Di chúc - Lời dặn dò thiêng liêng cho sự nghiệp của dân tộc

16/07/2019 - 16:32

Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ vĩ đại và kính yêu của dân tộc Việt Nam, Người đã dành cả cuộc đời chiến đấu, hy sinh không mệt mỏi vì độc lập, tự do của dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân, là tấm gương sáng cho toàn thể cán bộ, nhân dân noi theo.

Bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Trước lúc đi xa, Người đã để lại Bản Di chúc như một văn kiện lịch sử vô giá, kết tinh của những tinh hoa tư tưởng, đạo đức và tâm hồn của người Cách mạng trong thời đại mới, trở thành kim chỉ nam dẫn dắt đất nước ta trên con đường phát triển không chỉ trong hiện tại mà cả trong tương lai.

Trở lại sáng ngày hè năm 1965, khi cả nước đang sôi nổi thi đua mừng thọ Bác Hồ 75 tuổi, tin chiến thắng từ khắp các chiến trường Nam – Bắc ngày đêm bay về Hà Nội, thì chính tại Khu Phủ Chủ tịch, Người cũng ngồi chăm chú viết những lời căn dặn đã được suy nghĩ từ lâu. Đúng 9 giờ, Người đặt bút viết những dòng đầu tiên của bản tài liệu mang tên "Tuyệt đối bí mật". Những năm sau đó, mỗi dịp sinh nhật, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại đem bản Di chúc ra xem lại, bổ sung cho hợp với tình hình của đất nước. Đây là những lời căn dặn, tình cảm thiết tha, là niềm tin sâu sắc gửi lại toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta và các thế hệ mai sau.

Trong bối cảnh cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ở vào giai đoạn ác liệt, lịch sử đặt ra cho chúng ta một thử thách cực kì nghiêm trọng. Trước tình hình đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định tinh thần lạc quan và niềm tin mãnh liệt: "Cuộc chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn. Đó là một điều chắc chắn" (1). Sáu năm sau, lời khẳng định đã trở thành sự thật như minh chứng cho tầm nhìn của Người, sự đoàn kết chặt chẽ, đấu tranh bền bỉ của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân. Với vai trò là người lãnh đạo, dẫn dắt đất nước trên con đường dành thắng lợi, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định Đảng giữ vị trí vô cùng quan trọng. Người thấu hiểu rằng, mọi thắng lợi của Cách mạng Việt Nam đều gắn liền với sự trưởng thành ngày càng vững mạnh của Đảng. Bởi vậy, trong bản Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn rất nhiều về những việc mà Đảng cần làm để trở thành một Đảng cầm quyền, Đảng của nhân dân:

1. Về công tác xây dựng Đảng:

Ngay ở phần đầu tiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành để nói về Đảng và sự đoàn kết trong Đảng: "Trước hết nói về Đảng - Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hǎng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác". Từ những ngày đầu tiên được sáng lập, Đảng Cộng Sản Việt Nam đã lãnh đạo nhân dân tiến hành Cách Mạng tháng Tám 1945 thành công, đánh thắng nhiều cuộc chiến tranh xâm lược và sẽ còn tiếp tục nhiệm vụ dẫn dắt nhân dân hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và bảo vệ vững chắc nền độc lập đó. Đồng thời, ghi nhận nguồn sức mạnh nội lực đã làm nên sức mạnh của Đảng chính là sự đoàn kết, thống nhất. Người nhiều lần khẳng định: "Đoàn kết là sức mạnh của chúng ta"; "Đoàn kết là thắng lợi"; "Đoàn kết là then chốt của thành công"... và một lần nữa trong bản Di chúc, Người nhắc lại: "Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta". Nhưng có những thời điểm, có những cá nhân vì nhiều lý do khác nhau đã quên đi lý tưởng, xa rời đạo đức cách mạng mà phá hoại khối đoàn kết đó gây ra sự chia rẽ, bè phái, làm suy yếu và mất sức chiến đấu của Đảng. Để phòng ngừa điều này, Người đã nhắc nhở về trách nhiệm của các đồng chí cán bộ là cần giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình. Người cũng cho rằng: "Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau". Đây không chỉ là nhiệm vụ trọng yếu mà còn là yêu cầu bức thiết của Đảng cầm quyền trước mỗi bước chuyển của Cách mạng. Từ đó sẽ phát huy ưu điểm, sửa chữa khuyết điểm làm cho Đảng mạnh thêm vì sự phát triển và vững mạnh của Đảng. Có thể dễ dàng nhận thấy tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đoàn kết chính là cội nguồn tạo nên sức mạnh lãnh đạo của Đảng, là nhân tố để phát huy trí tuệ và khả năng sáng tạo của những chiến sĩ tiên phong nhằm đưa sự nghiệp cách mạng Việt Nam đến thắng lợi cuối cùng.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nhấn mạnh tới vai trò của đạo đức Cách mạng. Đây cũng là vấn đề được Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm nhất quán và liên tục trong các bài viết, bài nói của Người. Từ những bài học đầu tiên: "Đường cách mệnh (1927), "Sửa đổi lối làm việc"(1949), "Chủ nghĩa cá nhân"(1948), "Cần, kiệm, liêm, chính"(1955), "Đạo đức cách mạng"(1958) cho đến tác phẩm "Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân"(1969). Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định vai trò, ý nghĩa, những chuẩn mực cơ bản và các nguyên tắc xây dựng, rèn luyện đạo đức Cách mạng bởi Người hiểu đạo đức cách mạng của cán bộ, Đảng viên sẽ liên quan đến vai trò lãnh đạo của Đảng và sự thành bại của Cách mạng. Người luôn căn dặn "mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư", tận tâm, tận lực vì Tổ quốc và nhân dân phục vụ để "xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân". Tăng cường đoàn kết nhất trí trong Đảng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, trên cơ sở mục tiêu giữ vững độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan niệm rằng: " Cũng như sông có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân". Vì vậy trong quá trình thành lập Đảng và chặng đường đấu tranh sau này, Chủ tịch Hồ Chí Minh không ngừng chăm lo xây dựng chiến lược cách mạng và giáo dục đào tạo rèn luyện đội ngũ đảng viên của Đảng thực sự là những người chiến sĩ cách mạng mẫu mực.

Hoàn cảnh đất nước có nhiều thay đổi, tin vui từ các chiến trường ngày một nhiều hơn như củng cố thêm niềm tin thắng lợi cho toàn dân tộc. Năm 1968, Chủ tịch Hồ Chí Minh bổ sung thêm sáu trang viết tay, nói đến một số công việc cần làm sau ngày thắng lợi. Để Đảng làm tròn sứ mệnh lịch sử của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc tới trước tiên cần chỉnh đốn lại Đảng. Tuy thời điểm ra đời Bản Di chúc, nhân dân vô cùng tin tưởng vào uy tín Đảng, nhưng Người vẫn căn dặn việc xây dựng chỉnh đốn Đảng là quan trọng bậc nhất. Khi cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc đang đi vào những giai đoạn khó khăn, Người cũng nhìn thấy trước những thay đối trong tư tưởng của cán bộ, Đảng viên đó là bi quan, hoài nghi, thiếu sự tin tưởng ở tiền đề thắng lợi của dân tộc từ đó dẫn tới những tư tưởng lệch lạc trong việc chấp hành đường lối, chính sách của Đảng và nhà nước. Người tin tưởng rằng cuộc cách mạng của dân tộc sẽ thành công, nhưng đồng thời cũng nhìn ra được những nguy cơ tiềm ẩn, đó là nếu không chỉnh đốn Đảng tốt thì sẽ không thể giữ gìn được thành quả cách mạng và đưa đất nước phát triển. Từ sự lo lắng đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra những định hướng cụ thể trong từng giai đoạn lịch sử: khi Cách mạng khó khăn, chỉnh đốn Đảng để cán bộ thêm sáng suốt, kiên định lập trường; khi Cách mạng trên đà thắng lợi, chỉnh đốn Đảng ngăn ngừa căn bệnh chủ quan, tự mãn; khi Đảng cầm quyền giúp Đảng viên giữ mình, trong sáng, không sa vào chủ nghĩa cá nhân. Người viết: "làm cho mỗi đảng viên, mỗi đoàn viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm trọn nhiệm vụ Đảng giao phó cho mình, toàn tâm, toàn ý phục vụ nhân dân. Làm được như vậy, thì dù công việc to lớn mấy, khó khăn mấy, chúng ta cũng nhất định thắng lợi". Đối với Đảng viên, cán bộ phải hiểu rằng nhân dân không trông vào lời nói mà trông vào hành động, không có công bằng nào bằng đánh giá của nhân dân, vì vậy: "các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh việc chung cho dân, chứ không phải để đè đầu dân như trong thời kì dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật.

Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm.

Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh.

Chúng ta phải yêu dân, kính dân, thì dân mới yêu ta, kính ta" (2)

2. Sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ- một trong những nhiệm vụ hàng đầu của một Đảng Cộng sản cầm quyền;

Trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc, thanh niên nước ta từ thế hệ này đến thế hệ khác, đã luôn nêu cao tinh thần yêu nước, không ngại gian khổ, không sợ hy sinh, sẵn sàng phấn đấu, dấn thân vì sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Từ khi có Đảng và Bác Hồ lãnh đạo, rèn luyện, tuổi trẻ Việt Nam càng phát huy cao độ truyền thống anh hùng, có nhiều đóng góp xứng đáng vào những thắng lợi vĩ đại của cách mạng Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định vai trò của thanh niên trong sự nghiệp của dân tộc: "Nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do các thanh niên". Chính bởi vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành nhiều công sức trong việc chăm lo, bồi dưỡng, giáo dục thanh niên, lực lượng sẽ kế tục sự nghiệp cách mạng trong tương lai. Đây là một việc vô cùng quan trọng và cần thiết trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

Trong suốt những năm tháng gian khổ của dân tộc, dù trong bất kì hoàn cảnh nào, thanh niên đều hoàn thành xuất sắc xứ mệnh lịch sử của mình trước Đảng và nhân dân.Vì vậy khi viết những vấn đề băn khoăn, trăn trở cuối cùng, Người không quên nhắc: "Đoàn viên thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hằng hái xung phong, không ngại khó khǎn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chǎm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa "hồng" vừa "chuyên. Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết ". Trải qua hai cuộc kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn theo dõi chặt chẽ và chỉ đạo cụ thể cho thanh niên trong các phong trào, càng nhìn thấy những thành quả mà thanh niên đạt được, Chủ tịch Hồ Chí Minh càng nhận thấy đây chính là lực lượng xã hội to lớn, một trong những nhân tố quan trọng quyết định tương lại, vận mệnh của dân tộc. Người coi sự lớn mạnh của tuổi trẻ là thành công của Đảng, là thắng lợi của sự nghiệp cách mạng, đào tạo thế hệ trẻ chính là xây dựng con người mới XHCN, nên cần được thực hiện thường xuyên, liên tục, lâu dài và đáp ứng được nhu cầu của thời đại. Mà muốn đạt được những điều này thì Đảng cần chú trọng tới việc tạo điều kiện cho Thanh niên phát huy khả năng vốn có của mình, đồng thời giáo dục một cách toàn diện và nhiều mặt để tổ chức thanh niên thành lực lượng hùng hậu, trung thành, kế tục sự nghiệp của Đảng và dân tộc. Bởi vậy cần ghi nhận, đề cao vai trò của thanh niên, đặt trọn niềm tin vào thế hệ trẻ và quả thật lịch sử đã khẳng định vai trò và vị trí của thanh niên: là rường cột của nước nhà, là tương lai của đất nước. Nội dung nêu ra trong bản Di chúc cũng cho thấy sự thống nhất với hành động vủa Chủ tịch Hồ Chí Minh đó là đề nghị Đảng, Chính phủ lựa chọn những thanh niên ưu tú cử đi học tập để đào tạo thành "đội quân chủ lực trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội thắng lợi ở nước ta".

3. Nhiệm vụ của Đảng phải chăm lo mọi mặt đời sống cho nhân dân;

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, tư tưởng và mục đích của Chủ tịch Hồ Chí Minh xuất phát từ con người và cuối cùng cũng trở về với con người. Nếu chỉnh đốn Đảng là việc phải làm trước tiên đối với Đảng thì công việc đối với con người là công việc đầu tiên Đảng phải quan tâm. Hơn ai hết, Chủ tịch Hồ Chí Minh thấu hiểu rằng động lực để thực hiện khát vọng độc lập dân tộc và chủ nghĩ xã hội ở Việt Nam chính là nhân dân lao động. Ngay từ rất sớm, Người đã đề ra tư tưởng "dựa vào nhân dân mà xây dựng Đảng", nhân dân càng có cuộc sống hạnh phúc ấm no thì càng tin yêu và quyết tâm theo Đảng. Vì vậy, cần hết sức quan tâm đến đời sống của nhân dân, đặc biệt là nhân dân lao động: "Nhân dân ta bao đời chịu gian khổ… lại kinh qua nhiều chiến tranh"; nhưng "Từ ngày có Đảng, nhân dân ta luôn đi theo Đảng, rất trung thành với Đảng". Ghi nhớ những điều đó, Người luôn nhắc nhở sự nghiệp Cách Mạng là sự nghiệp của quần chúng, không có cá nhân anh hùng nào có thể giành được thắng lợi nếu không được sự tin yêu và ủng hộ của quần chúng. Người cũng thường nói: "Có tập thể vĩ đại ấy mới có Đảng ta vĩ đại, mới có Cách mạng tháng Tám thắng lợi, mới có kháng chiến chống Pháp thành công, mới có sự nghiệp chống Mỹ cứu nước được cả thế giới khen ngợi" (3). Thực hiện những điều đó, Bác căn dặn: "Đảng cần có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân". Đây chính là những công việc đối với con người, mỗi đối tượng cần có những chính sách cụ thể khác nhau: trước hết là "đền ơn đáp nghĩa" đối với cán bộ, binh sĩ, dân quân du kích, thanh niên xung phong, các liệt sĩ, gia đình liệt sĩ, thương binh, là lực lượng vũ trang nhân dân, là phụ nữ, là nông dân. Bất cứ cuộc chiến tranh nào cũng để lại những vết thương phải hàn gắn, những hậu quả phải giải quyết, ở đây công việc đối với con người đòi hỏi Đảng phải có những chủ trương, chính sách kịp thời. Người từng nói, đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ là đạo lý và đạo nghĩa lớn nhất. Ngay đối với những nạn nhân của chế độ xã hội cũ, Người cũng nhắc nhở Nhà nước ta phải dùng vừa giáo dục, vừa dùng pháp luật để cải tạo họ, giúp đỡ họ trở thành những người lao động lương thiện. Có thể thấy tư duy của Người luôn hàm chứa tư tưởng đổi mới và hội nhập, không chỉ giải quyết những việc cấp bách, trước mắt mà cũng lo toan những trù tính chiến lược trong tương lai, kế hoạch xây dựng đất nước đàng hoàng hơn, tươi đẹp hơn.

Mấy lời dặn lại phần nào đã thỏa mãn tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh "hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này... không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa". Đúng như lời Bác dạy, một tấm gương sống còn quý hơn hàng trăm bài diễn văn, tuyên truyền; gương mẫu là cách lãnh đạo tốt nhất. Bởi vậy, trên cương vị người đứng đầu đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thực thi quyền lực do Đảng và do nhân dân ủy thác với một tinh thần dân chủ, đạo đức trong sáng, trở thành tấm gương mẫu mực về cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, tuyệt đối không màng danh lợi, đứng ở ngoài vòng danh lợi để toàn tâm, toàn ý phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.

• 50 năm thực hiện theo Di chúc của Bác:

Suốt những năm tháng cuối đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết Bản Di chúc là bức thư, là mấy lời dặn lại cho thế hệ sau những việc cần làm và nên làm trước khi về thế giới người hiền; còn với chúng ta thì đây lại là một tác phẩm cuối đời trang trọng của Người. Thời gian càng lùi xa, thực tiễn đã và đang diễn ra trên đất nước Việt Nam, càng chứng minh giá trị định hướng thiên tài trong lời dặn trước lúc ra đi của Bác. Trên con đường phát triển đi lên của đất nước ngày hôm nay, Đảng càng khẳng định, tư tưởng Hồ Chí Minh mãi mãi là ngọn đuốc soi đường trong sự nghiệp đấu tranh vì độc lập tự do, vì chủ nghĩa xã hội, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Bộ Chính trị khóa X đã ban hành Chỉ thị số 06, ngày 7-11- 2006 về tổ chức Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". Tiếp theo đó, ngày 14- 5- 2011, Bộ Chính trị khóa XI ban hành Chỉ thị 03 về tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Nhưng nhận thức về Bác là cả một quá trình, nếu chỉ dừng lại ở tấm gương, đạo đức sẽ là không đủ. Để làm cụ thể hơn điều này, ngày 15-5-2016, Bộ Chính trị (khóa XII) ban hành Chỉ thị 05-CT/TW về "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" với những nội dung mới, toàn diện và sâu sắc hơn. Điều đó thể hiện rõ quyết tâm của Đảng ta là làm cho tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh mãi lan tỏa, thật sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của đời sống xã hội. Việc Học tập và làm theo tấm giương đạo đức Hồ Chí Minh đã đạt kết quả tốt đẹp, góp phần vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và thực hiện thắng lợi các đường lối đổi mới của Đảng. Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo Bác, coi trọng hơn nữa nhiệm vụ xây dựng đạo đức trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, gắn với nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, vừa đáp ứng yêu cầu cấp bách trước mắt, vừa có ý nghĩa cơ bản, lâu dài đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta.

Suốt 50 năm qua, toàn dân và toàn quân ta đã thực hiện được theo những điều Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn, đó là: Giải phóng miền nam, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước vững bước đi lên CNXH. Theo chỉ dẫn của Bác, Đảng ta đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, luôn gắn bó máu thịt với nhân dân, lãnh đạo, tổ chức và phát huy sức mạnh to lớn của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, giành được nhiều thắng lợi vĩ đại trong sự nghiệp cách mạng.

Về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, các Nghị quyết của Trung ương được ban hành nêu rõ những vấn đề về ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ; tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý; Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Bí thư, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương,... Bên cạnh đó, Đảng và Nhà nước đã có nhiều quyết sách quan trọng nhằm tiếp tục thực hiện các Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI, khoá XII về kiện toàn hệ thống chính trị, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tiêu cực. Thực tế chứng minh, trong những năm gần đây, công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tiêu cực đã được Đảng và Nhà nước ta lãnh đạo, chỉ đạo được đẩy mạnh hơn bao giờ hết, và đạt nhiều kết quả cụ thể, rõ rệt. Các vụ án nghiêm trọng, phức tạp đã được xử lý rất kiên quyết, nghiêm minh, theo đúng quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, kể cả đối với cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng, của Nhà nước; tướng lĩnh, sĩ quan trong công an, quân đội; cán bộ đương chức và cán bộ đã nghỉ hưu. Đây là bước đột phá trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong bộ máy nhà của Đảng.nước và của toàn hệ thống chính trị, góp phần quan trọng củng cố lòng tin của các tầng lớp nhân dân vào sự lãnh đạo.

Thực hiện lời dặn của Người "Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết, Thành công, thành công, đại thành công" (4) và "không đoàn kết thì suy và mất. Có đoàn kết thì thịnh và còn." (5) Trong suốt những năm tiến hành đổi mới và hội nhập quốc tế, Đảng đã luôn coi việc giữ gìn đoàn kết nhất trí trên cơ sở đường lối chính trị và các nguyên tắc xây dựng Đảng là sinh mệnh của Đảng; đã kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, chống mọi biểu hiện chia rẽ, bè phái, gây mất đoàn kết trong Đảng. Văn kiện các kỳ Đại hội Đảng đều nhấn mạnh vai trò của đoàn kết, coi đoàn kết thống nhất trong Đảng, trước hết là ở cơ quan lãnh đạo có ý nghĩa quyết định sự thành công của cách mạng; cụ thể, Đại hội XII của Đảng khẳng định: "Đoàn kết trong Đảng là hạt nhân, là cơ sở vững chắc để xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc". (6)

Đối với Thanh niên, Đảng cũng nhận định đây là nhân tố quan trọng, xung kích thực hiện những nhiệm vụ chiến lược mà Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII đã hoạch định để phát triển đất nước. Bởi vậy sẽ chú trọng vào việc bồi dưỡng, phát triển đội ngũ thanh niên, hướng tới nâng cao ý thức chính trị của đoàn viên; chuẩn hóa đội ngũ cán bộ đoàn, trở thành nguồn cán bộ kế cận tin cậy của Đảng, chính quyền và đoàn thể ở các cấp. Bên cạnh đó, thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công đã được Ðảng, Nhà nước ta hết sức quan tâm, thể hiện rõ trong pháp lệnh của Nhà nước. Hàng nghìn bà mẹ liệt sĩ được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, được nuôi dưỡng chu đáo và đi liền cùng đó là những ngôi nhà tình nghĩa được xây dựng ở khắp ba miền đất nước... Để đạt được những kết quả đó là do ý Đảng hợp với lòng dân, là sức mạnh đoàn kết, thống nhất, nỗ lực phấn đấu, chung sức, đồng lòng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong công cuộc đổi mới toàn diện và đồng bộ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đi xa đã nửa thế kỷ nhưng tới ngày hôm nay, những lời dặn dò của Người đã trở thành văn kiện chính trị vô cùng quan trọng, trở thành cương lĩnh hành động cho toàn Đảng, toàn dân, cho Tổ quốc và con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cũng như trong công cuộc đổi mới vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Nguyễn Vân Anh
Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch

Chú thích:

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2011, t.15, tr.621

(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr.187

(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 15, tr. 662

(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 13, tr. 119

(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 55

(6) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, H, 2016

Theo Tổ Quốc