giữa chính quyền với người dân và các tổ chức, do vậy Cổng thông tin điện tử của tỉnh đã được đầu tư, nâng cấp, cung cấp đầy đủ các tính năng của dịch vụ công và cung cấp tương đối đầy đủ các thông tin chỉ đạo điều hành theo quy định. Đối với việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chỉ đạo, điều hành, phục vụ người dân và DN, các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố đã triển khai phần mềm quản lý văn bản và điều hành (VNPT-iOffice), góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, chỉ đạo điều hành của UBND tỉnh và công tác quản lý, điều hành của các cơ quan hành chính từ tỉnh đến cơ sở. Đến nay, hầu hết các cơ quan nhà nước đã xây dựng được trang thông tin điện tử, góp phần tạo môi trường giao tiếp công khai, minh bạch hoạt động của các cơ quan, đơn vị với người dân và DN.

Để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước gắn với CCHC, thời gian tới, các cấp, ngành chức năng trong tỉnh tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, viên chức, nhân dân và DN về các chủ trương của Đảng, chính sách của nhà nước và của tỉnh về công nghệ thông tin, truyền thông và các ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông trong CCHC. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình tổng thể CCHC gắn với việc xây dựng chính quyền điện tử và cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở mức độ cao trong nhiều lĩnh vực. Đặc biệt, tỉnh tiếp tục phối hợp với các DN tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng, mở rộng, cải tạo, nâng cấp hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước. Tăng cường phối hợp, tuyên truyền, thực hiện việc sử dụng các ứng dụng trong quản lý văn bản và điều hành; sử dụng thư điện tử công vụ; hệ thống một cửa điện tử trong hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ và quản lý điều hành của các cơ quan nhà nước trong tỉnh.

Phấn đấu đến cuối năm 2020, triển khai thử nghiệm “Trung tâm Dữ liệu, điều hành thông minh” (IOC) tỉnh An Giang. Nâng cấp trục kết nối liên thông, chia sẻ cấp tỉnh. Duy trì kết nối, chia sẻ thông tin giữa Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử tỉnh với Cổng Dịch vụ công quốc gia; 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, phổ biến, liên quan tới nhiều người dân, DN được tích hợp lên Cổng Dịch vụ công quốc gia; 100% các giao dịch trên Cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa điện tử tỉnh được xác thực điện tử. Từ năm 2021, Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả không thanh toán tiền mặt. Duy trì trên 97% văn bản điện tử gửi, nhận giữa các cơ quan trong hệ thông hành chính nhà nước… Tỷ lệ hồ sơ giải quyết theo dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên tổng số hồ sơ đạt từ 30% trở lên; tối thiểu 90% người dân và DN hài lòng về việc giải quyết TTHC…

THU THẢO

 

Liên kết hữu ích