Người dân tới thăm Đền thờ Vua Lê Lợi, ở xã Lê Lợi, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu ngày đầu năm với mong muốn cầu cho năm mới sức khỏe dồi dào, vạn sự an khang.
Nơi tưởng nhớ vị anh hùng tài hoa của dân tộc
Quần thể Đền thờ Vua Lê Thái Tổ và bia Vua Lê Thái Tổ (Vua Lê Lợi) nằm cách trung tâm thành phố Lai Châu khoảng 110 km về phía Tây Nam, thuộc địa phận xã Lê Lợi và xã Pú Đao, huyện Nậm Nhùn. Đền thờ được dựng lên nhằm tưởng nhớ công lao của vị anh hùng dân tộc Lê Lợi, người đã có công dẹp loạn vùng Tây Bắc. Ngôi đền tọa lạc trên vị trí đắc địa, cao ráo, có thể phóng tầm mắt 4 phía. Tại quần thể đền thờ còn có một di tích quý báu đó là di tích bia Lê Lợi.
Tháng Chạp năm Tân Hợi (1431), vua Lê Thái Tổ đã cho tạc khắc vào vách đá Pú Huổi Chỏ bên bờ Bắc sông Đà để lưu lại cho muôn đời sau "Bia cổ hoài lai". Văn bia ghi lại sự kiện lịch sử vua Lê Thái Tổ thân chinh chỉ huy các đạo quân dẹp phản loạn ở vùng Tây Bắc của Tổ quốc. Đó là năm 1431, tù trưởng Đèo Cát Hãn làm phản, liên kết với Kha Đốn (còn gọi là Kha Lại), quấy nhiễu nhân dân nơi biên ải, đánh chiếm vùng đất Mường Muỗi (nay là vùng Thuận Châu, Sơn La).
Vua Lê Thái Tổ thân chinh đem quân lên châu Phục Lễ. Tháng Chạp năm Tân Hợi 1431, sau khi bình định vùng Tây Bắc, trên đường trở về qua địa phận xã Lê Lợi, huyện Nậm Nhùn (hiện nay), để răn dạy các tù trưởng cai quản nơi biên cương của Tổ quốc, vua Lê Thái Tổ đã cho khắc vào vách đá bài văn ghi nhớ sự kiện này.
Thủ nhang Vũ Phong Oanh, ở xã Lê Lợi, huyện Nậm Nhùn, cho biết: Tấm bia khắc bài minh văn của vua Lê Thái Tổ còn lại cho đến ngày nay là một di sản văn hóa vô cùng quý báu của nhân dân Lai Châu nói riêng và cả nước nói chung. Năm 2005, Nhà máy thủy điện Sơn La khởi công, để tránh bị ngập nước, phần bút tích văn bia của vua Lê Thái Tổ đã được di dời. Năm 2012, bia Lê Lợi được di dời khỏi vách đá Pú Huổi Chỏ đến khuôn viên đền thờ vua Lê Thái Tổ cách vị trí cũ 500m.
Thủ nhang Vũ Phong Oanh, ở xã Lê Lợi, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu giới thiệu cho du khách về bảo vật quốc gia Bia Lê Thái Tổ.
Di tích Bia Lê Lợi thuộc xã Lê Lợi và xã Pú Đao, huyện Nậm Nhùn (Lai Châu) đã được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia. Cuối năm 2016, Bia Lê Lợi chính thức được công nhận là bảo vật quốc gia. Đầu năm 2017, Đền thờ vua Lê Lợi cũng được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia.
Bia Lê Lợi là hiện vật gốc độc bản, hoàn toàn không trùng lặp với các văn bia đã được phát hiện. Văn bia vừa mang giá trị to lớn về lịch sử, nhưng cũng là một kiệt tác văn hóa của vị anh hùng tài hoa của dân tộc.
Điểm đến thu hút du khách
Ngày nay, Đền thờ Vua Lê Lợi không chỉ là nơi để người dân Lai Châu tưởng nhớ về vị anh hùng của dân tộc, mà còn là một trong những điểm sinh hoạt văn hoá tâm linh của bà con nơi đây. Những ngày đầu năm, nhiều du khách từ mọi miền đất nước đến tham quan, tìm hiểu về bảo vật quốc gia - Bia Lê Lợi; tìm hiểu về vị vua anh minh, sáng suốt, giỏi thao lược, tài cầm quân trong lịch sử Việt Nam. Mặt khác, họ đến thăm đền thờ với mong muốn cầu cho năm mới sức khỏe dồi dào, vạn sự an khang.
Du khách Nguyễn Phương Hoa đến từ Hà Nội chia sẻ: Khi đặt chân đến đây, mình rất ấn tượng về tấm bia mà Vua Lê Lợi đặt bút. Tại đây, những mái đình, mái chùa cũng rất cổ kính giữ được nét văn hóa của dân tộc Việt Nam. Đặc biệt, từ đền thờ có thể nhìn ra 4 phía, khung cảnh rất hùng vĩ.
Đến với Đền thờ Vua Lê Lợi trong những ngày đầu Xuân, du khách không chỉ được ngắm nhìn cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, thơ mộng mà còn có cơ hội tìm hiểu văn hóa của đồng bào dân tộc sinh sống tại nơi đây với cuộc sống gắn liền với lòng hồ thủy điện.
Từ khi thủy điện Lai Châu được xây dựng, đã đem lại cho bà con nơi đây nguồn sinh kế mới. Xuôi theo lòng hồ về phía bản Chang, xã Lê Lợi, huyện Nậm Nhùn du khách không khỏi ấn tượng với hình ảnh nhân dân đánh bắt, nuôi trồng thủy sản trên lòng hồ, những lồng cá lớn như dấu hiệu ấm no, đủ đầy trong một năm mới. Đời sống ổn định, người dân xã Lê Lợi từng bước khôi phục lại những lễ hội truyền thống, nổi bật như lễ hội đua thuyền đuôi én dịp đầu năm. Đặc biệt, người dân bản Chang vẫn lưu giữ được nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Thái như những nếp nhà sàn lợp mái đá, những câu hát, điệu xòe uyển chuyển.
Đến với Đền thờ Vua Lê Lợi, ở xã Lê Lợi, huyện Nậm Nhùn, du khách còn được chiêm ngưỡng điệu xòe của đồng bào Thái nơi đây.
Đến với bản Chang, du khách không những được chiêm ngưỡng những điệu múa, điệu xòe, mà còn được thưởng thức những món ăn truyền thống của đồng bào dân tộc Thái. Những món ăn mang đậm hương vị núi rừng như xôi nhiều màu, cá nướng, gà bọc lá hấp, canh bon da trâu, hoa kè nhồi thịt nướng… Các món ăn mang đậm hương vị của mắc khén, hạt dổi - nét đặc trưng của núi rừng Tây Bắc. Từ lâu, nơi đây ngã ba sông Đà có phong cảnh sơn thủy hữu tình, nơi giao thoa của đất trời và sông núi, mảnh đất chứng kiến biết bao biến cố, thăng trầm của lịch sử. Và vẫn còn đó phế tích dinh thự của Vua Đèo Văn Long, tỉnh trưởng Lai Châu cai trị 12 xứ Thái.
Du khách Tô Văn Đoàn, đến từ thành phố Đà Nẵng hồ hởi nói: Lần đầu tiên đặt chân lên mảnh đất Lai Châu, anh rất ấn tượng bởi phong cảnh hùng vĩ. Nhất là khi đi tour từ Đền thờ Vua Lê Lợi đến tham quan trên lòng hồ và tìm hiểu nét văn hóa của người Thái. Bà con ở đây rất niềm nở, hiếu khách và ẩm thực hấp dẫn với nhiều món ăn mới lạ.
Ông Mào Việt Hoa, Chủ tịch UBND xã Lê Lợi cho hay: Năm 2022, xã có kế hoạch phối hợp Phòng Văn hóa huyện Nậm Nhùn hướng dẫn đoàn văn nghệ của bản Chang tiếp tục ôn lại những bài múa, điệu xòe mang đậm phong tục tập quán. Cùng đó, xã khuyến khích bà con làm các món ẩm thực độc đáo của người Thái để du khách thưởng thức và lan tỏa nét văn hóa Thái bản Chang đến với người dân cả nước. Mặt khác, xã chú trọng thực hiện đề án bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa gắn với phát triển du lịch, trong đó xã sẽ mở rộng điểm du lịch văn hóa cộng đồng lân cận khu vực đền thờ vua Lê Lợi để tạo ra các tour du lịch hiệu quả.
Thời gian tới, Lai Châu tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, cộng đồng trong việc gìn giữ, bảo tồn Đền thờ Vua Lê Lợi. Mặt khác, tỉnh thường niên tổ chức lễ hội Đền thờ Vua Lê Lợi gắn với các hoạt động văn nghệ, thể thao, trò chơi dân gian truyền thống của đồng bào để không bị mai một. Tỉnh cũng thực hiện hiệu quả các chương trình, nghị quyết, đề án về bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc gắn với phát triển du lịch.
Theo NGUYỄN OANH (TTXVN)