Điểm cộng cho phim “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối”

10/04/2025 - 07:49

Trong những ngày tháng 4 lịch sử của dân tộc, phim truyện điện ảnh đề tài chiến tranh cách mạng “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối” của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên đã tạo hiệu ứng ngoài rạp chiếu khi thu hút đông đảo khán giả, với tần suất 15-25 suất chiếu trên tất cả hệ thống rạp chiếu toàn quốc, cũng như bình luận ủng hộ tích cực trên báo chí truyền thông, mạng xã hội.

“Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối” không chỉ kể lại một câu chuyện lịch sử mà còn thắp lên ngọn lửa của ký ức, của lòng tự hào và cả khát vọng vươn tới ánh sáng từ những tầng sâu tăm tối, để rồi khi ánh sáng cuối cùng ló rạng trên màn hình, ta nhận ra rằng “mặt trời” không chỉ là đích đến của các nhân vật mà còn là tia hy vọng rực rỡ dành cho chính chúng ta hôm nay-là hòa bình.

Phim về chiến tranh đầy sức thuyết phục

“Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối” là phim Việt đầu tiên ra mắt trong tháng 4, lấy đề tài thời chiến, hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Theo dữ liệu từ Box Office Vietnam-trang tổng hợp, phân tích dữ liệu doanh thu phòng vé trên toàn lãnh thổ Việt Nam, bộ phim chính thức khởi chiếu từ ngày 4-4, sau 4 ngày trình chiếu, phim đạt doanh thu hơn 72,6 tỷ đồng, với hơn 12.000 suất chiếu.

Tại buổi chiếu phim giới thiệu tới báo giới và người làm nghề Hà Nội, kết thúc phim, Nghệ sĩ Nhân dân Như Quỳnh chia sẻ: “Cảm ơn đạo diễn, đoàn làm phim “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối” đã cho chúng tôi một câu chuyện chiến tranh đầy tính thuyết phục. Tới bây giờ, trái tim tôi vẫn còn hồi hộp. Ê kíp đã để lại một bộ phim mà khi xem, khán giả thấy tự do, hạnh phúc quý giá như thế nào”.

Điểm cộng cho phim “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối”

Hình ảnh trong phim “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối”. Ảnh do đoàn làm phim cung cấp

Phim lấy bối cảnh sau trận càn Cedar Falls năm 1967-chiến dịch quân sự của Mỹ nhằm triệt phá căn cứ quân giải phóng miền Nam. Tác phẩm mở đầu bằng một đoạn one-shot (quay không cắt cảnh) miêu tả mảnh đất Bình An Đông, Củ Chi bị tàn phá, những cánh rừng cháy trụi. Nữ chiến sĩ Ba Hương (Hồ Thu Anh đóng) ngụp lặn trên sông tìm đồng đội, nhưng chỉ thấy những thi thể giữa đám lục bình. Khung cảnh tang thương đưa người xem vào câu chuyện của nhóm du kích gồm 21 người, do Bảy Theo (Thái Hòa đóng) làm đội trưởng. Theo lệnh của cấp trên, họ bám trụ ở Củ Chi để canh giữ các thiết bị quân y và thuốc men cho bệnh viện dã chiến. Tuy nhiên, chỉ có Bảy Theo biết nhiệm vụ thực chất của họ là bảo vệ địa bàn cho nhóm tình báo chiến lược của Hai Thưng (Hoàng Minh Triết đóng) truyền đi những tài liệu tối mật bằng sóng vô tuyến. Trọng trách này khiến đội du kích rơi vào thế sống còn, khi quân đội Mỹ định vị được họ, mở một chiến dịch lớn tấn công địa đạo... Phim có sự giúp đỡ, tư vấn của Anh hùng LLVT nhân dân Tô Văn Đực, một du kích từng sống và chiến đấu dưới địa đạo Củ Chi.

Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên cho biết, với 128 phút phim, ông không đặt tham vọng phác họa toàn bộ bức tranh về địa đạo mà chỉ tái hiện lát cắt nhỏ với từng thân phận riêng. Vì thế, ông không mất nhiều thời gian để giới thiệu chân dung, hoàn cảnh đội du kích, bởi dù đến từ đâu, ở độ tuổi nào, họ đều có chung lý tưởng: Sẵn sàng cầm súng bảo vệ Tổ quốc.

Phim cũng có nhiều đại cảnh cho thấy quy mô trận chiến, như phân đoạn dàn xe tăng, xe bọc thép, máy bay trực thăng càn quét địa phận. Đạo diễn nhiều lần sử dụng thủ pháp quay tương phản để làm nổi bật sự chênh lệch về lực lượng của nhóm du kích và lính Mỹ. Về cuối, nhịp phim dồn dập hơn khi quân đội Mỹ thâm nhập địa đạo, dồn từng chiến sĩ vào tình thế “nghìn cân treo sợi tóc”.

Tính nghệ thuật lớn trong phim

Đạo diễn, Nghệ sĩ Ưu tú Nguyễn Xuân Sơn cho rằng, điều ông quý nhất trong phim chính là không thấy diễn viên nào mà chỉ thấy những người lính, những người miền Nam chiến đấu tại địa đạo Củ Chi. “Đó là một điều tuyệt vời của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên. Đây là một bộ phim mới về chiến tranh của Việt Nam có tính nghệ thuật lớn”, đạo diễn Nguyễn Xuân Sơn nói.

Theo dõi hành trình của bộ phim từ những công bố đầu tiên (cách đây 11 năm), khi đạo diễn Bùi Thạc Chuyên ấp ủ về một bộ phim chiến tranh cách mạng, nhà báo Nguyên Ngọc (viết phê bình lý luận mảng điện ảnh) chia sẻ: “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối” mang tầm vóc một phim chiến tranh lịch sử cách mạng, tạo cột mốc mới cho điện ảnh Việt Nam. Thay vì khai thác góc độ bi kịch, yếu mềm của con người trước chiến tranh để “câu” nước mắt thì đạo diễn chọn góc nhìn thô ráp, thực tế và sự bí bách bên dưới địa đạo để tái hiện lát cắt của một thời kỳ lịch sử và khơi gợi tinh thần yêu dân tộc. Cách kể của đạo diễn trong “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối” giống như lũ trẻ khi tụ lại nghe cha ông kể chuyện lịch sử. Các ông, các bác sẽ kể rất nhiều câu chuyện nhỏ, nhiều lát cắt. Để rồi sau cùng, những câu chuyện ấy ngấm dần với lũ trẻ và câu chuyện kết thúc, đứa nào đứa nấy sôi sục, vỗ tay không dứt khi tự vẽ lại bức tranh toàn cảnh lịch sử hào hùng của cha ông. “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối” là một tác phẩm điện ảnh đem lại cảm giác đáng quý như vậy. Nó khơi dậy niềm tin rằng điện ảnh Việt Nam có thể chạm đến những chân trời xa hơn, sâu hơn, để cùng nhau mơ về những điều lớn lao hơn nữa.

Trước tình cảm của khán giả dành cho bộ phim, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên bày tỏ: “Tôi biết ơn tất cả khán giả đã đến ủng hộ bộ phim. Ước nguyện của chúng tôi luôn là thực hiện một bộ phim hướng đến kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước và có thể chiếu cho càng nhiều người xem càng tốt, để ai cũng cảm nhận được cha ông chúng ta rất biết cách chiến đấu và có thể chiến thắng bất kỳ kẻ thù nào dù mạnh đến đâu”.

Theo Quân đội nhân dân