Diễn đàn Báo chí toàn quốc năm 2024: Bàn thảo về thách thức và cơ hội của báo chí

15/03/2024 - 19:11

Chiều 15/3, tại Thành phố Hồ Chí Minh đã diễn ra lễ khai mạc Diễn đàn Báo chí toàn quốc năm 2024. Diễn đàn gồm 12 phiên họp, trong đó có 2 phiên toàn thể khai mạc, bế mạc và 10 phiên thảo luận với các chủ đề hấp dẫn, gắn với mối quan tâm hàng đầu của các cơ quan báo chí và cơ quan quản lý báo chí.

Tới dự lễ khai mạc có đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Trần Lưu Quang, Phó Thủ tướng Chính phủ; Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Phan Văn Mãi, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh; Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số.

Cùng dự còn có các đồng chí Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam; Trần Trọng Dũng, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cùng đại diện các cơ quan báo chí, quản lý báo chí, lãnh đạo các cơ quan, ban ngành, doanh nghiệp, đại diện các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương, Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương.

Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước tham dự lễ khai mạc Diễn đàn Báo chí toàn quốc năm 2024.

Báo chí cách mạng Việt Nam đang chạm mốc 100 năm. Trải qua hành trình phát triển gần một thế kỷ, báo chí cách mạng Việt Nam ngày càng thể hiện rõ tính định hướng, đề cao sứ mệnh, trách nhiệm và nâng cao hiệu quả hoạt động, từng bước khẳng định tính chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại, đóng góp rất quan trọng vào thành tựu chung của đất nước, dân tộc.

Trong giai đoạn hiện nay, báo chí đã không ngừng đổi mới, sáng tạo, linh hoạt, hiệu quả, đẩy mạnh ứng dụng và làm chủ công nghệ truyền thông hiện đại với sự ra đời nhiều chương trình, sản phẩm mới, lan tỏa sâu rộng trên các nền tảng số, có hiệu ứng tốt trong xã hội.

Tuy nhiên, trước sự cạnh tranh ngày càng gay gắt từ các loại hình thông tin mới như mạng xã hội, hiện tại đang là thời điểm vô cùng khó khăn của báo chí thế giới cũng như báo chí Việt Nam do sự phát triển của công nghệ, sự thay đổi trong thói quen và hành vi tiêu dùng thông tin của công chúng, lại thêm cả sự phát triển tràn lan của thông tin giả, thông tin sai lệch khiến cho niềm tin của xã hội đối với báo chí bị giảm sút, trong khi đó nguồn thu quảng cáo càng ngày càng sụt giảm với mọi loại hình báo chí, kể cả điện tử. Báo chí mang lại thông tin hữu ích cho xã hội, nhưng vai trò quan trọng và sức mạnh hàng trăm năm qua đang bị đe dọa bởi những biến chuyển liên tục, đặc biệt trong khoảng 1 thập niên trở lại đây.

Quang cảnh lễ khai mạc Diễn đàn Báo chí Việt Nam năm 2024.

Thực tế cấp bách đó cũng chính là lý do, trong khuôn khổ Hội Báo toàn quốc 2024, Hội Nhà báo Việt Nam lần đầu tiên tổ chức Diễn đàn Báo chí toàn quốc. Diễn đàn sẽ diễn ra trong 2 ngày với 12 phiên họp, trong đó có 2 phiên toàn thể khai mạc và bế mạc và 10 phiên thảo luận với các chủ đề hấp dẫn, gắn với mối quan tâm hàng đầu của các cơ quan báo chí và cơ quan quản lý báo chí.

Tổ chức Diễn đàn Báo chí toàn quốc, Hội Nhà báo Việt Nam kỳ vọng đây sẽ là Diễn đàn thường niên bàn về các vấn đề liên quan đến đời sống báo chí đang được giới báo chí, truyền thông trong nước và quốc tế quan tâm đồng thời Diễn đàn cũng sẽ là điểm hẹn tăng cường giao lưu, gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm giữa lãnh đạo các cơ quan báo chí, lãnh đạo các cơ quan quản lý báo chí, những người làm báo cũng như các chuyên gia truyền thông, công nghệ.

ĐẦU TƯ VÀO CÔNG NGHỆ SỐ, NHÂN LỰC SỐ, DỮ LIỆU SỐ VÀ ĐỔI MỚI SÁNG TẠO LÀ ĐẦU TƯ VÌ TƯƠNG LAI BÁO CHÍ

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, đồng chí Phan Văn Mãi, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh vai trò quan trọng của báo chí cách mạng Việt Nam, khẳng định Thành phố Hồ Chí Minh luôn xem báo chí cách mạng là lực lượng cơ hữu đóng góp quan trọng cho sự phát triển của Thành phố.

Thông tin về tình hình kinh tế-xã hội của Thành phố Hồ Chí Minh cũng như những khó khăn mà Thành phố đang gặp phải, đồng chí Phan Văn Mãi bày tỏ mong muốn báo chí tiếp tục quan tâm hơn nữa, giúp Thành phố nhận diện rõ hơn các điểm nghẽn chiến lược, nhìn rõ hơn định hướng, giải pháp cho chặng đường phát triển sắp tới.

Đồng chí đề nghị đội ngũ những người làm báo tiếp tục đồng hành, góp ý cho Thành phố những cách làm mới, sáng tạo; đồng thời, có những phân tích, gợi ý thêm để làm sao khơi lên được các động lực bên trong giúp cho sự phát triển của Thành phố.

Đồng chí Phan Văn Mãi, Chủ tịch Ủy ban nhân dân phát biểu chào mừng Diễn đàn báo chí toàn quốc năm 2024.

Đồng chí Phan Văn Mãi cho biết, 2025 là năm kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước. Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành kế hoạch triển khai các hoạt động kỷ niệm, chào mừng, từ sáng tác văn học nghệ thuật đến phát động phong trào thi đua đặc biệt, triển khai các công trình, dự án…

Đồng chí mong muốn báo chí chung tay trong những hoạt động kỷ niệm này, không chỉ ở góc độ tuyên truyền, lan tỏa thông tin mà có thể tham gia trực tiếp, sâu hơn vào các hoạt động thiết thực chào mừng ngày lễ lớn của đất nước.

Phát biểu tại Diễn đàn, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết công nghệ số ảnh hưởng đầu tiên và mạnh mẽ nhất là đối với lĩnh vực báo chí, truyền thông và tạo ra sự thay đổi căn bản của lĩnh vực này. Không gian mạng bây giờ là trận địa chính, là trận chiến chính của báo chí. Nguồn thu chính của báo chí rồi cũng sẽ đến từ không gian mạng.

“Công nghệ số lấy đi một số việc cũ nhưng cũng tạo ra những việc mới. Vậy là báo chí phải làm những việc mới”, đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng nói và nêu rõ, đổi mới báo chí nằm ở chỗ báo chí phải làm hơn những gì mình đang làm. Báo chí cần một không gian rộng hơn là đưa tin “Ai, cái gì, khi nào và ở đâu”.

Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại sự kiện.

Báo chí muốn phát triển thì cần không gian mới, cần lực lượng sản xuất mới, cần nguồn lực sản xuất mới, cần yếu tố sản xuất mới và cần động lực mới. Không gian mới là không gian số. Lực lượng sản xuất mới là công nghệ số. Nguồn lực sản xuất mới là nhân lực số. Yếu tố sản xuất mới là dữ liệu số. Động lực mới là đổi mới sáng tạo số.

“Bởi vậy, đầu tư vào công nghệ số, nhân lực số, dữ liệu số và đổi mới sáng tạo số sẽ là đầu tư vì tương lai của báo chí”, đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông, những khó khăn và những vấn đề của báo chí gần đây không làm giảm đi vai trò của báo chí như một số người nghĩ , mà chỉ nói lên một điều là báo chí cần phải đổi mới. Không thay đổi thì sẽ bị thay thế.

Công nghệ số, internet và truyền thông xã hội là những cú huých mạnh mẽ để đổi mới báo chí. Sự đổi mới này sẽ chỉ làm tăng lên vai trò và sự đóng góp của báo chí cách mạng vào sự nghiệp xây dựng Việt Nam hùng cường và thịnh vượng.

Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, báo chí muốn đổi mới thì phải tìm về và giữ vững những giá trị cốt lõi và sứ mệnh ban đầu của báo chí cách mạng. “Giữ cái bất biến này để ứng vạn biến. Cái vạn biến này chính là cách mà chúng ta làm báo. Không gian sáng tạo vô hạn của chúng ta là ở đây. Công cụ để thực hiện sự sáng tạo vô hạn đó chủ yếu là công nghệ số”, đồng chí nhấn mạnh.

BÁO CHÍ VIỆT NAM ĐANG ĐỨNG TRƯỚC NHỮNG THÁCH THỨC VÀ CƠ HỘI LỚN

Đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nhận định hiện nay, báo chí đang đứng trước những thách thức cũng như cơ hội lớn.

Trình bày kết quả khảo sát được Hội Nhà báo Việt Nam thực hiện trong năm 2023, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam chỉ rõ xu hướng phát triển cũng như bức tranh toàn diện của nền báo chí Việt Nam hiện nay. Đồng chí cũng thẳng thắn chỉ ra những thách thức cũng như cơ hội lớn mà báo chí Việt Nam nói riêng, báo chí thế giới nói chung đang phải đối mặt.

Đồng chí Lê Quốc Minh trình bày tại sự kiện.

Thứ nhất, là sự xuất hiện của trí tuệ nhân tạo AI. Khẳng định, AI đang góp phần cải thiện công việc của nhà báo, đồng chí cũng cho rằng: AI mang lại tiềm năng to lớn cho thế giới và cho nghề báo, nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro, do đó, cần phải hết sức thận trọng. Nhiều tòa soạn lớn trên thế giới cũng có chung nỗi lo trước những rủi ro mà AI có thể mang lại, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất nội dung.

Thứ hai, hiện nay, báo chí thế giới cũng phải đối mặt với vấn nạn tin giả. Nhiều đối tượng đã sử dụng AI để bóp méo hình ảnh, tạo ra deep fake gây ra hậu quả nghiêm trọng.

Thứ ba, việc ngày càng có nhiều thiết bị mới xuất hiện đã và đang tạo ra cơ hội lớn cho báo chí phát triển.

"Trong năm 2024, chúng ta sẽ chứng kiến sự xuất hiện của những thiết bị mới ngoài điện thoại thông minh, sử dụng các cách thức tương tác như ra lệnh bằng giọng nói, chuyển động của mắt hoặc tay", đồng chí Lê Quốc Minh thông tin.

Đồng chí Lê Quốc Minh chỉ ra những thách thức cũng như cơ hội mà báo chí Việt Nam nói riêng, báo chí thế giới nói chung đang phải đối mặt.

Nói về những việc cần làm ngay trong thời gian tới, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng: Các cơ quan báo chí cần phải thúc đẩy để ban hành những quy định pháp lý nhằm bảo vệ tài sản trí tuệ của báo chí, để không bị sử dụng và phân tích bởi các hệ thống AI mà không có sự chấp thuận và không có đền bù tài chính thỏa đáng.

Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí cũng cần tìm ra thị trường ngách, thử nghiệm các mô hình kinh doanh mới. Cần xác định rõ đối tượng độc giả để có thể phát triển những mô hình kinh tế báo chí với biên lợi nhuận cao, người dùng trung thành hoặc mối quan hệ trực tiếp với các nhà quảng cáo cụ thể mà không bị lệ thuộc vào các nền tảng công nghệ.

Đồng chí gợi ý, ngoài quảng cáo, các cơ quan cần tìm kiếm các nguồn doanh thu khác, trong đó phải coi doanh thu từ độc giả phải được coi là chiến lược bền vững hàng đầu.

Tiếp theo, ưu tiên Digital nhưng không có nghĩa là ưu tiên mạng xã hội. Đồng chí cho rằng, đã đến lúc cần kéo độc giả trở lại với website của báo chí.

Thêm nữa, đồng chí cho rằng, báo in cần được nâng niu và đối xử như một sản phẩm cao cấp, mang lại những thông tin giá trị với chiều sâu cùng sự hiểu biết mà chỉ con người mới có thể mang lại.

Diễn đàn Báo chí Toàn quốc sẽ diễn ra trong 2 ngày với 12 phiên họp, trong đó có 2 phiên toàn thể khai mạc và bế mạc và 10 phiên thảo luận với các chủ đề hấp dẫn, gắn với mối quan tâm hàng đầu của các cơ quan báo chí và cơ quan quản lý báo chí. Tổ chức Diễn đàn Báo chí Toàn quốc, Hội Nhà báo Việt Nam kỳ vọng đây sẽ là Diễn đàn thường niên bàn về các vấn đề liên quan đến đời sống báo chí đang được giới báo chí, truyền thông trong nước và quốc tế quan tâm đồng thời Diễn đàn cũng sẽ là điểm hẹn tăng cường giao lưu, gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm giữa lãnh đạo các cơ quan báo chí, lãnh đạo các cơ quan quản lý báo chí, những người làm báo cũng như các chuyên gia truyền thông, công nghệ.

Theo Báo Nhân Dân