Đề xuất cấp phó tổ chức, đơn vị thuộc bộ không quá 3 người

09/04/2025 - 05:00

 - Bộ Nội vụ xây dựng dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ; tiêu chí thành lập, số lượng cấp phó tối đa của người đứng đầu tổ chức, đơn vị thuộc bộ, cơ quan ngang bộ.

Quốc hội thông qua Nghị quyết của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước

Theo tờ trình của Bộ Nội vụ, trên cơ sở kế thừa quy định Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019), dự thảo nghị định quy định về số lượng cấp phó của người đứng đầu vụ, văn phòng, thanh tra, cục và tương đương, đơn vị sự nghiệp công lập. Cụ thể, đề xuất bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ quyết định số lượng cấp phó của người đứng đầu vụ, văn phòng, thanh tra, cục và tương đương, đơn vị sự nghiệp công lập bảo đảm bình quân không quá 3 người trên một đơn vị.

 Đối với số lượng cấp phó của người đứng đầu phòng thực hiện theo chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo Trung ương với mô hình tổng cục được tổ chức lại thành cục thuộc bộ; cấp tỉnh tổ chức thành chi cục khu vực thuộc cục (trước đây là cục thuộc tổng cục). Quy định Khoản 5, Điều 18a được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 7, Điều 1, Nghị định 101/2020/NĐ-CP, dự thảo nghị định theo hướng bỏ quy định về tiêu chí thành lập, số lượng cấp phó của người đứng đầu phòng thuộc chi cục thuộc cục thuộc tổng cục thuộc bộ.

Theo Bộ Nội vụ, ngày 18/02/2025, Quốc hội thông qua Luật Tổ chức Chính phủ năm 2025. Trong đó, quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; tiêu chí thành lập, số lượng cấp phó tối đa của người đứng đầu tổ chức, đơn vị thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ. Đồng thời, trên cơ sở kết quả sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ, hiện cơ cấu tổ chức của các bộ, cơ quan ngang bộ đã thay đổi, không còn mô hình tổng cục trong cơ cấu tổ chức của các bộ, cơ quan ngang bộ; thực hiện Kết luận 09-KL/TW, ngày 24/11/2024 của Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW; Kế hoạch 141/KH-BCĐTKNQ18, ngày 6/12/2024 và Văn bản 05/CV-BCĐTKNQ18, ngày 12/1/2025 của Ban Chỉ đạo của Chính phủ về tổng kết thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW, cần thiết phải sửa đổi quy định về số lượng cấp phó đối với các tổ chức, đơn vị thuộc bộ, cơ quan ngang bộ.

Việc này là cần thiết, kịp thời thể chế hóa, triển khai thi hành Luật Tổ chức Chính phủ năm 2025 và thực hiện định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ, bảo đảm không có khoảng trống pháp lý trong quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ, tiêu chí thành lập, số lượng cấp phó tối đa của người đứng đầu tổ chức, đơn vị thuộc bộ, cơ quan ngang bộ. Đây còn là cơ sở để các bộ, cơ quan ngang bộ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các đơn vị trực thuộc, phù hợp với bối cảnh thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy theo các chủ trương, định hướng của Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban Chỉ đạo của Chính phủ về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW.

Với 456/459 đại biểu tán thành, ngày 19/2, Quốc hội thông qua nghị quyết quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước. Trước đó, trình báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo nghị định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng  nói, số lượng cấp phó dôi dư trong sắp xếp bộ máy là đương nhiên. Với các bộ, Chính phủ đã có tờ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhưng với các đơn vị cấp dưới của bộ, hay các cơ quan của địa phương thì luật quy định rõ số lượng cấp phó “không quá 3”, trong quá trình sắp xếp sẽ phát sinh trong một vụ, cục, cấp phó sẽ nhiều hơn. Bổ sung quy định này nhằm tạo cơ sở pháp lý trong sắp xếp. Nếu không có cơ sở pháp lý cho phép thực hiện, thì sẽ không có cơ sở sắp xếp cán bộ. Có ý kiến đề nghị không quy định việc sắp xếp số lượng cấp phó trong nghị quyết này, mà giao Chính phủ quy định.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hiện số lượng cấp phó của người đứng đầu trong các cơ quan, tổ chức được quy định cụ thể tại nhiều luật, nghị quyết và các văn bản dưới luật. Khi sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước, nhất là trường hợp sáp nhập, hợp nhất các cơ quan, số lượng người giữ vị trí cấp phó của người đứng đầu trong các cơ quan, đơn vị có thể sẽ cao hơn so với quy định. Do đó, trong nghị quyết này cần có quy định về số lượng cấp phó của người đứng đầu để có cơ sở tổ chức thực hiện. Nghị quyết quy định khi sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước, mà số lượng cấp phó của người đứng đầu cơ quan, đơn vị nhiều hơn số lượng tối đa theo quy định của pháp luật, thì chậm nhất là 5 năm kể từ ngày quyết định sắp xếp tổ chức bộ máy của cấp có thẩm quyền có hiệu lực, số lượng cấp phó của người đứng đầu cơ quan phải thực hiện theo đúng quy định.

N.R