Đẩy mạnh vận động xây dựng quỹ Khuyến học cấp huyện, xã

13/07/2021 - 05:32

 - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước vừa ký ban hành Đề án vận động xây dựng quỹ Khuyến học cấp huyện, xã trên địa bàn tỉnh (giai đoạn 2021 - 2025).

Huyện Thoại Sơn có 21 quỹ Khuyến học, khuyến tài đang hoạt động (ảnh chụp trước khi có dịch bệnh COVID-19)

Từ mục tiêu

Mục tiêu của đề án là phát huy hiệu quả hoạt động khuyến học, khuyến tài và xây dựng xã hội học tập đạt được thời gian qua. Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương trong nâng cao nhận thức, huy động nguồn lực cộng đồng để phát huy tối đa hiệu quả công tác khuyến học, khuyến tài và xây dựng xã hội học tập trên địa bàn tỉnh.

Nhìn lại hoạt động khuyến học, khuyến tài của tỉnh những năm qua cho thấy, hoạt động nhận được sự quan tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, công tác khuyến học, khuyến tài đạt được nhiều kết quả quan trọng. Cụ thể, xây dựng được 11 hội khuyến học ở các huyện, thị xã, thành phố; 165 hội khuyến học cấp xã, phường, thị trấn, với 377.648 hội viên, có 299.063 gia đình được công nhận “Gia đình học tập”, 78 dòng họ được công nhận “Dòng họ học tập”.

“Có thể khẳng định, hoạt động của hội khuyến học các cấp từng bước khẳng định hiệu quả hoạt động, trở thành động lực quan trọng trong công tác xã hội hóa giáo dục. Nhiều địa phương trong tỉnh, trong đó có huyện Thoại Sơn đã làm tốt công tác vận động nguồn lực xã hội chăm lo công tác khuyến học, khuyến tài…” - Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh An Giang Đặng Hoài Dũng khẳng định.

Đẩy mạnh vận động xây dựng quỹ Khuyến học cấp huyện, xã, đề án lần này đưa ra lộ trình thực hiện gồm 2 giai đoạn: giai đoạn 1, từ nay đến tháng 8-2023 (tổ chức sơ kết); giai đoạn 2, đến tháng 5-2025 (tổ chức tổng kết). “Giai đoạn 1 phấn đấu có 11 huyện, thị xã, thành phố đạt được mục tiêu đề ra. Hội Khuyến học cấp huyện vận động 2 tỷ đồng/huyện. Mỗi huyện có ít nhất 50% xã đạt mục tiêu đề ra, vận động được 500 triệu đồng/xã. Giai đoạn 2, đến ngày 19-5-2025, có 100% số huyện và xã đạt mục tiêu của đề án” - ông Đặng Hoài Dũng chia sẻ thêm.

đến cách làm

Xác định nguồn vốn để vận động xây dựng quỹ Khuyến học cấp huyện, xã từ nguồn đóng góp hợp pháp của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh; các cựu học sinh thành đạt, kể cả vận động đóng góp từ cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước… Sau khi đề án được ban hành, các địa phương sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức phù hợp, để mỗi cán bộ, đảng viên và người dân thấy rõ tầm quan trọng của công tác khuyến học, khuyến tài và xây dựng xã hội học tập giai đoạn hiện nay.

Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Thoại Sơn (tỉnh An Giang) Nguyễn Khảm cho biết, để xây dựng hệ thống 21 quỹ Khuyến học, khuyến tài trên toàn địa bàn đi vào hoạt động nhiều năm nay, trước hết là sự quyết tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương. Từ quyết tâm này, UBND huyện xây dựng Đề án “Xã hội hóa hoạt động xây dựng và phát triển hệ thống quỹ Khuyến học, khuyến tài trên địa bàn huyện”, giai đoạn 2019-2020.

Đề án ra đời, UBND huyện vận dụng từ nguồn ngân sách địa phương, trích cho mỗi xã một số tiền để làm "vốn mồi". Từ nguồn vốn này, UBND các xã xây dựng kế hoạch vận động để thành lập quỹ. Với cách làm đó, đến nay, hội khuyến học các cấp của huyện đã cơ bản đáp ứng nhu cầu chi thường xuyên đối với hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trên địa bàn huyện hàng năm.

Hy vọng rằng, từ Đề án vận động thành lập quỹ Khuyến học cấp huyện, xã, nhiều học sinh nghèo có hoàn cảnh khó khăn được "Tiếp bước đến trường", hạn chế tình trạng bỏ học giữa chừng.

MINH HIỂN

“Năm học 2020 - 2021, toàn tỉnh có gần 420.000 học sinh, trong đó thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo 35.221 em (chiếm 8,39% so tổng số học sinh). Nhiều em học rất giỏi nhưng do gia đình nghèo nên việc đến trường rất khó khăn. Mỗi huyện, xã có được nguồn quỹ để hỗ trợ các em đến trường là việc làm hết sức thiết thực…” - ông Đặng Hoài Dũng chia sẻ.