Sung túc, đa dạng, tươi ngon… là điểm chung của những nơi diễn ra mua bán sản vật mùa nước nổi lúc này. Những chợ ở vùng đầu nguồn luôn có sức hút, bởi mặt hàng cá, tôm nhiều không kể xiết. Trong chợ, từ trên sạp đến dưới đất bày la liệt, tha hồ lựa. Dọc đường cũng có nhiều nhà bày ốc, cua, hến, rắn, chuột… trước hiên.
Chưa kể mấy chiếc xe đẩy bán hàng “di động” chất đầy ắp những rổ càng cua, ốc luộc, ốc sống… chỉ lướt ngang thôi đã gợi lên bao món ngon quen thuộc. Những sản vật đặc trưng của mùa nước nổi, như: Bông súng, bông điên điển, củ ấu, rau muống đồng… thời điểm này bán số lượng gấp 2 - 3 lần so đầu mùa. Sản vật nhiều nhưng luôn đắt khách, chẳng mấy khi lo ế, bởi mùa này đa số người mua chuộng ăn rau, cá tự nhiên.
Chợ mùa nước nổi nhộn nhịp cả ngày lẫn đêm
Vừa có lao động gia đình, vừa thu mua từ các ngư dân trong vùng, chị Huỳnh Thị Ngọc Trinh (xã Đào Hữu Cảnh, huyện Châu Phú) làm các loại cá khô đóng gói để bán. Chị cho biết, mỗi năm, nhờ mấy tháng nước lên, gia đình mua được cá lìm kìm, cá chốt, cá chạch, cá lóc, cá tra, cá sặc, nhái…
Tùy theo loại và nhu cầu của người mua, chị chế biến cá khô dẻo, cá khô hoàn toàn, loại nào cũng bán chạy. Còn những tháng khác trong năm, nhờ lượng cá thu mua cuối mùa, chỉ có thể làm mắm để bán dài hạn. Với khách ở gần, chị Trinh làm thêm loại khô 1 nắng, ướp sẵn gia vị tỏi ớt và đóng gói hút chân không.
“Người mua ở đây đều thích, mà người ở nơi khác lại càng thích hơn. Mấy món ăn đồng quê luôn được ủng hộ, bởi sản vật mùa nước ngọt quanh năm không thiếu, nhưng chỉ mùa nước nổi mới được dồi dào, đánh bắt tự nhiên, vừa sạch, vừa ngon” - chị Trinh cho hay.
Nhiều loại cá đồng phong phú, làm cho chợ quê thêm sôi động. Ở đầu nguồn TX. Tân Châu, có những “phiên chợ” chóng vánh chỉ diễn ra vào mùa nước nổi. Trên đồng, những mẻ cá vừa kéo lên được phân loại đâu ra đó, có loại sẽ bán để chế biến bữa ăn, có loại đang dần khan hiếm ngoài tự nhiên sẽ được người dân mua về để nuôi. Tùy theo đó, giá thành cũng có sự khác biệt, cao nhất là tôm sông, cá heo đuôi đỏ, cá kết…
Thương lái canh thời điểm ra tận đồng hoặc tập kết ở bến sông quen thuộc. Chợ cá đồng ở kênh 5 xã thuộc xã Vĩnh Xương họp 2 lần trong ngày: 4 giờ sáng và 10h trưa.
Chị Nguyễn Thị Lượm là người mua bán cá ở chợ này gần 20 năm. Mỗi lần chợ họp chỉ kéo dài trong 1 giờ nhưng rất xôm tụ, vui vẻ. Chị cho biết, số lượng cá tùy theo con nước, có hôm nhiều, có hôm ít. Ngư dân đánh bắt từ tối đến khuya, vận chuyển về rất sớm, ngày may mắn có thể kiếm được 400.000 - 500.000 đồng/người.
Các vùng đầu nguồn như TX. Tịnh Biên, TX. Tân Châu, huyện An Phú, chợ hoạt động với hình thức tương tự trong mùa nước nổi cũng khá phổ biến. Hơn 2 giờ sáng, không khí trao đổi đã rất nhộn nhịp, bởi ai cũng muốn có cá tươi đem về kịp buổi chợ của ngày mới. Nếu ở xã Phú Hội (huyện An Phú), chợ cá diễn ra trên đồng nước thì tại các xã đầu nguồn của TX. Tân Châu, nơi giao dịch của tiểu thương diễn ra ngay tại chợ truyền thống.
Tại đây, từng loại cá được phân loại theo kích cỡ lần nữa để định giá. Người mua từ khắp nơi trong tỉnh đổ về, trang bị sẵn thùng nhựa, bình oxy rồi khẩn trương phân phối lẻ đến các chợ khác. Tháng trước, chỉ có cá linh bán chạy nhất, còn lúc này có nhiều loại cá đồng, nhu cầu của người mua đa dạng hơn.
Bên bờ kênh Tha La, nhiều năm nay dân buôn cá quen thuộc với “chợ ma”, nhóm họp chỉ trong đêm khuya và tan chợ khi trời rạng sáng. Ở đây không có ánh đèn, mỗi người rọi lối đi bằng chiếc đèn pin nhỏ gắn trên đầu, đủ thấy mặt hàng, số tiền. Hầu như ai cũng quen biết nhau nhiều năm nên việc mua bán rất nhanh gọn, không ồn ào.
Nước rút, nguồn cá khai thác được nhiều hơn, những phiên chợ ngắn ngủi càng trở nên gấp gáp. Ra tới chợ, đi đến đâu, tiểu thương giới thiệu các loại cá đến đó, mỗi loại cá lại có một danh sách món ăn riêng để tham khảo chế biến. Cá linh nhúng cơm mẻ, cá chạch muối chiên, cá lòng tong kho tiêu, cá lóc nấu canh chua… làm cho bữa cơm hàng ngày thêm hấp dẫn. Đâu chỉ bấy nhiêu mà người ta hào hứng chờ đợi mùa nước nổi hàng năm.
Với những thế hệ lớn lên vùng sông nước, bây giờ có người đã ở chức ba, mẹ, thậm chí là ông, bà… đó là một cuộc hẹn quen thuộc với thiên nhiên. Cảnh mưu sinh của người dân lam lũ trên đồng, cảnh nhộn nhịp ở các bến sông và không khí xôm tụ từ chợ nhỏ đến chợ lớn… là niềm vui đón lũ, đón sản vật về đồng.
Chị Tuyết Mai, đại diện của thế hệ 8X, quê gốc ở huyện Phú Tân, nay công tác ở vùng sâu của huyện Châu Phú. Dù ở đâu, chị luôn thấy nét đẹp mộc mạc của quê hương mỗi dịp mùa nước nổi tràn đồng.
“Nhiều người dồn sự chú ý về miền Tây để trải nghiệm các loại hình du lịch thú vị, món ngon nổi tiếng, ngắm cảnh vật đặc trưng... Chứng kiến bao nhiêu mùa, tôi vẫn thấy đẹp và mỗi năm lại có nét đẹp riêng. Trước đây, năm nào ở đâu cũng có nước đổ về. Bây giờ đê bao khép kín, có nơi không còn thấy nước lũ. Vì thế, đâu chỉ có chuyện thưởng thức các sản vật, cuộc hẹn gặp lại những đồng nước mênh mông khiến nhiều người phải bồi hồi” - chị Mai chia sẻ.
HOÀI ANH