Ám ảnh sạt lở
Đối với người dân ở huyện cù lao Chợ Mới, sạt lở có lẽ là từ ngữ gây ám ảnh nhiều nhất bởi hậu quả nó gây ra. Vụ sạt lở kinh hoàng ngày 2/4/2017, tại khu vực ấp Mỹ Hội (xã Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới) dài 70m, cắt đứt đường giao thông liên xã Mỹ Hội Đông - Nhơn Mỹ, khiến 14 căn nhà và 2 nền nhà của người dân bị đổ sập xuống sông Hậu, đến nay vẫn chưa khắc phục hết thiệt hại.
Ngày 5/6 vừa qua, cũng trên địa bàn xã Mỹ Hội Đông, tuyến đê bờ Tây kênh Đồng Tân (khu vực thuộc tổ 3 - 4, ấp Mỹ Hòa B) xảy ra sụt lún đất và răn nứt phía chân đê. Người dân không khỏi lo lắng khi tổng chiều dài sụt lún khoảng 40m, ngang khoảng 2m, ảnh hưởng đến lộ nhựa nông thôn liên xã.
Sạt lở ngày càng phức tạp, nguy hiểm
Cùng ngày 5/6, trên tuyến đê bờ Đông kênh Cái Hố (khu vực thuộc tổ 3, ấp An Thị, xã An Thạnh Trung, huyện Chợ Mới) xảy ra hiện tượng răn nứt mặt đê, tổng chiều dài khoảng 40m, ăn sâu vào mặt đê 2,5m. Vết răn nứt ảnh hưởng đến lộ bê-tông liên xã và các hộ dân sinh sống dọc theo tuyến đê.
Trước đó, ngày 21/5, tại khu vực tổ 1, ấp An Thái (xã Hòa Bình), trên tuyến bờ tả sông Hậu xảy ra sạt lở đất cục bộ với tổng chiều dài khoảng 70m, ăn vô đất liền 10m. Sạt lở gây ảnh hưởng Xí nghiệp Chế biến lương thực xuất khẩu Hòa Bình - Hòa Lộc. Đến ngày 23/5/2023, tại ấp Long Hưng (xã Long Giang), trên tuyến bờ hữu rạch Ông Chưởng xảy ra sạt lở đất cục bộ với tổng chiều dài khoảng 20m. Sạt lở gây thiệt hại 3 căn nhà, buộc phải tháo dỡ và di tản người dân để đảm bảo an toàn.
Trên thị trấn Hội An (huyện Chợ Mới), 2 vụ sạt lở đất diễn ra trong thời gian gần đây khiến người dân nơm nớp lo âu. Ngày 30/5/2023, đoạn bờ kênh Hội An - Hòa An qua khu vực tổ 3 (khóm Thị 1) xảy ra sạt lở đất với chiều dài 40m, vô đất liền 3 - 4m. Sạt lở khiến 2 căn phải di dời khẩn cấp. Đến sáng 3/6, tại khu vực tổ 4 (khóm An Bình), trên bờ kênh Cái Nai xảy ra sạt lở đất chiều dài khoảng 30m, vô đất liền 4 - 5m…
Ứng phó lâu dài
Ở huyện đầu nguồn An Phú, sạt lở liên tiếp xảy ra, gây nhiều thiệt hại. Khoảng 9 giờ sáng 26/5, tại ấp Quốc Khánh (xã Quốc Thái) xảy ra sạt lở thuộc bờ Tây sông Hậu (cách bến đò Đồng Ky về thượng nguồn khoảng 100m), chiều dài khoảng 60m, ngang khoảng 6m, nhiều vị trí rạn nứt và có nguy cơ sạt lở tiếp với chiều dài khoảng 100m. Sạt lở gây ảnh hưởng trực tiếp đến 1 căn nhà phải di dời khẩn cấp, 10 hộ bị ảnh hưởng.
Đến trưa cùng ngày, tại ấp Phú Mỹ (xã Phú Hội) xảy ra sạt lở thuộc bờ Đông sông Châu Đốc (ngay bờ phía Bắc, đầu kênh Mới), chiều dài khoảng 12m, ngang khoảng 3m, buộc phải di dời 1 căn nhà.
Còn tại khu vực tổ 20, khóm An Thạnh (thị trấn An Phú), ngày 29/5, xuất hiện rạn nứt đất trên tuyến bờ hữu sông Hậu, cách Quốc lộ 91C khoảng 8m, cách bờ sông khoảng 5m, tổng chiều dài rạn nứt khoảng 40m, chiều rộng vết nứt 0,1 - 0,2m. Tình trạng rạn nứt đất ảnh hưởng trực tiếp đến 5 căn nhà, được địa phương vận động và hỗ trợ di dời trước nguy cơ sạt lở…
Trên địa bàn TP. Long Xuyên, nhiều hộ dân sống dọc theo rạch Cái Sắn (phía bờ phường Mỹ Thạnh) canh cánh nỗi lo sạt lở khi mùa mưa đến. Nỗi lo càng lớn hơn khi ngày 31/5 vừa qua, xuất hiện tình trạng răn nứt đường cặp bờ rạch Cái Sắn (đoạn từ cầu Cái Sắn lớn đến cầu Năm Sú, thuộc tổ 17, khóm Thới Hòa, phường Mỹ Thạnh). Đoạn răn nứt có chiều dài khoảng 35m, vết răn nứt từ 1 - 20cm, khiến 7 căn nhà bị nghiêng ra bờ rạch Cái Sắn.
Không chỉ tuyến bờ các sông, kênh lớn thường xuyên đối diện nguy cơ sạt lở, gần đây, nhiều tuyến kênh, rạch nhỏ hơn cũng sạt lở phức tạp. Điển hình như trên địa bàn huyện Châu Phú, ngày 30/5/2023, xảy ra sạt lở đất bờ Nam kênh Ba Thê, đoạn qua khu vực thuộc tổ 5, ấp Bình Chánh 1 (xã Bình Mỹ), chiều dài 10m, vô đất liền khoảng 13m. Trước đó, ngày 24/5, tại tổ 20, ấp Khánh Hòa (xã Khánh Hòa), trên tuyến bờ tả xép Katampong xảy ra sạt lở đất với tổng chiều dài khoảng 35m, ngang 2m, gây thiệt hại 4 nhà kho, buộc phải tháo dỡ và di dời tài sản…
Theo Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Ứng phó biến đổi khí hậu - Phòng, chống thiên tai và Phòng thủ dân sự tỉnh An Giang Lương Huy Khanh, phần lớn nguyên nhân gây sạt lở đất bờ sông, kênh, rạch do mái bờ thẳng đứng, sự chênh lệch của mực nước triều lớn, nền đất yếu, nhiều nơi tác động dòng chảy tạo hàm ếch; khi mưa lớn kéo dài làm cấu trúc đất bở rời, tác động thêm của sóng do các phương tiện giao thông thủy gây ra, áp lực giao thông trên bộ và các công trình, nhà ở càng khiến sạt lở thêm nguy hiểm.
Để ứng phó sạt lở lâu dài, tỉnh kiến nghị Chính phủ hỗ trợ xây dựng các cụm, tuyến dân cư và có cơ chế ưu đãi thu hút doanh nghiệp đầu tư xây dựng cụm, tuyến dân cư, đáp ứng nhu cầu bố trí cho các hộ dân vùng nguy cơ sạt lở có nơi ở ổn định. Đồng thời, quy hoạch lại hệ thống giao thông, chợ, trường học, công trình xây dựng… theo hướng xa bờ sông, giảm áp lực lên bờ nhằm hạn chế sạt lở và thiệt hại do sạt lở.
|
HOÀNG XUÂN