Giữa tháng 11/2022, Trường Cao đẳng Nghề An Giang hoàn thành 3 lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho lao động bị ảnh hưởng dịch COVID-19. Sau 20 ngày học tập, các lớp đào tạo tại xã Thoại Giang (huyện Thoại Sơn), xã An Hòa (huyện Châu Thành) và thị trấn Chợ Vàm (huyện Phú Tân) đã cấp chứng chỉ đào tạo cho học viên và trao học bổng với tổng số tiền gần 500 triệu đồng.
Việc nối tiếp các lớp dạy nghề ngắn hạn cho lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 được duy trì từ năm 2021 đến nay rất phù hợp với nguyện vọng của người lao động (NLĐ). Sau khóa học, học viên có thể áp dụng kiến thức vào thực tế lao động sản xuất và tìm được công việc thích hợp để ổn định cuộc sống.
Lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19
Ghi nhận từ lớp lắp đặt điện tại thị trấn Chợ Vàm, anh Đặng Thanh Huy (22 tuổi) cho biết, trước đây anh giúp gia đình buôn bán nhỏ. Khi dịch bệnh bùng phát, kinh tế gặp khó, ảnh hưởng đến đời sống. Anh Huy tham gia lớp học với nguyện vọng sau khi có chứng chỉ nghề sẽ tìm việc làm phù hợp với kỹ năng được đào tạo.
Còn anh Cao Văn Nghiệp từng làm công nhân ở tỉnh Bình Dương. Sau khi nhiễm COVID-19, sức khỏe hồi phục chậm, không thể làm việc ca đêm. Do không đảm bảo yêu cầu công việc, anh Nghiệp trở về quê, trong lúc đang tìm nghề thì có lớp đào tạo này. Anh chăm chỉ học và thấy phù hợp với bản thân, sau đào tạo sẽ tìm chỗ làm ngay tại địa phương.
Với đa số lao động nữ, các lớp đào tạo may công nghiệp năm nay được hưởng ứng rất mạnh. Ngoài những lao động đã có tay nghề khi làm ở các công ty ngoài tỉnh, còn có các lao động chưa qua đào tạo, lao động trẻ mới đủ tuổi đi làm hoặc phụ nữ làm thuê… Một số công ty ở TP. Hồ Chí Minh đã đẩy mạnh mở chi nhánh về vùng nông thôn góp phần tạo việc làm cho lao động tại chỗ, đồng thời kết hợp mở các lớp đào tạo nghề thuận lợi.
Có xã, thị trấn còn chủ động kết nối với công ty trong và ngoài tỉnh để mở lớp đào tạo, với cơ hội việc làm sẵn sàng ngay sau khóa học. Nguyện vọng được ở gần nhà, có công việc và thu nhập ổn định của nhiều lao động nữ được đáp ứng. Điều này đã thu hút NLĐ tham gia tích cực hơn vì có mục tiêu rõ ràng, an tâm có việc làm ngay sau khóa học.
Dựa trên đối tượng học, nghề đào tạo ngắn ngày được lựa chọn sau khi nắm bắt nguyện vọng từ NLĐ, tập hợp số lượng trong địa phương, phù hợp với điều kiện. Điển hình như với phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số Chăm ở TX. Tân Châu, địa phương phối hợp Trường Trung cấp Kỹ thuật - Tổng hợp An Giang mở 3 lớp kỹ thuật móc len cho bà con đồng bào dân tộc theo học.
Bên cạnh thời lượng học lý thuyết, còn lại ưu tiên thực hành. Lớp học được hưởng ứng vì phù hợp với lao động nữ, có thể tận dụng thời gian ở nhà làm thêm sản phẩm thủ công. Những món đồ thông dụng, như: Mũ len, đồ trang trí, quà lưu niệm, đồ chơi, túi xách, áo… có thể giúp họ tự tạo thêm thu nhập cho gia đình.
Thời gian gần đây, bên cạnh nghề phi nông nghiệp, các lớp đào tạo gắn với phục vụ sản xuất nông nghiệp được đánh giá đúng nhu cầu, sát với thực tế NLĐ đang cần. Nhiều lớp chuyển giao khoa học - kỹ thuật chăm sóc cây trồng, thiết kế vườn, chăm sóc vật nuôi… ngày càng thu hút đông học viên nông dân. Tín hiệu đáng mừng là bà con đã biết áp dụng vào sản xuất, tăng năng suất của mô hình, hoặc làm dịch vụ cho những người còn lại.
Đơn cử tại huyện Châu Thành, ở các lớp kỹ thuật phun thuốc và sửa chữa máy phun thuốc bảo vệ thực vật, học viên được hướng dẫn từ kiến thức cơ bản cho đến cách vận hành, sử dụng, sửa chữa máy, biện pháp an toàn khi sử dụng và cách bảo dưỡng máy phun thuốc…
Việc đào tạo nghề bám sát nhu cầu thực tế NLĐ đã góp phần giúp kinh tế - xã hội địa phương có những chuyển biến tích cực. Đầu năm đến nay, các huyện, thị xã, thành phố đều đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tính chủ động của NLĐ trong quá trình tìm việc làm và chuyển đổi nghề nghiệp.
Trong đó, các địa phương khi xây dựng kế hoạch đã chủ động phối hợp cơ sở, đơn vị giáo dục mở lớp đào tạo sát với nhu cầu và phù hợp với định hướng phát triển của địa phương. Trong đó, chú trọng thông tin về công tác dạy nghề, việc làm đến NLĐ. Các địa phương rất quan tâm gắn hoạt động đào tạo nghề trên địa bàn với sử dụng lao động của doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để NLĐ có thể tìm việc làm với mức thu nhập cao hơn.
Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã tuyển sinh đào tạo nghề cho 23.367 người, đạt 116,8% kế hoạch năm. Trong đó, hỗ trợ dạy nghề cho lao động nông thôn được 96 lớp, với 2.625 học viên, kinh phí trên 2,2 tỷ đồng. Các địa phương, đơn vị phối hợp đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm theo Quyết định 23/2021/QĐ-TTg Thủ tướng Chính phủ cho 2.125 học viên của 6 doanh nghiệp, kinh phí 9,9 tỷ đồng. Toàn tỉnh còn thực hiện chính sách hỗ trợ học nghề cho lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp, với 1.967 học viên, số tiền 2,5 tỷ đồng; thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho khoảng 752 thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự với số tiền khoảng 8,6 tỷ đồng.
MỸ HẠNH