Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Canberra, Australia ngày 20-3-2020. Ảnh: THX/TTXVN
Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 15-4 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu là 1.991.799 trường hợp, trong đó số ca tử vong là 126.019 người.
Đến nay, đại dịch COVID-19 đã tấn công 210 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 467.187 bệnh nhân COVID được điều trị khỏi bệnh, trong khi vẫn còn tới 51.655 người đang trong tình trạng nguy kịch.
Mỹ dường như đang tiệm cận tới gần giai đoạn đỉnh dịch khi chứng ngày thứ 6 liên tiếp có số người thiệt mạng vì COVID-19 ở mức trên 1.000 người. Trong khi đó, tại châu Âu, Anh và Pháp đang nổi lên thay Italy là hai tâm dịch mới khi liên tiếp ghi nhận số ca bệnh và ca tử vong mới tăng mạnh trong mấy ngày gần đây.
Về số lượng người thiệt mạng vì virus SARS-CoV-2, xếp sau Mỹ lần lượt là Italy, Tây Ban Nha, Pháp và Anh.
Tại Mỹ, tính đến 6h sáng 15-4 (theo giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm SARS-CoV-2 trên toàn nước Mỹ đã lên tới 611.156 người, trong đó có 25.924 ca tử vong, 38.077 bệnh nhân đã bình phục và 12.828 ca đang trong tình trạng nguy kịch. Trong 1 ngày qua, nước Mỹ ghi nhận thêm 2.248 ca tử vong và 24.215 ca mắc bệnh mới.
New York tiếp tục là nơi bị thiệt hại nặng nề nhất, chiếm trên 48% số ca mắc bệnh của toàn nước Mỹ. Bang New York ghi nhận 671 ca tử vong mới, giảm 87 ca so với 24 giờ trước đó. Đây là mức giảm nhiều nhất trong một tuần dù đại dịch COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của trên 10.000 người tại tiểu bang này.
Thống đốc bang New York Andrew Cuomo ngày 14-4 nói rằng ông từ chối bất kỳ mệnh lệnh nào của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc mở cửa trở lại nền kinh tế, trước khi tình hình đủ an toàn để thực hiện điều này mà không gây ra nguy cơ khiến dịch bệnh bùng phát trở lại.
Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình CNN, Thống đốc Cuomo nêu rõ: “Nếu Tổng thống ra lệnh cho tôi mở cửa trở lại theo cách thức mà có thể gây nguy hại cho sức khỏe của cộng đồng tại bang New York, tôi sẽ không làm như vậy”. Ông cho rằng bất kỳ việc mở cửa trở lại nào phải diễn ra theo từng giai đoạn và mất vài tháng để hoàn tất. Xét nghiệm rộng rãi là chìa khóa để khởi động lại nền kinh tế thành công. Trước đó, ông Cuomo cùng với thống đốc của 6 bang khu vực Đông Bắc nước Mỹ hôm 13-4 nói rằng họ sẽ xây dựng một kế hoạch khu vực để từng bước dỡ bỏ các hạn chế giãn cách xã hội.
Trong khi đó, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) ngày 14-4 đã cho phép tiến hành xét nghiệm nước bọt để chẩn đoán mắc bệnh COVID-19 đối với các trường hợp khẩn cấp. Trong thông cáo báo chí, trường Đại học Rutgers, nơi đang làm các xét nghiệm trên cùng một số nhóm nghiên cứu khác, cho biết đã nhận được ủy quyền của FDA cho phép sử dụng xét nghiệm mới. Đây là xét nghiệm với nước bọt đầu tiên nhận được sự ủy quyền sử dụng của FDA.
Thông cáo nêu rõ việc sử dụng nước bọt để chẩn đoán nhiễm virus SARS-CoV-2 có thể nâng cao khả năng xét nghiệm trên toàn nước Mỹ. Cho tới nay, việc tiến hành xét nghiệm được thực hiện thông qua lấy gạc mũi hoặc hầu họng.
Tại châu Âu, giới chức y tế cho biết Tây Ban Nha dường như đã vượt qua đỉnh dịch sau khi ghi nhận mức tăng số ca tử vong cao nhất trong ngày (950 ca) vào ngày 2/4 vừa qua. Mặc dù số ca tử vong do COVID-19 ở Tây Ban Nha đã vượt ngưỡng 18.000 người, song số ca nhiễm mới trong ngày giảm xuống mức thấp nhất kể từ khi nước này áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc vào tháng trước.
Tới ngày 15-4, quốc gia nằm trên bán đảo Iberia này ghi nhận tổng cộng 172.541 ca mắc bệnh, tăng 2.242 trường hợp so với 1 ngày trước; 18.056 trường hợp tử vong, tăng 300 ca so với ngày 14-4. Như vậy, Tây Ban Nha đã trở thành quốc gia có số ca tử vong do COVID-19 cao thứ 3 trên thế giới, sau Mỹ và Italy.
Tây Ban Nha đang cân nhắc thận trọng nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội. Từ ngày 13-4, công nhân làm việc tại các nhà máy và công trường xây dựng ở nước này đã trở lại làm việc sau khi lệnh hạn chế đi lại kéo dài 2 tuần hết hạn.
Tại Anh, Bộ Y tế nước này thông báo số ca tử vong do mắc COVID-19 là 12.107 người, tăng 778 ca so với một ngày trước đó. Trong số 302.599 người được xét nghiệm, có 93.873 trường hợp có kết quả dương tính với SARS-CoV-2, tăng thêm 5.252 trường hợp. Với 778 trường hợp, Anh là nước chứng kiến số ca tử vong mới nhiều thứ hai thế giới trong vòng 1 ngày qua.
Sân bay nhộn nhịp nhất châu Âu Heathrow tại Anh dự báo lượng hành khách sẽ giảm hơn 90% trong tháng 4-2020, khi các biện pháp nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch COVID-19 đã hạn chế các hoạt động đi lại. Theo dự báo, chỉ có 10% (khoảng 680.000 người) vẫn sử dụng sân bay Heathrow trong tháng này. Họ chủ yếu là người Anh về nước sau khi bị mắc kẹt ở nước ngoài hoặc là công dân nước ngoài hồi hương, cũng như các chuyên gia y tế đi làm nhiệm vụ hỗ trợ trong cuộc khủng hoảng COVID-19. Lượng hành khách trong tháng 3-2020 đã giảm 52% so với cùng kỳ năm ngoái, khi chỉ có 3,1 triệu người đi du lịch hoặc đi công tác, so với con số 6,5 triệu của tháng 3-2019.
Văn phòng Trách nhiệm Ngân sách (OBR), cơ quan giảm sát tài chính công của Anh, công bố số liệu cho biết kinh tế Anh có thể giảm 13% trong năm 2020 nếu lệnh phong tỏa chống dịch bệnh COVID-19 kéo dài 3 tháng.
Cảnh sát tuần tra tại Paris, Pháp ngày 7-4-2020 khi lệnh phong tỏa toàn quốc do dịch COVID-19 được ban bố. Ảnh: THX/TTXVN
Pháp trong vòng 24h qua cũng ghi nhận số ca tử vong vì virus SARS-CoV-2 tăng mạnh, với 762 trường hợp. Bộ Y tế Pháp cho hay, tính đến sáng 15-4, dịch COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của 15.729 người tại nước này, trong khi tổng số ca mắc bệnh tăng lên 143.303, tăng 6.524 trường hợp so với 1 ngày trước.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã công bố quyết định kéo dài lệnh phong tỏa toàn quốc đến 11-5. Phát biểu trên truyền hình, ông Macron đã nhấn mạnh rằng nước Pháp "đang sống trong những ngày khó khăn". Ông thừa nhận rằng Pháp "rõ ràng đã không chuẩn bị đầy đủ" cho đại dịch COVID-19. Tình trạng thiếu khẩu trang, đồ bảo hộ y tế và gel rửa tay khô vẫn đang tiếp diễn.
Cảnh vắng vẻ tại các tuyến phố ở Paris, Pháp ngày 6-4-2020 khi lệnh phong tỏa toàn quốc do dịch COVID-19 được ban bố. Ảnh: THX/TTXVN
Tuy nhiên, nỗ lực của toàn xã hội cũng đem đến một số thành công, như số giường hồi sức tích cực đã tăng gấp đôi so với trước, hợp tác tốt trong việc vận chuyển bệnh nhân nặng bằng các phương tiện đặc biệt như trực thăng quân sự, tàu hỏa cao tốc hay xe buýt liên tỉnh, mạng lưới giáo dục trực tuyến hoạt động hiệu quả, tăng cường tình đoàn kết và tinh thần hỗ trợ giữa người dân, đưa trở về nước hàng chục ngàn công dân Pháp bị mắc kẹt ở nước ngoài khi đại dịch bùng phát.
Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire ngày 14-4 cho biết Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của quốc gia châu Âu này dự kiến sụt giảm khoảng 8% trong năm nay như là hệ quả của đại dịch COVID-19. Cùng ngày, Bộ trưởng Ngân sách Gerald Darmanin cũng cho biết thâm hụt ngân sách của nước này trong năm 2020 thậm chí sẽ bị đẩy lên ở mức 9% GDP và nợ công sẽ tăng từ mức gần 100% GDP trong 2019 lên mức 115% GDP trong năm 2020. Đây chính là hậu quả trực tiếp của những gói cứu trợ kinh tế khổng lồ mà Chính phủ Pháp buộc phải tung ra để cứu vãn nền kinh tế trong bối cảnh mọi hoạt động thương mại bị ngừng trệ do lệnh phong tỏa đất nước.
Bệnh nhân mắc COVID-19 được điều trị tại một bệnh viện ở Rome, Italy ngày 9-4-2020. Ảnh: THX/TTXVN
Italy vẫn là quốc gia châu Âu có số ca tử vong vì COVID-19 cao nhất, với 21.067 trường hợp, tăng 602 ca so với ngày 14-4. Tổng số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 tại quốc gia Nam Âu này hiện là 162.448 ca, tăng 2.972 trường hợp. Tuy nhiên, số liệu cho thấy dường như Italy đã qua đỉnh dịch, khi số người chết và mắc bệnh mới đi vào chu kỳ giảm.
Tại Bỉ, giới chức y tế Bỉ đã xác nhận thêm 254 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong lên thành 4.157 người. Trong vòng 24 giờ qua, Bỉ cũng đã ghi nhận thêm 530 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc lên thành 31.119 người. Số bệnh nhân hồi phục là 6.868 người.
Trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình Bỉ RTL, chuyên gia về virus Marc Van Ranst, thành viên nhóm cố vấn chiến lược giải quyết khủng hoảng y tế do virus SARS-Cov-2 của Bỉ, cho rằng việc quy định đeo khẩu trang nơi công cộng là cần thiết trong thời điểm gỡ lệnh phong tỏa tại nước này. Ông cảnh báo việc nhiều người dân không tuân thủ lệnh phong tỏa sẽ có nguy cơ làm dịch bệnh bùng phát trở lại.
Tổng thống Nga Vladimir Putin trong một cuộc họp trực tuyến tại Moskva, Nga ngày 13-4-2020. Ảnh: THX/ TTXVN
Tại Nga, Ban chỉ đạo phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 của Nga cho biết trong vòng 24 giờ qua nước này ghi nhận thêm 2.774 ca nhiễm, mức tăng cao kỷ lục tính trong 1 ngày. Tổng số ca trên cả nước hiện là 21.102 người. Thủ đô Moskva vẫn là địa phương ghi nhận số ca nhiễm nhiều nhất với 1.489 ca trong một ngày qua, đưa tổng số ca ở thành phố này lên 13.002 ca, trong đó 1.016 người đã khỏi bệnh, 95 người tử vong.
Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng cần áp dụng các biện pháp “đặc biệt” để ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2. Ông nhấn mạnh việc đối phó với đại dịch chỉ có thể đạt được hiệu quả bằng cách kết hợp những nỗ lực của toàn cộng đồng quốc tế. Nga đang thúc đẩy chính cách tiếp cận này tại nhiều diễn đàn quốc tế khác nhau, trong đó có Liên hợp quốc (LHQ), Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) và Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20). Trong vấn đề trên, tất cả các nước cần hợp tác, do vậy Nga ủng hộ việc đưa ra một văn kiện chung về cuộc chiến chống COVID-19 do các thành viên Hội đồng Kinh tế Á-Âu (EAEU) soạn thảo.
Bộ Y tế Ukraine dẫn số liệu của Trung tâm Y tế cộng đồng cho biết tính nước này đã ghi nhận thêm 270 trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca nhiễm lên 3.372 trường hợp, trong đó có 98 người tử vong và có 119 bệnh nhân đã hồi phục.
Trong khi đó, cùng ngày Chính phủ Ba Lan thông báo nước này sẽ từng bước dỡ bỏ các biện pháp phong tỏa được áp đặt nhằm kiểm soát đà lây lan của dịch COVID-19 từ ngày 19-4 tới, bắt đầu với việc dỡ bỏ các hạn chế đối với các cửa hàng, trong bối cảnh nước này chuẩn bị tổ chức bầu cử tổng thống qua đường bưu điện vào ngày 10-5 tới.
Tại Australia, Thủ tướng Scott Morrison vừa tuyên bố nước này vẫn còn "rất nhiều tuần nữa" mới có thể nới lỏng các biện pháp hạn chế nhằm ứng phó với đại dịch COVID-19. Ông nêu rõ đang xem xét các điều kiện, cũng như cân nhắc để tránh phạm phải sai lầm trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19. Ông cũng khẳng định chính phủ liên bang, chính quyền các bang và vùng lãnh thổ sẽ tích cực làm việc để nâng cao chất lượng hệ thống y tế của Australia trước khi nới lỏng bất kỳ biện pháp hạn chế nào.
Ngày 14-4, Bộ Y tế New Zealand thông báo nước này đã ghi nhận thêm 4 ca tử vong do mắc COVID-19 trong 24 giờ qua. Đây là số tử vong do mắc COVID-19 cao nhất trong một ngày ở nước này.
Theo đó, đến nay New Zealand đã ghi nhận 9 ca tử vong do mắc COVID-19. Nước này cũng ghi nhận thêm 8 ca nhiễm mới và 9 ca nghi ngờ nhiễm trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm và nghi nhiễm trên cả nước lên 1.366.
Tại Nhật Bản, tới 6h sáng 15-4, Bộ Y tế nước này đã ghi nhận thêm 53 ca mới, nâng tổng số ca lên thành 7.744 ca. Đây là con số mới nhất sau một tuần Thủ tướng Shinzo Abe ban bố tình trạng khẩn cấp tại thủ đô Tokyo và 6 tỉnh khác. Tổng số ca tử vong tại Nhật Bản hiện ở mức 158 người, bao gồm cả những bệnh nhân từ du thuyền Diamond Princess, bị cách ly ngoài khơi thành phố Yokohama gần thủ đô Tokyo.
Ngày 14-4, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi xã hội Nhật Bản đã lần đầu tiên công bố cơ cấu độ tuổi bệnh nhân nhiễm và tử vong do virus SARS-CoV-2 tại nước này. Theo đó, tỷ lệ tử vong tăng ở nhóm bệnh nhân độ tuổi từ 80 đến 90 cao gấp 6 lần so với mức trung bình.
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc ngày 12-4-2020. Ảnh: THX/TTXVN
Tại Trung Quốc, Ủy ban Y tế Quốc gia (NHC) thông báo Trung Quốc đại lục đã ghi nhận thêm 89 ca nhiễm mới trong ngày 13-4, gồm 86 ca từ nước ngoài và 3 ca nhiễm nội địa đều ở tỉnh Quảng Đông. Như vậy, tổng số ca mắc COVID-19 "nhập khẩu" vào Trung Quốc đại lục tính đến hết ngày 13-4 là 1.464 ca, trong đó 559 ca đã được xuất viện, 905 ca đang được điều trị với 37 ca đang trong tình trạng nguy kịch. Không có ca tử vong nào trong số các ca nhiễm từ nước ngoài này.
Trong bối cảnh Trung Quốc đang nỗ lực hạn chế các ca nhiễm từ nước ngoài, nhà chức trách nước này đã phê duyệt cho phép thử nghiệm lâm sàng trên cơ thể người 2 loại vaccine đang trong giai đoạn thử nghiệm nhằm phòng ngừa dịch bệnh nguy hiểm trên. Hai loại vaccine này do công ty nghiên cứu và phát triển dược phẩm Sinovac có trụ sở ở Bắc Kinh phối hợp với Viện Sản phẩm sinh học Vũ Hán thuộc Tập đoàn Dược phẩm Quốc gia Trung Quốc (Sinopharm) sản xuất.
Lực lượng an ninh dựng các chốt để ngăn người dân di chuyển sang khu vực lân cận nhằm kìm chế sự lây lan của dịch COVID-19 tại Bangalore, Ấn Độ ngày 11-4-2020. Ảnh: THX/TTXVN
Ngày 14-4, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tuyên bố gia hạn phong tỏa cả nước thêm 21 ngày, đến ngày 3-5, để ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Ấn Độ đến nay đã xác nhận 10.453 ca nhiễm SARS-CoV-2, trong đó 358 ca tử vong.
Tại khu vực Trung Đông, Iran và Israel tiếp tục ghi nhận nhiều ca tử vong và nhiễm virus SARS-CoV-2.
Phun thuốc khử trùng nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại Tehran, Iran ngày 31-3-2020. Ảnh: THX/TTXVN
Người phát ngôn Bộ Y tế Iran thông báo trong 24 giờ qua, Iran ghi nhận thêm 1.574 ca mới, nâng tổng số ca lên 74.877 ca. Số ca tử vong là 4.683 ca, trong đó 24 giờ qua là 98 người. Đây là ngày đầu tiên nước này ghi nhận số ca tử vong về mức 2 con số. Cho tới nay đã có tổng cộng 48.129 người bình phục và được xuất viện, trong khi vẫn còn 3.691 ca trong tình trạng nguy kịch. Iran là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch COVID-19 ở khu vực Trung Đông.
Cũng trong ngày 14/4, Bộ Y tế Israel thông báo có thêm 282 ca mới, nâng tổng số ca lên 11.868 ca. Tổng số ca tử vong trên cả nước là 123 người. Bộ này cũng cho hay Israel đã có thêm 145 bệnh nhân hồi phục, nâng tổng số ca được chữa khỏi lên thành 2.000 người.
Giống như nhiều nước khác, Israel đã đóng cửa trường học, cơ sở kinh doanh, áp đặt lệnh hạn chế đi lại và nhiều biện pháp kiểm soát dịch mạnh tay khác.
Cảnh sát Israel đang triển khai các thiết bị bay không người lái (drone) để hỗ trợ ngăn chặn đại dịch COVID-19 lây lan cũng như cho phép nhân viên cảnh sát giữ khoảng cách an toàn đối với những người mắc bệnh.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch ASEAN 2020 phát biểu khai mạc Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN về ứng phó dịch bệnh COVID-19. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN
Tính tới sáng 15-4, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã có tổng cộng 21.526 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có 1.115 trường hợp mắc bệnh mới. Dịch COVID-19 đã khiến 932 người dân ở khu vực này thiệt mạng, tăng 87 trường hợp so với một ngày trước đó. Khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công tăng lên 5.586 trường hợp.
Trong vòng 24h qua, Thái Lan có số ca mắc COVID-19 mới nhiều nhất khu vực (334 người), trong khi Indonesia tiếp tục là điểm nóng nhất khi ghi nhận 60 ca tử vong mới. Tại ASEAN, Philippines đã vượt qua Malaysia để đứng đầu khu vực về tổng số ca mắc bệnh (5.223).
Trong tình hình đó, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã xúc tiến hai hội nghị quan trọng là Hội nghị trực tuyến Cấp cao Đặc biệt Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) về COVID-19 và Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN+3. Hai hội nghị đã thành công tốt đẹp khi các nhà lãnh đạo khu vực ra được các tuyên bố chung nhấn mạnh tinh thần đoàn kết, tầm nhìn và quyết tâm chung trong nỗ lực ngăn chặn đại dịch COVID-19.
Theo THANH TUẤN (Báo Tin Tức)