Trang trí hổ phù - la hầu trong cung đình Huế.
Ngày 10/4, tại Khu di tích Văn Miếu-Quốc Tử Giám, Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám tổ chức Tọa đàm “La Hầu và hình tượng La Hầu trong văn hóa-kiến trúc Việt Nam”.
Trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam từ xa xưa, có một dạng thức trang trí hết sức phổ biến thường được gọi là hổ phù. Hổ phù được trang trí trên hầu hết các không gian tín ngưỡng từ đình, đền, miếu cho đến các đồ lễ khí như ngai kiệu, hương án, sập đá bia đá…, nhất là trang trí thời Nguyễn.
Hổ phù là một trong những hình ảnh dữ tợn nhất, thường thể hiện chính diện, có mắt quỷ tròn, mũi sư tử, sừng nai, tai thú, má bạnh, miệng nhe và hàm nở rộng ngậm mặt trăng hay chữ thọ, hai chân bành ra hai bên. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu về nguồn gốc của hổ phù.
Sau nhiều năm nghiên cứu, Tiến sĩ Lý luận và Lịch sử mỹ thuật Trần Hậu Yên Thế cho rằng, gốc gác của hình tượng này chính là La Hầu (Rahu). La Hầu vốn là một con quỷ trong văn hoá Ấn Độ. Con quỷ này uống trộm sữa trường sinh nên bất tử, dù sau đó bị trừng phạt bằng chặt đầu.
Mặt trời và mặt trăng nhìn thấy Rahu uống trộm sữa trường sinh, báo cho thần Vishnu. Do đó, con quỷ này “trả thù” bằng cách nuốt mặt trời, mặt trăng nên tạo ra nhật thực, nguyệt thực. Việc hổ phù chỉ trang trí phần đầu linh vật và miệng ngậm hay nuốt một vật gì đó chính là thể hiện lại câu chuyện trên.
So với hệ thống thần linh và các con vật linh của người Việt, La Hầu hình thành tương đối muộn, manh nha từ thời Lê Trung hưng và phát triển mạnh vào thời Nguyễn. Sau đó, trở nên phổ biến trên hầu hết các không gian tín ngưỡng từ đình, đền, miếu, cho đến các đồ lễ khí như ngai kiệu, hương án, sập đá bia đá...
Lý giải việc hình tượng La Hầu được sử dụng rộng khắp trong các không gian tín ngưỡng từ cung đình tới nhà dân, PGS, TS Đinh Hồng Hải (Đại học Quốc gia Hà Nội) nêu tích cổ về La Hầu, để thấy đây là nhân vật sau “phạm tội và được giáo hóa”, đã quay trở lại bảo vệ chính phép, được coi như vị thần hộ pháp, được người thợ dân gian đưa vào rất nhiều công trình tín ngưỡng, đồ thờ tự...
Theo PGS, TS Đinh Hồng Hải, hình tượng La Hầu là sự đan xen của hai hệ thống thẩm mỹ Trung Hoa và Ấn Độ, góp phần khẳng định nghệ thuật trang trí cổ truyền Việt Nam nói chung và nghệ thuật trang trí kiến trúc thời Nguyễn nói riêng, đồng thời mang những giá trị đặc biệt, thể hiện cốt cách và tâm hồn của dân tộc.
Trong nhiều dạng thức trang trí La Hầu, có dạng thức trang trí “long hàm thọ” - La Hầu ngậm chữ “thọ” là một trang trí đặc biệt của Việt Nam, xuất hiện trong nhiều trang trí ở cung đình Huế.
Tuy chỉ là một hình tượng trang trí, nhưng hình tượng La Hầu là một trong những câu chuyện thể hiện rõ sự giao lưu văn hóa, qua thời gian, đã được Việt hóa, kết tinh thành những giá trị văn hóa truyền thống, tinh hoa của người Việt.
Thông qua tọa đàm, công chúng có cái nhìn tổng quát và khá đầy đủ về lịch sử hình thành và phát triển của La Hầu trong văn hóa tín ngưỡng và nghệ thuật cổ thế giới, cũng như trong văn hóa và kiến trúc cổ Việt Nam; cách hình tượng La Hầu được truyền bá trong đời sống dân gian cũng như sức sống của hình tượng trong đời sống văn hóa hiện đại.
Sự kiện cũng là cơ hội để mỗi người tìm hiểu cặn kẽ những giá trị tinh hoa của dân tộc, những ứng biến, phát sinh của tinh hoa truyền thống trong chiều dài lịch sử đất nước.
Theo GIANG NAM (Nhân Dân)