Đám tiệc từ xưa đến nay đã trở thành nét văn hóa, là thói quen của người dân Việt. Ngay khi các gia đình có tin vui, như: Con cháu sắp lập gia đình sẽ tổ chức tiệc cưới, kỷ niệm ngày con cháu tròn tháng, tròn tuổi sẽ có đám đầy tháng, thôi nôi hay nhớ tưởng ngày ông bà qua đời hàng năm sẽ tổ chức lễ giỗ, các gia đình thường tổ chức bữa tiệc mời người thân, bạn bè đến chung vui. Hay như nhà có chuyện buồn, không đợi đến được mời, ai cũng cố gắng đến thắp nén nhang cho người đã khuất, bởi quan niệm “nghĩa tử là nghĩa tận”.
Đó là những nét đẹp, lễ nghi đầy tính văn hóa, nhân văn, thắt chặt thêm tình thân, mối quan hệ xã hội. Thế nhưng, với tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, số ca lây nhiễm trong cộng đồng tăng, đặc biệt là đã có ca lây nhiễm từ các buổi đám tiệc, đã đặt ra vấn đề cho mỗi người cần suy nghĩ nên hay không nên tổ chức đám tiệc, nên hay không nên tham dự đám tiệc trong giai đoạn hiện nay.
Người dân nên hạn chế tiệc tùng để đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19
Anh H.V.L (người dân ngụ ấp Tân Hiệp A, thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) chia sẻ: “Xuất phát từ ý nghĩ chia sẻ nỗi buồn với gia đình vừa mất đi người thân nên tôi để con gái đi dự đám tang. Thế nhưng, ngay sau đó sự việc không may xảy ra, trong gia đình người tổ chức đám có người nhiễm COVID-19, dẫn đến địa phương truy vết nhiều F1, cả gia đình tôi thuộc F1 phải thực hiện cách ly y tế tại nhà 14 ngày. Qua vụ việc, tôi nghĩ rằng dù mong muốn ai cũng tốt đẹp, cả người tổ chức lẫn người tham dự, đều muốn làm tròn nghi lễ với người đã khuất, nhưng trong tình cảnh dịch bệnh như hiện nay, việc tập trung đông người và không biết những ai từ đâu đến dự, trước đó có từng tiếp xúc với F0, F1 hay không, sau đó tựu họp lại vô tình làm lây lan dịch bệnh. Chính vì vậy, gia đình tôi sẽ không tổ chức đám tiệc trong thời điểm này và khi được mời đám tiệc sẽ hết sức cân nhắc”.
Một chuỗi lây nhiễm khác được ghi nhận tại huyện Thoại Sơn những ngày đầu tháng 11-2021 cũng xuất phát từ đám tiệc. Một người dân xã Phú Thuận tổ chức tiệc cưới chỉ gói gọn trong 19 người, nhưng không may trong số người thân đến dự sau đó phát hiện nhiễm COVID-19. Qua phản hồi từ huyện Vĩnh Thạnh (TP. Cần Thơ), địa phương đã nhanh chóng truy vết, cách ly, điều trị kịp thời các ca nhiễm, nghi nhiễm.
Bí thư Đảng ủy xã Phú Thuận Nguyễn Quốc Khánh cho biết: “Đến nay, Phú Thuận là một trong những xã có số ca nhiễm cao nhất của huyện Thoại Sơn, với 39 ca tại 2 ấp Hòa Tây B và Phú Tây, một phần ca nhiễm xuất phát từ tiệc cưới. Thực tế cho thấy, người dân vẫn còn rất chủ quan, lơ là, cứ nghĩ rằng dịch bệnh tạm ổn, có thể trở về sinh hoạt bình thường, có thể yên tâm dự đám tiệc. Khi đi dự tiệc trong lúc ăn uống, nói chuyện giao lưu thường xuyên sẽ làm người dân quên đi "ý thức khẩu trang", khoảng cách, từ đó virus SARS-CoV-2, đặc biệt là biến chủng Delta trong cơ thể người này có điều kiện lây lan cho người khác”.
“Mặc dù theo quy định hiện nay, người dân huyện Thoại Sơn được tổ chức hoạt động trong nhà, ngoài trời không quá 20 người tại một thời điểm, nhưng địa phương luôn mong người dân hãy hết sức cân nhắc việc có nên hay không nên tổ chức đám tiệc trong tình hình hiện nay. Còn nếu tổ chức, quy mô càng nhỏ càng tốt. Người tổ chức cần biết chắc tình trạng sức khỏe, việc đi lại tiếp xúc của người thân được mời tham dự tiệc, cố gắng đảm bảo thông điệp “5K” trong đám tiệc. Hơn lúc nào hết, người dân cần thận trọng, nâng cao ý thức phòng dịch, nêu cao tinh thần “mỗi xã, phường là một pháo đài, mỗi người dân là một chiến sĩ chống dịch”, góp phần cùng chính quyền địa phương kiểm soát tốt dịch bệnh”- Bí thư Đảng ủy xã Phú Thuận Nguyễn Quốc Khánh mong muốn.
“Cuộc sống còn nhiều dịp gặp nhau, đám tiệc có thể đơn giản thì nên đơn giản. Nếu thời điểm này không mời được đầy đủ họ hàng, bạn bè đến chung vui thì ta hẹn dịp khác, sau khi dịch bệnh được kiểm soát tốt. Hãy để đám tiệc được trọn vẹn ý nghĩa vừa chung vui hay chia sẻ nỗi buồn, vừa phải đảm bảo an toàn, sức khỏe, tính mạng cho người thân, bạn bè”- ông Nguyễn Quốc Khánh chia sẻ.
|
TRÚC PHA