Điểm đến bình yên

07/09/2018 - 07:34

 - Nằm trong con đường nhỏ của khóm Đông Thạnh 3 (phường Mỹ Phước, TP. Long Xuyên), chùa Đông Thạnh thoạt nhìn rất đơn giản, không hề nổi bật, uy nghi. Thế nhưng, khi tìm hiểu, tham quan, chúng tôi mới biết: di tích lịch sử cách mạng và kiến trúc nghệ thuật ấy có rất nhiều điều đặc biệt, là điểm đến bình yên, thư thái của khách phương xa lẫn người dân sống quanh khu vực này.

Năm 1789, nơi đây vẫn còn hoang sơ, ít ai lui tới. Một vị sư ẩn cư không rõ pháp danh đến dựng cái am tạm bợ để tu hành. Sau khi vị sư này viên tịch, có 4 vị sư khác lần lượt đến trụ trì. Đến năm 1880, sư trụ trì pháp danh Hạ Từ được lòng tín đồ, nên họ đem tiền đóng góp xây dựng lại ngôi chùa bằng vật liệu kiên cố. Hơn 50 năm sau, khi sư Hạ Từ mất, sư Hạ Thông đến trụ trì, tiếp tục góp công xây dựng chánh điện khang trang. Gia đình phật tử Trùm Thịnh và Tồn Nguyên hiến đất mở rộng chùa. Khi các đời sư khác tu tiếp nối, họ xây thêm và chỉnh trang hậu tổ, nhà khói. Năm 1967, sư Hạ Huệ viên tịch, giao lại cho 2 vị ni cô tuổi già yếu trông coi chùa. Những năm ấy, chùa bị xuống cấp, các tượng phật bằng gỗ bị mối đục khoét. Mãi đến năm 1982, sư cô Thích Nữ Như Quang về trụ trì. Một lần nữa, ngôi chùa được chăm nom, bảo quản sạch đẹp, tươm tất. Sư cô cho đổ thuốc và xi măng vào tượng phật gỗ, nên 16 tượng phật được giữ gìn nguyên vẹn gần 40 năm nay, được đánh giá là có giá trị nghệ thuật cao.

Năm 2004, chùa được trùng tu xây dựng mới, tọa lạc trên diện tích 3.200m2, gồm: chánh điện, hậu tổ, nhà khói, nhà giảng, phòng khách. Kết cấu chùa gồm chánh điện và hậu tổ, kiểu dáng 2 mái bát dần, lợp ngói vảy cá. Nóc chánh điện xây khung bao vuông hình trị, gắn hoa văn hình mỏ neo, ở mỗi đầu kỳ góc mái gắn rồng cách điệu. Nội thất chánh điện có 4 hàng cột gỗ vuông (16 cột), cạnh 20cm, tứ trụ chánh điện đổ bê-tông, vẽ hình rồng lượn trong mây. Hậu tổ kiểu 3 gian hai chái, mái bát dần. Ở vị trí trung tâm treo ảnh Tổ sư Đạt Ma. Trước bàn thờ tổ gắn bộ bao lam thành vọng bằng gỗ trang trí chim muông, hoa lá cuốn thư. Các cột giữa hậu tổ treo 3 đôi liễn gỗ dạng phẳng, Hán tự được khắc chìm, sơn son thếp vàng trên nền đỏ.

Trong sân chùa, tượng Phật bà Quan Âm lộ thiên cao 7m cưỡi trên lưng rồng uốn lượn. Chân đế tượng hình bầu linh dược cao 2m, miệng bầu dạng hoa sen và mây. Giữa sân xây cột phướng bê-tông cao 10m, phía trước xây 2 bệ thờ Thiên Hoàng và Địa Hoàng, dán gạch men xanh. Trước mặt tiền chùa đặt tượng Phật Thích Ca nhập niết bàn, chất liệu thạch cao sơn màu trắng, dài 1m8. Trong khuôn viên chùa còn có 2 mộ tháp của vị sư ông đời thứ nhất và thứ 5; miếu Thần Nông, Thổ Thần, Ngũ hành, Vạn Ban, Thất vị nương nương; vườn Lâm Tì Ni, nhiều tượng phật và bồ tát được bố trí theo điển tích Phật; nhà Vãng sanh đường...

Ngoài nét kiến trúc mang ý nghĩa văn hóa nhiều đời, chùa Đông Thạnh nổi bật với cơ man chậu hoa, cây kiểng, mà nói như sư cô Thích Nữ Như Quang là “đếm không xuể”. Cây do các vị sư đời trước trồng, hoặc do người sau trồng, hoặc do phật tử tặng, xếp cạnh nhau gần như kín cả sân, nhưng vẫn có sự thanh thoát, nhẹ nhàng. Mỗi chậu cây mang nét đẹp riêng, khoe sắc hoa và mùi hương riêng, xen kẽ với các tượng lộ thiên, hợp thành khung cảnh trong lành chốn tôn nghiêm.

Đặc biệt hơn, hàng cây sala trước cổng chùa và trong vườn Lâm Tì Ni vươn cao, trổ hoa đỏ ngọt ngào là điểm nhấn của chùa. Sư cô Thích Nữ Như Quang cho biết: “Năm 2003, có một phật tử tặng chùa hạt giống cây sala mang từ Ấn Độ về. Không ngờ, sau 15 năm, các cây sala phát triển tốt, tạo bóng mát cho chùa. Mỗi lần hoa nở là kèm theo hương thơm suốt đến khi tàn, rụng. Nhờ hàng cây này, vào buổi sáng sớm và chiều mát, người dân có thói quen đến tập thể dục, lạy Phật Quan Âm, rồi nghỉ ngơi, thư giãn. Những khi trời nắng gắt, họ đi ngang chùa, dừng chân hít thở không khí trong lành, nghỉ khỏe rồi lại đi tiếp”.

Lúc chúng tôi đến, nắng chiều khuất sau hàng cây sala. Đám trẻ con mê mải chơi đùa trước cổng, “tận dụng” hàng cây làm ranh phân chia trong trò chơi. Tốp khác thì ngồi trò chuyện trên ghế đá, nghe gió mát luồn qua tóc. Một cảm giác bình yên xâm chiếm chúng tôi. Có ai ngờ, nhiều năm trước, nơi đây là điểm phức tạp về an ninh trật tự! Từ sự hiện hữu, trường tồn của ngôi chùa, nỗ lực giáo hóa, vận động của người tu hành và chính quyền địa phương, mọi thứ đã khác đi...

Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chùa là cơ sở cách mạng, nuôi chứa cán bộ, dùng để hội họp và cất giấu tài liệu. Có 2 vị sư trụ trì hoạt động cách mạng ở Hà Tiên bị lộ, về chùa tu và tiếp tục hoạt động cách mạng. Năm 1946, sư ông Quảng Huệ trực tiếp trao lá cờ Đảng cho đệ tử Nguyễn Văn Ngâu treo ở ngọn cây sao trước chùa; giao nhiều tài liệu truyền đơn cho đệ tử làm và chạy xe ngựa mang đi rải khắp nơi. Ông Võ Thành Hưng (cán bộ trực tiếp trú ẩn tại chùa) đã có lần ôm tài liệu cất giấu trong tượng Phật Di Đà khi bị địch lùng bắt.

 

Bài, ảnh: KHÁNH HƯNG