Đề xuất tăng lương hưu 15%

05/04/2024 - 19:24

 - Thực hiện chính sách tiền lương mới từ ngày 1/7/2024, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đề xuất điều chỉnh tăng lương hưu, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội.

Đề xuất tăng lương hưu 15%

Theo Bộ LĐ-TB&XH, tăng lương hưu, trợ cấp BHXH 15%; tăng chi trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng 29,2%, từ 2.055.000 đồng lên 2.655.000 đồng; tăng trợ cấp xã hội 38,9%, từ 360.000 đồng lên 500.000 đồng. Theo Bộ LĐ-TB&XH, đối với chính sách người có công sẽ thực hiện đúng phương châm thể hiện trong Pháp lệnh người có công là “người có công được hưởng trợ cấp cao hơn bình thường. Như vậy, sẽ cao hơn một bậc so mức cải cách tiền lương. Đối với nhóm đối tượng hưởng bảo trợ xã hội có mức tăng tương đồng với mức tăng lương bình quân của công chức, có lộ trình gồm 2 thời điểm ngày 1/7/2024 và 1/7/2025.

Về tăng lương hưu, chia thành 3 nhóm. Nhóm 1 là những người nghỉ hưu thông thường, mức tăng lương hưu sẽ được tính toán hợp lý giữa khu vực đang làm việc với người nghỉ hưu, hài hòa giữa người cùng chức vụ trước và sau ngày 1/7/2024. Với nhóm nghỉ hưu trước ngày 1/7/2024, Nhà nước cần áp dụng mức bù để giảm chênh lệch lương giữa người nghỉ hưu trước và sau thời điểm cải cách chính sách tiền lương. Ngoài áp dụng chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), những người hưởng lương hưu theo ngân sách được bảo đảm đầy đủ chế độ như người nghỉ hưu bình thường. Nhóm nghỉ hưu trước năm 1995, Bộ LĐ-TB&XH đề nghị Bộ Chính trị, các cơ quan có thẩm quyền cho áp dụng những chính sách đặc biệt để lương hưu lên cao hơn nữa.

Đề nghị tính toán lại mức phù hợp

Theo TS Nguyễn Hữu Dũng (nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội, Bộ LĐ-TB&XH), nhiều năm nghiên cứu chính sách an sinh xã hội, đề xuất của Bộ LĐ-TB&XH về cơ bản chấp nhận được, nhưng vẫn có cái không/chưa phù hợp. Bởi, theo nguyên tắc tăng lương công chức, viên chức và người về hưu có tỷ lệ ngang nhau, bộ đề xuất tăng lương hưu 15% chỉ bằng một nửa của tăng lương công chức, viên chức (30%). Nhưng đây là tình huống đặc biệt, liên quan đến cải cách, lịch sử tiền lương của công chức, viên chức vốn quá thấp từ trước đến nay, mức tăng 30% để giải quyết vấn đề lâu dài. Vì hiện tại, mức tiền lương của công chức, viên chức không đủ chi trả cho cuộc sống dẫn đến năng suất, hiệu suất làm việc chưa/không tốt. Mức đề xuất tăng lương hưu 15% chưa phải là tối ưu, nhưng phải chấp nhận bởi phụ thuộc vào ngân sách.

Tham gia ý kiến về chính sách tiền lương mới đến thực hiện chính sách BHXH, Bộ Tài chính cho biết, ước tính sơ bộ, nhu cầu kinh phí ngân sách nhà nước năm 2024 tăng thêm so với dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2024, đã được cấp có thẩm quyền giao để thực hiện phương án đề xuất của Bộ LĐ-TB&XH là 17.276 tỷ đồng, vượt khả năng cân đối của dự toán ngân sách nhà nước năm 2024, đã được Quốc hội quyết định tối đa 7.430 tỷ đồng. Do vậy, đề nghị Bộ LĐ-TB&XH rà soát, tính toán lại các phương án điều chỉnh cụ thể, bảo đảm các nguyên tắc và cơ sở pháp lý để trình cấp có thẩm quyền quyết định các mức điều chỉnh trên cơ sở khả năng cân đối của ngân sách nhà nước.

Tăng lương hưu 15% là phù hợp

 Vừa qua, BHXH Việt Nam kiến nghị, năm 2024 chỉ nên tăng lương hưu so với năm 2023. Điều này sẽ giúp giảm bớt sự chênh lệch giữa người hưởng lương hưu trước cải cách tiền lương và người hưởng lương hưu từ ngày 1/7/2024 trở đi. Nếu được thông qua, ngân sách nhà nước dự kiến bố trí thêm 1.900 tỷ đồng trong 6 tháng cuối năm; thêm 50 tỷ đồng nếu điều chỉnh mức hưởng đạt 3,5 triệu đồng/tháng với người nghỉ hưu trước năm 1995. Nguồn Quỹ BHXH tăng khoảng 6.900 tỷ đồng, chưa bao gồm tiền trích đóng bảo hiểm y tế.

Một chuyên gia trong ngành LĐ-TB&XH cho biết, theo Tổng cục Thống kê, quy mô tổng sản phẩm nội địa (GDP) nước ta tính đến cuối năm 2023 ước tính đạt khoảng 10,22 triệu tỷ đồng, tương đương 430 tỷ USD. GDP bình quân đầu người năm 2023 theo giá hiện hành ước tính đạt 101,9 triệu đồng/người, tương đương 4.284 USD, tăng 160 USD so năm 2022. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2023 tăng 3,25% so năm trước. Như vậy, có thể khẳng định nền kinh tế đang có sự phát triển, việc Bộ LĐ-TB&XH đề xuất tăng lương hưu 15% và các chính sách khác với mức tương ứng là phù hợp. Hiện chúng ta đang sửa Luật BHXH nên việc điều chỉnh lương hưu cho phù hợp mức sống tối thiểu, vừa giúp người dân thừa hưởng những thành tựu của nền kinh tế, vừa thêm niềm tin vào hệ thống an sinh xã hội…

Việt Nam hiện có khoảng 14,4 triệu người sau độ tuổi nghỉ hưu, nhưng chỉ có 3,3 triệu người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng từ Quỹ BHXH và 1,8 triệu người hưởng trợ cấp hưu trí xã hội từ ngân sách nhà nước. Lao động người Việt Nam hưởng hưu trí tối đa 75%. Tuy nhiên, tiền lương tính đóng bảo hiểm thấp nên lương hưu bình quân chỉ đạt 5,4 triệu đồng/tháng.


N.R