Nằm trong mục tiêu phát triển nguồn nhân lực cho hoạt động DL, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh đã phối hợp với các địa phương tổ chức lớp tập huấn “Kỹ năng giao tiếp và chăm sóc khách DL cho người dân địa phương”, đối tượng tham gia là cán bộ, nhân viên, người dân hoạt động trong lĩnh vực DL tại TP. Châu Đốc và TX. Tịnh Biên.
Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh An Giang Lê Trung Hiếu phân tích: “Hiện nay, ngành DL ngày càng hướng đến cảm xúc của khách hàng và tập trung nhiều vào nhu cầu của họ. Do đó, kỹ năng giao tiếp trở nên rất quan trọng. Với người hoạt động trong lĩnh vực DL, ngoài việc giao tiếp lưu loát còn phải tạo được thiện cảm, thể hiện tính chuyên nghiệp trong quá trình phục vụ du khách. Do đó, chúng tôi phối hợp với các địa phương tổ chức lớp tập huấn kỹ năng giao tiếp, để trang bị những kiến thức, kỹ năng cơ bản giúp cho những cá nhân hoạt động trong lĩnh vực DL nâng cao khả năng phục vụ du khách”.
Ông Lê Trung Hiếu cho rằng, DL là ngành có tính tương tác cao giữa người với người. Vì vậy, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực DL cần phải có kỹ năng tốt trong việc giao tiếp bằng ngôn ngữ và giao tiếp phi ngôn ngữ, để mang lại cảm nhận tốt nhất cho du khách. Khi du khách có ấn tượng tốt về chất lượng phục vụ, họ sẽ quay trở lại An Giang vào những lần sau. Hơn nữa, du khách sẽ là những “tuyên truyền viên” tốt nhất cho sản phẩm, dịch vụ mà ngành DL An Giang cung cấp với người thân, bạn bè của họ.
Qua lớp tập huấn, các học viên đã được hướng dẫn những biện pháp xử lý tình huống trong giao tiếp hiệu quả; các kỹ năng về nụ cười thân thiện, hành vi, cử chỉ, ngoại hình, thái độ, ngôn từ giao tiếp cơ bản; những điều nên và không nên khi giao tiếp với khách DL… Qua đó, thể hiện nếp sống văn minh, ứng xử văn hóa của những người làm DL, góp phần phát triển DL An Giang theo hướng bền vững, có trách nhiệm, mang lại lợi ích kinh tế cho người dân tham gia lĩnh vực DL.
Là người tham gia lớp tập huấn, chị Nguyễn Thị Kim Trang (Ban Quản lý Khu du lịch núi Cấm) chia sẻ: “Tôi nhận thấy lớp tập huấn rất có ý nghĩa đối với những người hoạt động trong lĩnh vực DL. Qua lớp tập huấn, tôi tích lũy được nhiều điều bổ ích về kỹ năng giao tiếp, nhất là những kỹ năng giao tiếp phi ngôn ngữ. Một nụ cười thân thiện, một cái gật đầu chào hỏi hay sự nhiệt tình, cởi mở trên nét mặt cũng đọng lại những điều tốt đẹp trong lòng du khách, để họ còn trở lại núi Cấm trong những lần tiếp theo. Sau lớp tập huấn, tôi sẽ cố gắng “làm mới” bản thân trong giao tiếp với du khách, để góp phần vào mục tiêu xây dựng hình ảnh DL văn minh cho TX. Tịnh Biên trong thời gian tới”.
Với các hộ dân làm DL trên núi Cấm, việc được tạo điều kiện tham gia lớp tập huấn cũng rất cần thiết. Bởi lẽ, họ chủ yếu làm DL theo hướng nhỏ lẻ, nên rất cần được trang bị những kỹ năng giao tiếp để nâng cao khả năng phục vụ, nhằm giữ chân du khách lâu dài. Bà Liêu Bích Chi (người dân sống trên núi Cấm) cho biết, bản thân đã có thêm những kiến thức mới trong quá trình tham gia tập huấn. Bà cho rằng, những người sống nhờ vào DL rất cần các lớp tập huấn để có thêm kỹ năng giao tiếp nhằm phục vụ du khách tốt hơn. Thời gian tới, bà sẽ cố gắng nâng cao kỹ năng giao tiếp để “vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi”.
Nằm trong mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, UBND TX. Tịnh Biên cũng phấn đấu thực hiện tốt chỉ tiêu mở 1 - 2 lớp tập huấn kiến thức, kỹ năng về DL cho người dân mỗi năm. Chủ tịch UBND TX. Tịnh Biên Phạm Thành Nhơn thông tin: “Trong giai đoạn 2020 - 2022, thị xã đã đón 9,96 triệu lượt người đến tham quan, chiêm bái, nghỉ dưỡng tại các điểm DL nổi tiếng của địa phương. Điều này đặt ra yêu cầu phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực DL. Chúng tôi đang tiếp tục mở lớp tập huấn, nâng cao kiến thức, kỹ năng làm DL cho người dân, xem đây là nội dung quan trọng khi thực hiện khâu đột phá nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TX. Tịnh Biên nhiệm kỳ 2020 - 2025”.
Với tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng nhân lực ngành DL, UBND tỉnh An Giang cũng ban hành Kế hoạch 65/KH-UBND về “Phát triển DL nông thôn trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh An Giang đến năm 2025”. Trong đó, yêu cầu các ngành, địa phương tập trung tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, hướng dẫn kỹ năng cần thiết về DL cho các cá nhân, tổ chức, hộ gia đình nhằm nâng cao tính chuyên nghiệp, chất lượng phục vụ du khách. Đồng thời, từng bước chuyển dịch từ lao động nông nghiệp sang hoạt động dịch vụ DL để nâng cao thu nhập cho người dân khu vực nông thôn…
“Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành, địa phương tổ chức đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ về kỹ năng, kiến thức làm DL cho các tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động DL, như: Ứng dụng chuyển đổi số trong phát triển DL; cung cấp dịch vụ ăn uống, lưu trú; văn hóa giao tiếp ứng xử, đón tiếp, thái độ phục vụ khách theo hướng chuyên nghiệp, lành nghề, thân thiện; nâng cao kiến thức lịch sử, văn hóa về điểm DL… để góp phần nâng cao chất lượng DL của tỉnh, mở rộng quảng bá hình ảnh về vùng đất và con người An Giang hiền hòa, thân thiện với du khách gần xa” - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh An Giang Lê Trung Hiếu khẳng định.
MINH QUÂN