Mỹ tiếp tục là tâm dịch của thế giới với 1.007.514 người mắc COVID-19 và 56.624 ca tử vong. Trong 24 giờ qua nước này có 20.354 người nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) và 1.211 người tử vong. Xếp sau là Tây Ban Nha với 229.422 trường hợp mắc bệnh (tăng 2.793 ca trong 24 giờ qua) và 23.521 ca tử vong (tăng 331 ca). Italy có 199.414 ca mắc bệnh (tăng 1.739 ca) và 26.977 ca tử vong (tăng 333 ca).
Nhìn chung, tình hình dịch ở châu Âu đang có xu hướng lắng dịu khi số ca tử vong giảm xuống ở một số quốc gia vốn được coi là tâm dịch của "Lục địa già". Nhiều nước châu Âu đang từng bước nới lỏng các biện pháp hạn chế và phong tỏa sau khi có những dấu hiệu tích cực, với số ca tử vong và nhiễm mới giảm mạnh trong những ngày qua, trong đó có nước tỉ lệ tăng ca nhiễm và tử vong trong ngày đã giảm từ 20% xuống còn 2%.
Mặc dù vậy, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 27-4 cảnh báo "đại dịch còn lâu mới kết thúc" và cho biết WHO "tiếp tục lo ngại về xu hướng dịch gia tăng ở châu Phi, Đông Âu, Mỹ Latinh và một số nước châu Á".
Mỹ: Đảng Dân chủ huỷ bầu cử sơ bộ tại bang New York vì rủi ro COVID-19
Hội đồng bầu cử của đảng Dân chủ ngày 27-4 đã quyết định huỷ cuộc bầu cử sơ bộ của đảng này tại bang New York vì lo ngại những rủi ro liên quan đến đại dịch COVID-19. Một lý do khác khiến hội đồng bầu cử cho rằng sự kiện này không quá cần thiết là bởi vì Thượng nghị sĩ Bernie Sanders đã rút lui và ứng cử viên duy nhất ra tranh cử tổng thống trong tháng 11 là ông Joe Biden. New York là tiểu bang đầu tiên tại Mỹ đưa ra quyết định như vậy.
Cùng ngày, bang New York ghi nhận 337 ca tử vong vì COVID-19, thấp hơn 30 ca so với ngày 26-4, và là mức thấp nhất kể từ đầu tháng 4 đến nay. Số liệu tiếp tục cho thấy những tín hiệu tích cực về việc đại dịch COVID-19 đang diễn biến chậm lại ở bang New York. Hiện nay, Thống đốc Andrew Cuomo đang bàn bạc với người đồng cấp bang New Jersey lân cận để lên kế hoạch mở cửa trở lại hoạt động của toàn bộ khu vực này trong thời gian tới
Theo kết quả một cuộc thăm dò mới của AP-NORC, tỉ lệ ủng hộ cho việc bỏ phiếu qua thư đang tăng lên khi nhiều tiểu bang đang phải vật lộn với cách tổ chức bầu cử một cách an toàn trong bối cảnh sự bùng phát của đại dịch COVID-19. Kết quả cuộc khảo sát cho thấy 39% người Mỹ tán thành việc chỉ tổ chức bầu cử bằng thư, tăng 20 điểm phần trăm so với một cuộc khảo sát tương tự vào năm 2018. Trong khi đó, cũng có tới 40% số người được hỏi phản đối về khả năng tiến hành bỏ phiếu bầu cử hoàn toàn bằng thư.
Hiện nay, 5 tiểu bang gồm Oregon, Washington, Hawaii, Utah và Colorado đã tổ chức các cuộc bầu cử gần như hoàn toàn bằng thư. Trong khi đó, 33 tiểu bang và Washington D.C cho phép cử tri lựa chọn. Bỏ phiếu qua thư được "sẵn sàng" trong một số trường hợp ở 16 tiểu bang khác.
Cùng ngày, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã kêu gọi một số thống đốc bang xem xét việc mở lại các trường học trong phần còn lại của năm học, trái ngược với một số khuyến nghị gần đây của chính phủ liên bang.
Italy mở cửa lại doanh nghiệp trong tuần tới
Tại Italy, Thủ tướng Giuseppe Conte cam kết sẽ mở lại các trường học vào tháng 9, đồng thời sẽ cho phép các doanh nghiệp hoạt động trở lại ngay trong tuần sau khi dừng lệnh phong tỏa toàn quốc.
Cùng ngày, các công tố viên tại thành phố Bergamo, miền Bắc Italy, ngày 27-4 đã mở cuộc điều tra về việc xử lý dịch COVID-19 tại đây. Bergamo, thuộc tỉnh Lombardy, nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch tại Italy, là một trong những vùng đầu tiên áp dụng lệnh giới hạn để ngăn ngừa virus lây lan.
Cuộc điều tra được tiến hành sau khi một cư dân Bergamo có cha tử vong vì COVID-19 đã lập một group Facebook, thu hút 48.000 thành viên, kêu gọi điều tra nhằm công bố "sự thật về những gì thực sự xảy ra" trong cách xử lý dịch ở thời kỳ đầu. Trong khi đó, ANAAO, một nghiệp đoàn bác sĩ cũng đệ đơn khiếu nại chính thức lên các công tố viên ở 10 vùng thuộc Italy về tình trạng thiếu thiết bị bảo hộ cho nhân viên y tế. Đến nay 150 bác sĩ Italy đã tử vong vì COVID-19.
Anh cho phép người dân chất vấn bộ trưởng về dịch COVID-19
Ngày 27-4, Chính phủ Anh thông báo sẽ cho phép người dân có cơ hội chất vấn các bộ trưởng, giới chức quản lý về khoa học và y tế về những vấn đề xung quanh dịch COVID-19. Theo đó, bất cứ ai cũng có thể đặt câu hỏi trên trang web chính phủ https://www.gov.uk/ask miễn là họ trên 18 tuổi và câu hỏi sẽ được xem xét vào giữa ngày trong ngày họp báo. Chỉ một câu hỏi sẽ được lựa chọn mỗi ngày và nếu được lựa chọn, người đặt câu hỏi sẽ được liên lạc vào 15h chiều.
Cùng ngày, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã lần đầu tiên xuất hiện trước công chúng sau gần một tháng điều trị bệnh COVID-19. Phát biểu trước Văn phòng Thủ tướng ở phố Downing, Thủ tướng Johnson cho biết người dân Anh "đang bắt đầu xoay ngược tình thế" trong cuộc chiến chống COVID-19, song ngụ ý rằng sẽ không dỡ bỏ ngay lệnh phong tỏa. Thay vào đó, Chính phủ Anh sẽ đề ra kế hoạch nới lỏng lệnh phong tỏa, đồng thời cảnh báo rằng việc này đòi hỏi những quyết định đầy khó khăn.
Tính đến 6 giờ ngày 28-4 (theo giờ Việt Nam), Anh đã ghi nhận 157.149 ca mắc COVID-19, trong đó có 21.092 ca tử vong.
Tây Ban Nha: Hơn 100.000 người đã bình phục
Tình hình dịch COVID-19 tại Tây Ban Nha tiếp tục có những diễn biến tích cực khi Bộ Y tế nước này ngày 27-4 thông báo đã có hơn 100.000 người bình phục.
Tây Ban Nha đang dần nới lỏng dần các biện pháp phong tỏa được áp đặt nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Theo đó, các nhà máy và công ty bắt đầu mở cửa trở lại. Ngoài ra, ngày 26/4, lần đầu tiên sau 6 tuần, trẻ em Tây Ban Nha được phép ra khỏi nhà đi dạo phố. Trẻ em dưới 14 tuổi được phép rời nhà trong 1 giờ với sự giám sát của người lớn và không được phép đi quá phạm vi 1 km tính từ nhà và mỗi ngày chỉ ra khỏi nhà một lần trong cung giờ từ 9h00 sáng đến 21h00.
Đức kêu gọi các bang thận trọng dỡ bỏ hạn chế
Bộ trưởng Kinh tế Đức Peter Altemaier ngày 27-4 đã hối thúc chính quyền 16 bang thận trọng trong việc gỡ bỏ các biện pháp hạn chế nhằm tránh để dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 lây lan hơn nữa - điều có thể buộc nền kinh tế lớn nhất Liên minh châu Âu tái áp đặt các biện pháp phong tỏa để phòng chống đại dịch này.
Các ký hiệu và đường kẻ phân chia khoảng cách nhằm thực hiện giãn cách xã hội phòng dịch COVID-19 tại một siêu thị ở Berlin, Đức ngày 9/4/2020. Ảnh: THX/TTXVN
Theo hệ thống chính trị phi tập trung của Đức, chính quyền các bang có quyền thực hiện và hủy bỏ các biện pháp giãn cách xã hội mà chính quyền liên bang đưa ra để ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2. Hiện Thủ tướng Angela Merkel đang chịu nhiều sức ép từ các doanh nghiệp Đức trong việc nới lỏng hơn nữa các biện pháp hạn chế.
Đến 6 giờ sáng 28-4 (giờ VN), Đức ghi nhận 158.434 ca dương tính với virus SARS-CoV-2 và tổng cộng 6.061 ca tử vong do COVID-19, thấp hơn nhiều so với các nước châu Âu khác như Italy, Tây Ban Nha, Pháp và Anh.
Cũng trong nỗ lực khôi phục hoạt động kinh tế, hãng Volkswagen - nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới, đã khởi động lại nhà máy lớn nhất ở miền Bắc nước Đức trong ngày 27/4. Thông báo của Volkswagen cho biết 8.000 công nhân đã đi làm trở lại trong điều kiện đảm bảo vệ sinh nghiêm ngặt. Công ty dự kiến trong tuần này sẽ sản xuất 1.400 chiếc ôt ô, và tuần tới công suất sẽ đạt trên 6.000 chiếc.
Nhân viên làm việc trên dây chuyền sản xuất tại nhà máy Volkswagen ở Wolfsburg, Đức ngày 27/4/2020. Ảnh: Getty Images
Khắp Châu Âu nới phong toả
Pháp cũng đang lên kế hoạch dừng các biện pháp phong tỏa. Thủ tướng Edouard Philippe cho biết sẽ đưa ra chiến lược quốc gia nhằm chấm dứt lệnh phong tỏa áp đặt từ ngày 17-3. Chiến lược sẽ được công bố sau cuộc thảo luận và bỏ phiếu tại quốc hội trong ngày 28-4.
Chính quyền Pháp đã nêu rõ 17 ưu tiên để từng bước đưa đất nước trở về trạng thái bình thường, theo tiến độ được kiểm soát kể từ ngày 11-5. Sau khi các trường học, công ty, giao thông công cộng được hoạt động trở lại, việc cung cấp khẩu trang, nước diệt khuẩn, xét nghiệm và hỗ trợ người cao tuổi sẽ được chú trọng. Đến ngày 27-4 (6h00 ngày 28-4 - giờ VN), Pháp ghi nhận 165.842 ca mắc bệnh (tăng 3.742 ca so với một ngày trước) và 23.293 ca tử vong do COVID-19 (tăng 437 ca).
Người dân mua sắm tại chợ đường phố ở Armentieres, Pháp ngày 17/4/2020. Ảnh: THX/TTXVN
Đối với Bỉ, chính phủ nước này đã đưa ra kế hoạch rõ ràng về việc gỡ lệnh phong tỏa trong những ngày tới. Từ ngày 11-5, gần như tất cả các hoạt động thương mại có thể sẽ được hoạt động trở lại. Từ ngày 18-5, các trường học sẽ từng bước được mở cửa trở lại.
Trong ngày 27-4, Na Uy đã mở lại các trường tiểu học cơ sở trong nỗ lực hướng tới dần trở lại nhịp sống bình thường cho dù một số bậc phụ huynh tiếp tục bày tỏ lo ngại khi cho con đi học trở lại. Các học sinh từ 6 đến 10 tuổi đã bắt đầu quay trở lại trường học sau 6 tuần học trực tuyến ở nhà. Tuy nhiên, mỗi lớp chỉ được phép có số học sinh tối đa là 15 em. Một tuần trước đó, các trường mầm non, mẫu giáo ở Na Uy đã mở cửa trở lại. Tuy nhiên, một số phụ huynh cho rằng việc đi học như vậy là quá sớm với lý do một số nhân viên ở trường mẫu giáo có xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 kể từ khi họ trở lại làm việc hồi tuần trước.
Tại Cộng hòa Séc, Bộ trưởng Nội vụ Jan Hamacek thông báo kể từ ngày 27-4, công dân châu Âu có thể tới nước này, nhưng không được lưu trú quá 3 ngày.
Tại Hungary, Thủ tướng Viktor Orban thông báo sẽ công bố các biện pháp để từng bước gỡ lệnh phong tỏa nhằm phục hồi nền kinh tế vào đầu tuần này. Tuy nhiên, theo ông Orban, người già và người có tiền sử bệnh lý cần phải tiếp tục ở nhà.
Nga: Trên 2.000 người trong quân đội nhiễm virus
Nga xác nhận có trên 2.000 người trong quân đội đã nhiễm virus SARS-CoV-2. Ảnh: CNN
CNN dẫn nguồn Bộ Quốc phòng Nga ngày 27-4 cho biết quân đội nước này đã xác định 2.090 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trong lực lượng quân nhân, học viên quân sự và nhân viên quốc phòng dân sự. Đa số các bệnh nhân không xuất hiện triệu chứng.
Trong những tuần qua xuất hiện nhiều thông tin về việc dịch COVID-19 bùng phát trong các học viện quân sự của Nga, thậm chí lây cả cho binh sĩ dự định tham gia cuộc diễu binh Ngày Chiến thắng 9-5 tại Moskva. Tuần trước Giám đốc Học viện quân y Korov đã bị kỷ luật vì không thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch.
Trong khi đó, Iran cùng ngày thông báo nước này ghi nhận 96 ca tử vong do dịch COVID-19 trong 24 giờ qua, nâng tổng số trường hợp không qua khỏi tại quốc gia Hồi giáo này lên 5.806 người. Trong khi đó, số ca nhiễm trong ngày 27-4 được ghi nhận là 991 trường hợp, lần đầu tiên tăng dưới 1.000 ca trong hơn 1 tháng qua. Hiện tổng số ca được xác nhận mắc COVID-19 ở Iran là 91.472 người.
Người dân đeo khẩu trang và mặt nạ phòng lây nhiễm COVID-19 tại Tehran, Iran ngày 24/4/2020. Ảnh: THX/ TTXVN
Cũng trong ngày 27-4, Bộ Y tế liên bang Ấn Độ thông báo có 58 ca tử vong do COVID-19, trong khi số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 tăng 1.561 ca. Như vậy, tổng số ca tử vong và ca mắc COVID-19 tại Ấn Độ hiện lần lượt là 939 và 29.451 trường hợp. Lệnh phong tỏa tại Ấn Độ áp đặt vào ngày 25-3 và đã được kéo dài tới ngày 3-5.
Ngôi làng Thannermukkom phát 10.000 chiếc ô cho dân để giúp giãn cách xã hội. Ảnh: CNN
Thổ Nhĩ Kỳ viện trợ chống dịch cho Mỹ
Ngày 27-4, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan thông báo Ankara sẽ gửi viện trợ y tế tới Mỹ nhằm hỗ trợ cuộc chiến chống dịch COVID-19 tại quốc gia đồng minh trong khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) này. Dự kiến trong ngày 28-4, máy bay vận tải quân sự Thổ Nhĩ Kỳ mang theo những vật tư y tế như khẩu trang, bộ đồ bảo hộ, thuốc khử trùng.. sẽ khởi hành tới Washington.
Ông Erdogan cũng ban bố áp đặt lệnh phong tỏa trong ba ngày tại 31 tỉnh kể từ ngày 1-5 trong nỗ ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2. Lệnh giới nghiêm trong những ngày cuối tuần cũng sẽ được áp đặt cho đến khi kết thúc lễ Eid al-Fitr vào cuối tháng 5 tới.
Theo trang worldometers, đến 6 giờ sáng 28-4, Thổ Nhĩ Kỳ ghi nhận 112.261 trường hợp nhiễm bệnh và 2.900 ca tử vong do COVID-19.
Nhật Bản mở rộng danh sách cấm nhập cảnh
Ngày 27-4, Thủ tướng Shinzo Abe cho biết Nhật Bản sẽ đưa thêm 14 nước vào diện tạm cấm nhập cảnh công dân nước ngoài trong nỗ lực khống chế sự lây lan của dịch bệnh COVID-19. Lệnh cấm có hiệu lực từ ngày 29-4 tới, áp dụng với các công dân thuộc 14 nước trong vòng 2 tuần, trong đó có Nga, Ukraine, Belarus, Saudi Arabia, Qatar, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Kuwait, Oman, Djibouti, Peru. Như vậy, để ngăn dịch COVID-19 lây lan, Nhật Bản đến nay cấm nhập cảnh đối với các công dân đến từ tổng cộng 87 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Theo thống kê mới nhất của Bộ Y tế Nhật Bản, nước này trong ngày 27-4 ghi nhận 144 ca mắc COVID-19, nâng tổng số ca lên 13.585, chưa bao gồm 712 trường hợp trên du thuyền Diamond Pricess. Số ca tử vong tại Nhật Bản hiện là 372 người.
Đông Nam Á: Trên 40.000 ca nhiễm virus SARS-CoV-2
Singapore ngày 27-4 ghi nhận 799 ca dương tính với SARS-CoV-2 , giảm so với con số 931 ca một ngày trước đó, nâng tổng số ca nhiễm lên 14.423. Số người tử vong tăng thêm 2 và hiện là 14, trong khi 1.060 người đã hồi phục. Trong số ca nhiễm mới, chỉ có 14 người là công dân Singapore và thường trú nhân, còn lại là lao động nhập cư sống trong các ký túc xá. Quốc đảo 5,7 triệu dân là vùng dịch lớn nhất Đông Nam Á, đồng thời là một trong những nước có tỷ lệ lây nhiễm cao nhất châu Á.
Indonesia là nước có tỉ lệ tử vong do COVID-19 cao nhất Đông Nam Á và cao thứ ba tại châu Á, sau Trung Quốc, Iran. Ảnh: Reuters
Indonesia thông báo có 214 ca nhiễm trong ngày 27-4, nâng số ca COVID-19 lên 9.096. Nước này hiện ghi nhận 765 người tử vong, tăng 22 trường hợp trong 24 giờ qua. Quan chức chính phủ Indonesia cùng ngày bày tỏ hy vọng cuộc sống của người dân sẽ trở lại bình thường vào tháng 7.
Philippines - vùng dịch lớn thứ ba Đông Nam Á - ghi nhận 198 ca nhiễm và 10 ca tử vong trong ngày 27-4, nâng tổng số ca mắc bệnh và tử vong lên lần lượt 7.777 và 511. Bộ Y tế nước này thông báo có 932 bệnh nhân đã hồi phục.
Cùng ngày, Malaysia ghi nhận có 5.820 ca nhiễm và 99 ca tử vong. Chính phủ Malaysia đã áp lệnh phong tỏa toàn quốc, đi kèm với loạt biện pháp cách biệt cộng đồng để kiềm chế đại dịch.
Thái Lan ngày 27-4 báo cáo 9 ca mắc bệnh và lần đầu không ghi nhận ca nhiễm mới ở thủ đô Bangkok kể từ khi COVID-19 xuất hiện hồi tháng 1-2020. Tổng số ca mắc COVID-19 ở nước này hiện là 2.931, trong đó 52 người đã tử vong. Phát ngôn viên Chính phủ Thái Lan tuyên bố tình trạng khẩn cấp nhằm ứng phó COVID-19 được ban bố từ ngày 26-3 sẽ gia hạn đến cuối tháng 5, song một số hạn chế với doanh nghiệp và các hoạt động công cộng sẽ được nới lỏng.
New Zealand tuyên bố chiến thắng COVID-19
Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern ngày 27-4 tuyên bố nước này đã ngăn chặn thành công tình trạng lây lan rộng của dịch COVID-19 trong cộng đồng và sẽ bắt đầu nới lỏng lệnh phong tỏa từ đêm 27-4.
Thủ tướng Jacinda Ardern phát biểu tại Quốc hội ngày 27-4, tuyên bố chiến thắng dịch COVID-19. Ảnh: Getty Images
Thủ tướng Ardern khẳng định New Zealand đã tránh được “kịch bản xấu nhất” nhưng phải tiếp tục cảnh giác chống lại đại dịch. Theo kế hoạch, từ đêm 27-4, New Zealand dỡ bỏ các hạn chế cấp độ 4 đã được thực hiện trong hơn 4 tuần qua, bao gồm lệnh đóng cửa hầu hết các doanh nghiệp và tất cả các trường học và yêu cầu người dân ở trong nhà, ngoại trừ việc đi chợ và tập thể dục trong phạm vi gần nhà. Chính phủ đã chuyển sang áp dụng các hạn chế ở cấp độ 3, theo đó cho phép các cửa hàng bán lẻ và các nhà hàng hoạt động trở lại với một số hạn chế. Từ ngày 29-4, các trường học sẽ mở cửa tiếp nhận các học sinh không có điều kiện học ở nhà hoặc cha mẹ bắt đầu đi làm trở lại. Dự kiến 1 triệu người New Zealand sẽ quay lại làm việc vào ngày 28-4.
Tính đến 6h00 sáng 28-4 (theo giờ VN), New Zealand ghi nhận 1.469 ca mắc COVID-19, trong đó 80% bệnh nhân đã hồi phục và 19 ca tử vong.
HĐBA LHQ nhất trí tổ chức hội nghị thượng đỉnh trực tuyến
Ngày 27-4, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov thông báo các thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã nhất trí tổ chức hội nghị thượng đỉnh trực tuyến theo đề xuất của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Theo kế hoạch, tại hội nghị, 5 nước ủy viên thường trực của HĐBA sẽ thảo luận về các biện pháp hòa bình và an ninh quốc tế. Trước đó, Tổng thống Putin đã một vài lần đề nghị các nhà lãnh đạo của 5 nước ủy viên thường trực trong HĐBA gồm Anh, Nga, Pháp, Trung Quốc và Mỹ cùng thảo luận về dịch COVID-19.
Theo THU HẰNG (Báo Tin Tưc)