Điểm đến núi Sập

04/07/2024 - 07:42

 - Ngoài cảnh sắc thiên nhiên thơ mộng, hùng vĩ không thua kém bất cứ nơi đâu, núi Sập (thị trấn Núi Sập, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) còn có những câu chuyện hào hùng về tiến trình mở cõi của cha ông.

"Check-in"… đồi mộng mơ

Chạy theo đường vành đai núi Sập, hỏi người dân địa phương đường lên núi, nếu như đây là lần đầu tiên bạn đến. Du khách có thể chạy xe lên núi, bởi đường không quá xa và dễ đi. Trên đường đi sẽ gặp một cây phượng vĩ, đây  cũng chính là điểm dừng chân của “đồi mộng mơ”. Những phượt thủ còn đặt cho nơi này cái tên khá ấn tượng vì có “view” tuyệt đẹp. Đó là một khúc cua “cùi chỏ”, được bao quanh bởi màu xanh bạt ngàn của cỏ cây hoa lá, dừng xe lại đây chụp ảnh rất đẹp.

Để bắt trọn góc chụp “ngàn like” ở “đồi mộng mơ”, du khách thường chọn điểm “check-in” từ tảng đá trên cao, phóng tầm mắt nhìn xuống phía sau là cây phượng vĩ “cô độc”. Đến hẹn lại lên, từng chùm phượng vĩ nở bung, đỏ rực một góc trời vào mỗi độ hè về. Với cảnh sắc thiên nhiên thơ mộng, “đồi mộng mơ” ngày càng thu hút nhiều “phượt thủ” đến tham quan, chụp ảnh lưu niệm. Góp phần tạo nên khung cảnh nên thơ còn là cung đường hình móng ngựa, cong cong uốn lượn giữa núi rừng hoang sơ.

"Đồi mộng mơ" làm say đắm bao người

“Đồi mộng mơ là địa điểm chưa được khai thác du lịch, nên cảnh vật còn rất hoang sơ. Và cảnh vật dưới chân núi tuyệt đẹp vô tình trở thành “tuyệt tình cốc” theo tên gọi của giới trẻ. Đặc biệt, người dân địa phương thường chăn thả dê ở đây, lâu lâu lại trở thành những “diễn viên bất dắc dĩ” trong những bức ảnh du lịch” - chị Mỹ Tiên (ngụ thị trấn Núi Sập) nói.

Tạo hóa khéo sắp xếp, vì cây phượng chỉ trổ hoa ngay dịp hè, nhờ vậy lượt khách đến với núi Sập để “check-in” cảnh sắc của “đồi mộng mơ” luôn rất nhộn nhịp vào thời điểm này. Em Nguyễn Mộng Nhi (ngụ huyện Châu Phú) chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên, em đến “đồi mộng mơ” chụp ảnh. Trước đó, em chỉ biết nơi này thông qua các hình ảnh trên mạng xã hội Facebook và TikTok. Vì cảnh ở đây đẹp nhất vào mùa hè, nên em và các bạn tranh thủ đến vui chơi. Giờ tận mắt thấy sự nên thơ của “đồi mộng mơ” núi Sập, quả thật còn đẹp hơn trên hình rất nhiều!”.

Nghe chuyện Thoại Ngọc Hầu

Núi Sập có những ngọn núi cao hùng vĩ đẹp như tranh, khiến ai đặt chân đến cũng đều không muốn rời đi. Nơi đây từ lâu đã nổi danh với các điểm tham quan, du lịch, như: Hồ Ông Thoại, đình thần Thoại Ngọc Hầu... và gần đây là Thiền viện Trúc lâm An Giang. Hồ Ông Thoại và đền thờ Thoại Ngọc Hầu là cảnh quan do bàn tay con người tôn tạo hài hòa cùng với cảnh sắc thiên nhiên. Nơi đây mang nhiều dấu ấn của một thời mở cõi hào hùng.

Đầu thế kỷ XIX, vào năm 1818, Thoại Ngọc Hầu với tầm nhìn và sự phán đoán của một nhà danh điền lỗi lạc đã phát lệnh đào kênh Thoại Hà. Thoại Ngọc Hầu tên thật Nguyễn Văn Thoại (sinh ra tại làng An Hải, nay là phường An Hải Tây, quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng). Từ thuở nhỏ, ông theo mẹ vào Nam và lớn lên ở làng Thới Bình, Cù Lao Dài nằm trên sông Cổ Chiên, nay thuộc xã Thanh Bình (huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long).

Thoại Ngọc Hầu là người có công lao to lớn trong công trình đào kênh Thoại Hà, dựng bia và lập làng Thoại Sơn. Ông đã mở mạch sống, đánh thức vùng đất này. Từ đây, với ý nghĩa to lớn của kênh Thoại Hà, vùng đất Thoại Sơn đã dần trở thành một phần quan trọng trong tiến trình lịch sử giữ nước, an dân của triều Nguyễn trên vùng đất An Giang xưa.

Tượng danh thần Thoại Ngọc Hầu uy nghiêm giữa hồ Ông Thoại

Ngược dòng lịch sử, kết thúc việc đào kênh, nhận thấy những lợi ích vượt ngoài mong đợi của dòng kênh mới, Vua Gia Long đã cho phép lấy tên ông để đặt tên kênh là Thoại Hà, Núi Sập được cải tên là Thoại Sơn. Và để đánh dấu cho công trình trọng đại trong đời, Thoại Ngọc Hầu đã cho soạn một áng văn, khắc vào bia đá.

Năm Minh Mạng thứ 3 (1822), ông long trọng mở hội làm lễ dựng bia và lập làng Thoại Sơn tại triền núi Sập. Bia đá, với đầu bia được chạm khắc, ghi to 2 chữ “Thoại Sơn”, nay là một trong 3 di tích lịch sử thuộc loại bia ký nổi tiếng của cả nước từ thời phong kiến còn lưu lại.

Ở giữa hồ Ông Thoại là tượng Thoại Ngọc Hầu được dựng trang trọng, thế đứng hiên ngang, quay lưng vào núi, chỉ tay về phía kênh Thoại Hà. Phía sau tượng là bản dịch bia Thoại Sơn, tấm bia được khắc theo bản dịch chữ Quốc ngữ từ bia gốc, dựng bên triền núi để hậu thế tưởng nhớ đến công lao Thoại Ngọc Hầu và các vị tiền nhân đã hy sinh trong quá trình khai hoang, mở cõi. Ngày nay, Lễ hội Kỳ yên đình thần Thoại Ngọc Hầu được tổ chức long trọng trong 3 ngày (10, 11, 12/3 âm lịch). Đây là một lễ trọng của người dân Thoại Sơn.

Núi Sập không chỉ là nơi để mọi người đến vui chơi, giải trí, mà còn là điểm đến khám phá văn hóa và những giá trị lịch sử, tâm linh. Cả 3 thiết chế di tích lịch sử, văn hóa là bia Thoại Sơn, đình thần Thoại Ngọc Hầu và Lễ hội Kỳ yên đình thần Thoại Ngọc Hầu đều được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích lịch sử, di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Đây là niềm tự hào, là điểm tựa tinh thần to lớn cho Nhân dân huyện Thoại Sơn.

PHƯƠNG LAN