Đến trường an toàn

10/02/2022 - 08:15

Vẫn còn những khó khăn, trở ngại nhưng từ thực tiễn cuộc sống chắc chắn chúng ta có những phương án thích ứng an toàn để việc học sinh trở lại trường không bị đứt đoạn.

Chưa bao giờ học sinh lại háo hức đến trường như thời gian qua. Hơn hai năm qua quả thực là hai năm khó khăn của toàn xã hội nói chung và ngành giáo dục nói riêng. Học sinh hầu hết là học ở nhà thông qua mạng.

Chúng ta thường nói cái này khép lại cái khác mở ra. Phải khẳng định, cái được nhiều nhất chính là việc cả phụ huynh và học sinh được làm việc trên không gian số. Đây là xu hướng văn minh hiện đại. Song điều đó không thể giải quyết hết những vấn đề của ngành giáo dục, đặc biệt là việc truyền đạt và tiếp thu kiến thức.

Trong hơn hai năm qua, chất lượng của ngành giáo dục nếu chỉ đánh giá thông qua các kỳ thi có vẻ như chúng ta vẫn đảm bảo được vì thông qua điểm số, thông qua tuyển sinh song điều đó chưa phản ảnh hết mọi khía cạnh của ngành giáo dục. Giáo dục không đơn thuần là truyền đạt kiến thức mà là “trồng người”. Vì thế, nhu cầu được đến trường là thiết thực. Đó không chỉ là việc của riêng các em mà của cả xã hội.

Học sinh Trường Tiểu học Hồng Sơn (TP Vinh) trong ngày đầu đi học trực tiếp 

Sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các địa phương để học sinh được đến trường cho thấy sự quan tâm của cả xã hội cho ngành giáo dục. Tuy nhiên, nói như Thủ tướng Chính phủ, học sinh đi học là phải an toàn. Đảm bảo an toàn về sức khỏe vẫn là ưu tiên hàng đầu. Đi học trở lại không chỉ là dựa vào mong muốn chủ quan mà phải bằng thực tiễn khoa học. Cũng giống như đời sống xã hội, từ chỗ phong tỏa, truy vết, xét nghiệm đến thích ứng an toàn. Điều đó phải căn cứ vào việc tiêm chủng vắc xin và diễn tiến dịch bệnh.

Việc tiêm chủng và mở cửa là sự gắn kết khoa học. Tỷ lệ tiêm chủng cao là chỉ dấu quan trọng nhất. Tiêm chủng đảm bảo miễn dịch cộng đồng sẽ mở cửa toàn xã hội, tiêm chủng đảm bảo miễn dịch cho học sinh thì mở cửa trường học. 

Đà Nẵng cho học sinh mầm non, tiểu học quay trở lại lớp học trực tiếp (Ảnh: Hồ Giáp)

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, tính đến cuối tháng 1, nhóm đối tượng từ 18 tuổi trở lên có tỷ lệ tiêm vắc xin phòng COVID-19 mũi 1, 2, 3 tương ứng gần 100%, 95,7% và 22,3% ; trẻ em từ 12-17 tuổi tiêm mũi 1, 2 đạt tỉ lệ 95,2% và 86%. Và ngay trong Tết, Chính phủ đã chỉ đạo mở chiến dịch “Tiêm chủng mùa Xuân” “đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà” để tiêm chủng. Chúng ta cũng đã có kế hoạch bắt đầu tiêm chủng cho trẻ em từ 5- 12 tuổi.

 Điều đặc biệt, sau Tết hầu hết các tỉnh thành đều cho học sinh được đi học trở lại. Các trường đã chuẩn bị rất kỹ việc mở trường trở lại đồng thời cũng sẽ đảm bảo an toàn cho học sinh. Đảm bảo an toàn không chỉ bằng quyết tâm mà bằng thực chất của việc tiêm chủng, cơ sở vật chất, bằng việc tuân thủ 5K, bằng phân luồng, và bước đầu nhiều nơi chỉ học 1 buổi…

Trong chỉ đạo mới nhất, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, chúng ta phải thích ứng an toàn, nhưng phải lường trước rủi ro, nên khi đưa trẻ tới trường hoàn toàn không được chủ quan.

Đúng là vẫn có những rủi ro song như nhiều nhà nghiên cứu cho rằng bản thân trẻ em hệ miễn dịch tốt nên khả năng tấn công của dịch bệnh khó. PGS.TS Lael Yonker, Bệnh viện Đa khoa Massachusetts, cho hay ngày càng nhiều bằng chứng cho thấy hệ miễn dịch bẩm sinh của trẻ thường ngăn chặn lây nhiễm SARS-CoV-2 từ sớm, tiêu diệt virus và không cho chúng nhân lên.

Một nghiên cứu công bố năm 2020 của Đại học Y khoa Einstein phát hiện trẻ em có khả năng miễn dịch niêm mạc đặc biệt mạnh mẽ. “Lớp khiên bảo vệ” này nằm ở màng nhầy của mũi, cổ họng, mắt, miệng - những nơi đầu tiên virus tìm cách tấn công…Đó là chưa nói đến việc đã tiêm chủng.

Đó chính là những căn cứ khoa học, cơ sở thực tiễn cho việc chúng ta mở cửa cho học sinh đi học trở lại. Vẫn còn những khó khăn, trở ngại nhưng từ thực tiễn cuộc sống chắc chắn chúng ta có những phương án thích ứng an toàn để học sinh trở lại trường sẽ không bị đứt đoạn. Một mùa Xuân mới đã đến, bắt đầu bằng việc đưa các em trở lại trường là việc làm hứa hẹn năm học sẽ thành công.

Theo NGUYỄN ĐĂNG TẤN (Vietnamnet)