Giải quyết hưởng lương hưu
Bảo hiểm xã hội Việt Nam vừa có báo cáo Chính phủ về thực trạng và những vướng mắc trong việc thực hiện bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của chủ hộ kinh doanh cá thể. Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố, sau khi rà soát lại số liệu, tổng số chủ hộ kinh doanh cá thể đã có quá trình tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc (bao gồm cả bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp) với chức danh chủ hộ đến hết ngày 30/5/2023 là 3.567 người.
Tư vấn người lao động tham gia BHXH tự nguyện.
Trong đó, số người đang dừng thu, tạm ghi nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc là 1.444 người; 1.423 người đang tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội (500 người đang tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện; 923 người đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo nhóm đối tượng khác).
Số người đã hoàn trả tiền đóng bảo hiểm xã hội là 28 người; 275 người hưởng chế độ hưu trí, tử tuất; 397 người hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho rằng, chủ hộ kinh doanh cá thể vừa là người lao động, vừa là chủ hộ, do vậy, việc giao kết hợp đồng lao động với chính bản thân mình, là người trực tiếp sản xuất kinh doanh, hưởng thu nhập, tiền công, có nhu cầu, mong muốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp để hưởng các chế độ chính sách, đặc biệt là chế độ hưu trí khi hết tuổi lao động, bảo hiểm y tế khi ốm đau, tự đảm bảo an sinh xã hội khi về già là nguyện vọng chính đáng cần được khuyến khích và ghi nhận.
Hơn nữa, việc thoái thu (hoàn trả) thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đối với chủ kinh doanh cá thể sẽ rất phức tạp, khó khăn trong thực hiện, do không có sự đồng thuận từ phía người lao động là chủ hộ kinh doanh, người lao động sẽ thiệt thòi vì đã tham gia bảo hiểm xã hội trong thời gian dài.
Hiện có khoảng 200 người đã đủ tuổi đời và đủ thời gian 20 năm đóng bảo hiểm xã hội để được hưởng lương hưu và 380 trường hợp cũng đã đủ tuổi đời, sau khi thoái thu thì những người lao động này không còn cơ hội để tham gia bảo hiểm xã hội nữa, đời sống gặp nhiều khó khăn vì không được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội.
“Nhiều trường hợp người lao động tiếp tục tham gia theo nhóm đối tượng khác đến nay đã đủ điều kiện nghỉ hưu, nếu không được tính hưởng, hoặc bảo lưu thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội, thì sẽ không đủ điều kiện để hưởng lương hưu khi về già, gây tác động không tốt đến dư luận xã hội”, Bảo hiểm xã hội Việt Nam nhận định.
Bên cạnh đó, thực tế trong quá trình đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, nhiều chủ hộ kinh doanh cũng đã được giải quyết hưởng các chế độ ốm đau, thai sản, hưu trí, tử tuất và bảo hiểm xã hội một lần, tính thời gian để hưởng trợ cấp thất nghiệp, bảo hiểm y tế khi đi khám chữa bệnh.
Nếu thực hiện thoái thu sẽ phải truy thu toàn bộ số tiền đã chi trả chế độ cho người lao động, trong thực tiễn rất khó thực hiện được.
Trường hợp chỉ thoái thu cho những người chưa được giải quyết hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội thì sẽ không công bằng so với đối tượng đã được giải quyết hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
Không thu hồi tiền hưởng BHHX, tạo điều kiện hưởng lương hưu
Xuất phát từ thực tế nêu trên, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề xuất, đối với chủ hộ kinh doanh cá thể có thời gian làm việc từ năm 2003 đến nay, nếu đã đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp thì được giải quyết hưởng các chế độ này theo quy định của pháp luật khi đủ điều kiện, hoặc được bảo lưu thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Việc làm.
Giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa BHXH Hội An, Quảng Nam.
Không thu hồi tiền hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, trợ cấp thất nghiệp của chủ hộ kinh doanh cá thể, không hoàn trả số tiền đã đóng.
Đối với các trường hợp đã thoái thu bảo hiểm xã hội, nếu chủ hộ kinh doanh cá thể có nguyện vọng thì được đóng bảo hiểm xã hội lại bằng số tiền đã thoái thu để khôi phục lại quá trình đóng.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng đề xuất bổ sung tại điều khoản thi hành của dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), đối với đối tượng chủ hộ kinh doanh đã đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trước khi Luật này có hiệu lực thi hành, thì được tính thời gian để được hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội.
Kinh phí chi trả chế độ cho chủ hộ kinh doanh do Quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đảm bảo từ số tiền đã đóng góp của chủ hộ kinh doanh cá thể.
Đánh giá tác động, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho rằng, việc chủ hộ kinh doanh cá thể được ghi nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp giúp người lao động ổn định cuộc sống, khắc phục khó khăn khi được bảo đảm thay thế, hoặc bù đắp một phần thu nhập và được chăm sóc sức khỏe do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, thất nghiệp.
Qua đó, mở ra cơ hội sẽ có nhiều người hơn đủ điều kiện hưởng lương hưu khi về già, ổn định cuộc sống lâu dài khi hết tuổi lao động, góp phần giảm bớt gánh nặng cho ngân sách nhà nước khi không phải chi trả trợ cấp người cao tuổi đối với chủ hộ kinh doanh cá thể đủ điều kiện hưởng lương hưu.
Việc này cũng đảm bảo công bằng giữa người đã được giải quyết và người chưa được giải quyết hưởng các chế độ bảo hiểm.
Theo TTXVN