Các nữ cầu thủ vỡ òa niềm vui với bàn mở tỷ số trong trận gặp Đài Bắc (Trung Quốc) tại khuôn khổ vòng play-off World Cup 2023. (Ảnh: Getty/TTXVN)
Không thể nói đó là điều may mắn nếu như họ không có được tinh thần thi đấu quật khởi, kiên cường, không chịu lùi bước. Đây được coi là kỳ tích lịch sử và cũng là cú huých cho Việt Nam hướng đến một nền bóng đá nữ phát triển mạnh mẽ hơn để tiếp tục ghi danh trong những kỳ World Cup tiếp theo. Tuy nhiên, bên cạnh niềm vui và tự hào, phía trước cũng bộn bề khó khăn, trở ngại mà các cô gái vàng của nước nhà đang phải đối mặt trên con đường đi tới vinh quang. Không chỉ là thử thách từ các sân chơi đẳng cấp châu lục và thế giới với những đối thủ mạnh, đó còn là vô vàn rào cản, trở ngại của cơ chế đầu tư phát triển, của các định kiến và cả những khó khăn đời thường cũng như tương lai phía trước.
Nhìn lại quá trình dài xây dựng và phát triển của bóng đá nữ Việt Nam, có thể thấy thành quả này bắt đầu từ sự quan tâm đầu tư kiên trì của các nhà quản lý và Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) khi nhận ra thế mạnh và những tố chất của bóng đá nữ nước nhà, cho dù chúng ta từng có những thất bại, có những thành công với tinh thần "thắng không kiêu, bại không nản". Không chỉ các đội tuyển nam, đội tuyển nữ Việt Nam thường xuyên được đi tập huấn, thi đấu ở nước ngoài, ngay cả khi dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp. Không phải chuyện "đổi gió" thông thường mà có sự chọn lựa rõ ràng ở những quốc gia có nền bóng đá nữ phát triển như Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu và nằm trong kế hoạch tính toán của VFF, giúp các tuyển thủ có sự cọ xát, nâng cao trình độ chuyên môn, thêm kinh nghiệm chinh chiến chuẩn bị cho các giải đấu. Cũng cần ghi nhận nỗ lực của VFF khi các giải bóng đá chuyên nghiệp năm 2021 như V.League 1, V.League 2, Cúp Quốc gia bị hủy do ảnh hưởng của dịch Covid-19 thì các giải quốc gia của bóng đá nữ vẫn được tổ chức, cho dù phải rút ngắn số vòng đấu, giúp các cầu thủ nữ duy trì phong độ, góp phần tạo bệ phóng cho đội tuyển nữ Việt Nam bay cao ở Asian Cup 2022.
Giành suất dự Giải vô địch bóng đá nữ thế giới là mốc son lịch sử của bóng đá nữ Việt Nam. Để không phải trở thành đội "lót đường" ở các giải đấu thế giới, ngay từ bây giờ, chúng ta cần phải có sự chuẩn bị bài bản và đầu tư kỹ càng, chỉn chu hơn cho thầy trò huấn luyện viên Mai Đức Chung. Kể từ thời điểm này đến khi World Cup bóng đá nữ 2023 diễn ra vẫn còn đến 18 tháng, thời gian đủ dài để VFF lên kế hoạch chi tiết cho từng thời điểm, từng giai đoạn của quá trình chuẩn bị chuyên môn. Chắc chắn, các đối thủ sắp tới sẽ ở một đẳng cấp rất cao, cho nên những chuyến rèn quân ở nước ngoài trong kế hoạch chuẩn bị của đội tuyển nữ Việt Nam cũng cần hướng đến những nền bóng đá nữ phát triển tương xứng với sân chơi này. Chỉ có cọ xát với những đội bóng có chất lượng và trình độ cao hơn như vậy mới giúp cho Huỳnh Như và đồng đội nâng cao trình độ, bản lĩnh và kinh nghiệm thi đấu.
Khi có kết quả bốc thăm bảng đấu ở vòng chung kết World Cup bóng đá nữ 2023, chúng ta cần chọn những quốc gia có nền bóng đá nữ phát triển mạnh và nhất là chọn các đội thi đấu giao hữu có phong cách chơi bóng, thể trạng tương tự với các đối thủ ở cùng vòng bảng. Điều này giúp cho các tuyển thủ làm quen và dễ dàng thích nghi khi đối đầu với các đối thủ có điểm mạnh, điểm yếu tương tự tại bảng đấu. Đây cũng là kinh nghiệm thực tế rất quý báu từng mang về thành công cho đội tuyển Futsal ở hai kỳ World Cup Futsal vừa qua.
Không chỉ hướng đến World Cup bóng đá nữ 2023, chúng ta cũng cần có một chiến lược về lâu dài giúp bóng đá nữ Việt Nam tiếp tục góp mặt ở các kỳ World Cup tiếp theo. Ở đây là nền tảng cơ sở phát triển bền vững từ phong trào bóng đá nữ cơ sở và chuyên nghiệp, thể hiện ở sự vững mạnh của các giải bóng đá nữ quốc gia. Trong nhiều năm qua, Giải vô địch bóng đá nữ quốc gia chưa thật sự được như mong muốn, chưa được đầu tư với tiềm năng vốn có, nếu không nói là có phần giẫm chân tại chỗ khi luôn chỉ có vài cái tên đội bóng như: Hà Nội, Hà Nam, thành phố Hồ Chí Minh, Than khoáng sản Việt Nam, Thái Nguyên và sau này có thêm Sơn La. Có một thực tế là sức hút của các giải bóng đá nữ khá thấp, ít khán giả, cho nên các doanh nghiệp không mặn mà đầu tư. Nhà tài trợ Thái Sơn Bắc gắn bó với Giải vô địch bóng đá nữ quốc gia gần chục năm qua không hẳn do mối lợi từ việc gắn thương hiệu với giải đấu mà hơn hết xuất phát từ trách nhiệm với bóng đá nữ nước nhà hơn là tính toán kinh doanh.
Một trong những hướng đi mà các nền bóng đá phát triển trên thế giới đã và đang làm thành công mà chúng ta có thể học hỏi nhằm tăng số lượng đội tham dự, qua đó giúp cho số lượng cầu thủ nữ chơi bóng nhiều hơn ở giải quốc gia, là yêu cầu các câu lạc bộ bóng đá chuyên nghiệp nam dự V.League 1 và V.League 2 phải có một đội nữ. Tài chính của các đội có thể "phình" thêm, nhưng đó là giải pháp được coi là hữu hiệu nhất để phát triển bóng đá nữ ở Việt Nam trong bối cảnh hiện tại. Điều quan trọng nữa cần triển khai thực tế chứ không chỉ là kêu gọi suông rồi để đấy mà các nhà quản lý và VFF nên quan tâm là chế độ lương thưởng, bồi dưỡng và cả tương lai đào tạo nghề nghiệp cho các cầu thủ nữ sau khi giải nghệ. Có như vậy họ mới có động lực phấn đấu, tận hiến với nghiệp bóng đá họ đã say mê theo đuổi.
Theo PHAN GIANG (Nhân Dân)