Diễn biến dịch bệnh toàn cầu
Trong số trên 22 triệu ca bệnh toàn cầu, có trên 784.000 người đã tử vong. Mỹ hiện là quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch COVID-19 với trên 5,6 triệu ca nhiễm và 175.000 trường hợp tử vong. Tiếp đó là Brazil với 3,4 triệu bệnh nhân và trên 110.000 bệnh nhân tử vong; Ấn Độ có trên 2,7 triệu ca bệnh và trên 53.000 ca tử vong; Mexico có ít nhất 531.000 ca bệnh và 57.000 ca tử vong.
Chăm sóc bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại Porto Alegre, Brazil ngày 13-8. Ảnh: AFP/TTXVN
Xét theo châu lục, châu Mỹ là khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, trong đó Bắc Mỹ có trên 6,6 triệu ca bệnh và Nam Mỹ có trên 5,4 triệu trường hợp. Tiếp đó là châu Á với trên 5,8 triệu ca bệnh và châu Âu với trên 3,2 triệu ca bệnh.
Xét trên tỷ lệ dân số, Bỉ là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất khi cứ 100.000 người dân thì lại có 86 người không qua khỏi đại dịch này; tiếp đó là Peru (với tỷ lệ 80 người), Tây Ban Nha (61 người), Anh (61 người) và Italy (59 người).
Tại Mỹ, có một điểm đáng chú ý trong diễn biến dịch COVID-19 thời gian qua là số ca mắc bệnh tăng vọt ở các nhà dưỡng lão. Theo hãng tin AP, số ca bệnh tại các cơ sở này tăng gần 80% đầu mùa hè khi virus lan nhanh khắp miền nam và phần lớn miền tây. Theo Dự án Theo dõi COVID-19, các cơ sở dưỡng lão chiếm chưa tới 1% dân số Mỹ nhưng chiếm tới 40% ca tử vong vì COVID-19.
Theo bà Seema Verma, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Y khoa và Chương trình Medicare, cách kiểm soát dịch bệnh tại các nhà dưỡng lão là nguyên nhân số một dẫn tới việc virus lây lan tại đây. Các giám sát viên ghi nhận tình trạng nhân viên nhà dưỡng lão quên rửa tay, tập trung đông trong phòng vào giờ giải lao, đeo thiết bị bảo hộ không đúng cách.
Tại Brazil, nước đứng thứ hai sau Mỹ về số ca mắc và tử vong, tình hình lây nhiễm lại đáng lo ngại ở các nhà máy thịt. Theo Bloomberg, ước tính của ông Nelson Morelli, Chủ tịch hiệp hội người lao động quốc gia Contac-CUT, cứ 5 công nhân làm trong nhà máy thịt ở Brazil thì có một người nhiễm virus SARS-CoV-2. Con số này có nghĩa là Brazil có khoảng 100.000 công nhân nhiễm virus trong ngành đóng gói thịt, khiến Brazil là một trong những nơi có ổ dịch bùng phát tại nơi làm việc nghiêm trọng nhất thế giới.
Con số do một hiệp hội đưa ra không phải là số chính thức nhưng nó dựa trên khảo sát các thành viên của hiệp hội. Tuy nhiên, nếu số liệu chỉ gần bằng như vậy thôi cũng sẽ là con số nhiễm bệnh lớn nhất đối với một ngành trên thế giới, không tính ngành y tế.
Brazil có tỷ lệ lây nhiễm khoảng 1,6%, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ 20% trong ngành đóng gói thịt. Môi trường làm việc đông đúc trong các nhà máy chế biến lạnh là điều kiện lý tưởng để virus lây lan. Nhân viên ngành thịt có vai trò quan trọng toàn cầu trong bối cảnh các công ty tìm cách đáp ứng nhu cầu thịt của người tiêu dùng.
Tại châu Á, Ấn Độ là quốc gia có số ca mắc cao nhất. Số ca mắc hàng ngày tại quốc gia này trong nhiều ngày qua luôn ở mức cao nhất thế giới, vượt cả Mỹ và Brazil. Con số này một phần là do Ấn Độ tăng cường xét nghiệm những ngày qua. Theo Bộ Y tế, trong ngày 18-8, nước này đã thực hiện tới 899.000 xét nghiệm, chỉ đứng sau số xét nghiệm ngày 24-7 ở Mỹ (trên 926.000). Dù tỷ lệ xét nghiệm cao nhưng số ca dương tính vẫn ở mức thấp, chiếm 8,81%.
Về số ca tử vong, tờ Timesofindia cho biết Ấn Độ ngày 18-8 ghi nhận số ca tử vong cao nhất trong một ngày với 1.099 ca. Đây là lần thứ ba số ca tử vong hàng ngày ở Ấn Độ vượt 1.000.
Tại khu vực Đông Nam Á, tính tới hết ngày 18-8, khu vực này có trên 382.000 người mắc COVID-19, trong đó trên 9.200 ca tử vong. Philippines là nước có nhiều ca mắc và tử vong nhất Đông Nam Á. Ngày 18-8, Philippines đã ghi nhận thêm 4.836 ca mắc COVID-19. Đây là ngày thứ 7 liên tiếp, nước này có trên 3.000 bệnh nhân nhiễm mới trong một ngày. Tổng số ca mắc COVID-19 tại quốc gia Đông Nam Á này là 169.213, trong đó có 2.687 trường hợp tử vong.
Trong khi đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã bày tỏ quan ngại khi dịch COVID-19 gia tăng lây nhiễm do những người trong độ tuổi 20, 30 và 40. WHO cho rằng phần lớn những người này không có triệu chứng bệnh và không biết mình bị mắc bệnh, do vậy đang gây nguy hiểm cho những nhóm người nguy cơ cao mắc bệnh. Giám đốc của WHO phụ trách khu vực Tây Thái Bình Dương Takeshi Kasai nhấn mạnh đây là dấu hiệu cho thấy thế giới đang bước vào giai đoạn mới của dịch COVID-19 ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Nóng cuộc đua phát triển vaccine
Nghiên cứu viên giới thiệu vaccine ngừa COVID-19 của Nga. Ảnh: THX/TTXVN
Trong tuần qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã công bố vaccine ngừa COVID-19. Một số “ứng viên” vaccine tiềm năng khác của các nước cũng đang bước vào giai đoạn thử nghiệm cuối.
Ngày 11-8, Nga đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới công bố vaccine phòng bệnh COVID-19 do Trung tâm Nghiên cứu quốc gia về dịch tễ học và vi sinh vật mang tên Viện sĩ N.F. Gamaley trực thuộc Bộ Y tế Nga phát triển. Nga đã đặt tên vaccine là "Sputnik-V", lấy theo tên vệ tinh nhân tạo đầu tiên trên thế giới được Liên Xô phóng lên quỹ đạo vào năm 1957.
Ngày 15-8, Bộ Y tế Nga thông báo nước này bắt đầu sản xuất vaccine phòng COVID-19. Hiện có 20 nước trên thế giới đặt mua hơn 1 tỷ liều vaccine "Sputnik-V".
Tại Trung Quốc, giới chức nước này đã cấp bằng độc quyền sáng chế đầu tiên cho vaccine ngừa COVID-19 có tên Ad5-nCoV, được công ty dược phẩm CanSino phối hợp với một nhóm chuyên gia bệnh truyền nhiễm của quân đội Trung Quốc nghiên cứu, phát triển.
Loại vaccine này có thể được sản xuất hàng loạt trong thời gian ngắn trong trường hợp đại dịch bùng phát. Việc cấp bằng sáng chế này giúp khẳng định thêm một bước về tính hiệu quả và độ an toàn của vaccine.
Vaccine Ad5-nCoV đã hoàn tất thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 tại Trung Quốc và chuẩn bị bước vào giai đoạn 3. Giai đoạn cuối cùng này sẽ được thử nghiệm ở nhiều trung tâm nghiên cứu y học tại một số nước.
Một loại vaccine khác cũng được quan tâm do công ty dược AstraZeneca phối hợp với Đại học Oxford của Anh điều chế và đang trong giai đoạn 3 thử nghiệm lâm sàng trên hàng nghìn tình nguyện viên để kiểm tra tính hiệu quả. Các nhà nghiên cứu hy vọng sẽ có kết quả vào cuối năm nay và đây được coi là loại vaccine đi đầu trong cuộc đua toàn cầu về bào chế vaccine ngừa COVID-19.
Trong khi đó, Chính phủ Australia mới đây đã thông qua một chiến lược điều trị và phát triển vaccine ngừa COVID-19 trị giá nhiều tỷ USD với mục tiêu giúp chính phủ có được danh mục vaccine an toàn và hiệu quả.
Tháng trước, vaccine COVAX-19 do công ty công nghệ sinh học Novavax của Mỹ tiến hành giai đoạn đầu tiên của việc thử nghiệm trên người tại hai thành phố lớn của Australia là Melbourne và Brisbane.
Báo giới chính thức Cuba ngày 18-8 dẫn thông báo của Cơ quan Đăng ký Thử nghiệm Lâm sàng của nước này cho biết, đảo quốc Caribe sẽ bắt đầu giai đoạn đầu tiên của quá trình thử nghiệm lâm sàng loại vaccine SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 vào ngày 24-8 tới đây và kết quả sẽ được công bố vào tháng 2-2021.
Theo nguồn tin trên, vaccine ngừa COVID-19 do Viện vaccine Finlay của Cuba bào chế sẽ mang tên SOBERANA 01 (Chủ quyền 01) và sẽ được áp dụng với 2 liều tiêm bắp. Dược phẩm phòng ngừa được phát triển với mục đích “đánh giá tính an toàn, khả năng sinh phản ứng và khả năng sinh miễn dịch”.
Theo WHO, hiện có hơn 160 loại vaccine ngừa COVID-19 đang được nghiên cứu trên khắp thế giới, trong đó 29 loại đã được đưa vào giai đoạn thử nghiệm trên người.
Theo THÙY DƯƠNG (Báo Tin tức)\