Tôi làm văn phòng, một năm nay, nếu ngồi gõ máy tính lâu tôi cảm thấy vai gáy bên phải đau mỏi vô cùng nhưng nếu tôi tập các bài giãn cơ cho vai gáy thì sẽ đỡ. Nhưng tình trạng này lại xuất hiện khi tôi tiếp tục tư thế ngồi gõ máy tính vài giờ đồng hồ. Tôi có nên đi khám không? Tôi tưởng các bệnh lý này thường ở người trung niên? (Quỳnh An, 30 tuổi, Hà Nội).
PGS.TS Nguyễn Lê Bảo Tiến, Viện trưởng Viện Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Việt Đức, trả lời:
Người ngoài 20 tuổi sẽ có nguy cơ bị thoát vị đĩa đệm khi cột sống mất nước, khô dần, mất tính đàn hồi vốn có của đĩa đệm.
Thoát vị đĩa đệm là tình trạng dịch chuyển nội dung của đĩa đệm (nhân nhày, bao xơ, sụn tiết) ra khỏi vị trí bình thường. Các yếu tố nguy cơ gồm béo phì, nghề nghiệp, hút thuốc lá, gene, chấn thương cột sống.
Trước đây, chúng ta nghĩ rằng các bệnh lý của đĩa đệm, cột sống hay gặp ở những người trung niên trở lên, tuy nhiên hiện tại tỷ lệ trẻ hóa tương đối phổ biến với độ tuổi từ 20 đến 30.
Triệu chứng thường gặp của thoát vị đĩa đệm
Người bệnh thoát vị đĩa đệm thường có những triệu chứng như: Đau vùng đĩa đệm bị tổn thương, đau do nguyên nhân chèn ép thần kinh những vùng vị trí tương xứng; muộn hơn, nặng hơn là các dấu hiệu liên quan rối loạn chức năng chèn ép thần kinh dưới da.
Thực tế nhiều người bệnh không phân biệt được thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng và thoát vị đĩa đệm cột sống cổ.
Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng thường có biểu hiện đau lưng, đau lan xuống vùng mông và chân, đau tăng lên khi vận động, khi ngồi lâu, đứng lâu.
Trong khi đó, đau vùng cổ, vai gáy, lan xuống tay, ngón tay là những dấu hiệu của thoát vị đĩa đệm cột sống cổ.
Một số ít trường hợp không điển hình như đau lưng, đau chân, nhưng khi chúng tôi tìm nguyên nhân và can thiệp mổ thoát vị đĩa đệm cột sống cổ mới giải quyết được nguyên nhân.
Người trẻ tuổi cần tránh các yếu tố như ngồi lâu, đứng lâu, tư thế làm việc xấu... Bởi các yếu tố này cộng lại tạo thành nguy cơ mắc bệnh thoát vị đĩa đệm cột sống cổ và cột sống thắt lưng cao hơn.
Khi xuất hiện triệu chứng bệnh, người dân nên đi thăm khám chuyên khoa.
Nhiều người đặt câu hỏi liệu thoát vị đĩa đệm cột sống cổ hay thoát vị vùng cột sống thắt lưng nguy hiểm và cần điều trị quyết liệt hơn? Rõ ràng, bệnh nào cũng có yếu tố nguy hiểm và quan trọng.
Nếu bị thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng, chủ yếu là ảnh hưởng mang vác, chèn ép hệ thống thần kinh. Vì thế nhiều bệnh nhân nghĩ rằng vấn đề ở thắt lưng không quan trọng bằng cột sống cổ.
Nhưng khi khám, điều trị ở giai đoạn muộn, bệnh thoát vị đĩa đệm vùng cột sống thắt lưng sẽ ảnh hưởng nhiều cuộc sống. Không chỉ liệt, một số bệnh nhân có thể bị rối loạn cơ tròn, đại tiểu tiện không tự chủ, đau buốt rát thần kinh mạn tính. Những bệnh này rất khó điều trị, người bệnh sau đó gần như tàn phế, không thể phục hồi.
Không ít bệnh nhân đã được chẩn đoán thoát vị đĩa đệm, nên mổ giải quyết. Nhưng do yếu tố tâm lý và một số lý do khác nên không chấp nhận mổ ngay mà tìm phương án khác nên để muộn mới đến viện. Lúc này, họ phải ngồi xe lăn, chống gậy, cổ bàn chân bị liệt nên đi dép thường bị tụt, tiểu tiện không tự chủ.
Có những bệnh nhân bị buốt, rát liên tục trong ngày, cảm giác như ai cầm nắm kim ném vào da, rát bỏng. Đó là biểu hiện bên ngoài của thần kinh bị tổn thương.
Đừng chờ đến lúc tay không cài được khuy áo, không gắp được thức ăn, đi dễ ngã mới đến viện. Đó là biểu hiện bệnh muộn, lúc này nếu mổ, tỷ lệ hồi phục cũng rất thấp.
Theo Vietnamnet