Điều hành phát triển thích ứng dịch bệnh Covid-19

27/04/2020 - 06:30

 - Do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của An Giang trong quý I-2020 tăng thấp hơn cùng kỳ năm 2019 (tăng 4,75% so mức tăng 6,1% của quý I-2019). Tuy nhiên, đây là mức tăng cao hơn so bình quân cả nước (chỉ tăng 3,82%). Trong bối cảnh khó khăn, cũng có những điểm sáng phát triển mà nếu tận dụng tốt, kinh tế - xã hội An Giang sẽ có điều kiện phục hồi nhanh sau dịch bệnh.

Nỗ lực vượt qua khó khăn

Theo đánh giá của Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) An Giang, tăng trưởng kinh tế (GRDP) quý I-2020 tuy chỉ đạt 4,75%, thấp hơn mức tăng cùng kỳ, nhưng là kết quả đáng ghi nhận trong bối cảnh ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19. Nổi bật trong đó là khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,82%, cao hơn cùng kỳ các năm trước (quý I-2019 tăng 3,01%).

Mặc dù căng sức phòng, chống dịch bệnh Covid-19, nhưng tỉnh vẫn nỗ lực duy trì phát triển kinh tế. Giá trị giải ngân vốn đầu tư xây dựng quý I đạt khoảng 1.027 tỷ đồng, đạt 20,9% kế hoạch năm 2020 (4.914,3 tỷ đồng), gần bằng tỷ lệ giải ngân cùng kỳ năm 2019 (21,3%). Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa quý I ước đạt 217,3 triệu USD, tăng 2,6% so quý I-2019. Tỉnh đã thu hút 12 dự án đầu tư mới (có 1 dự án đầu tư nước ngoài) với tổng vốn đăng ký 5.440 tỷ đồng, tuy giảm 1 dự án so cùng kỳ nhưng tổng vốn đăng ký đầu tư tăng đến 6,29 lần (tương đương 4.694 tỷ đồng).

Dù đạt nhiều kết quả tích cực nhưng theo đánh giá của các sở, ngành, quý II-2020, tác động của dịch bệnh Covid-19 còn nghiêm trọng hơn quý I, ảnh hưởng nhiều đến mục tiêu tăng trưởng của tỉnh. Trong đó, du lịch chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khi các khu, điểm du lịch chính tiếp tục dừng đón khách (quý I-2020 có khoảng 3 triệu lượt khách đến An Giang). Ngành công thương chịu tác động tiếp theo khi mà xuất khẩu khó khăn; doanh thu của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất giảm từ 50-60%, nhiều nơi đóng cửa hoặc hoạt động cầm chừng; doanh số hàng hóa, dịch vụ giảm từ 30-50% do hạn chế tập trung đông người…

Tận dụng cơ hội

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, UBND tỉnh đã giao Sở  KH&ĐT chủ trì, phối hợp các sở, ngành tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch điều hành phát triển kinh tế theo diễn biến dịch bệnh Covid-19 trong 3 quý còn lại của năm 2020 theo 3 phương án: dịch được khống chế trong quý II-2020; khống chế trong quý III-2020 và đến hết quý IV-2020, mới khống chế được dịch bệnh.

Hiện nay, An Giang đã được chuyển xếp hạng từ nhóm có nguy cơ sang nhóm các tỉnh, thành phố nguy cơ thấp. Trong khi đó, tình hình dịch bệnh Covid-19 trong nước đang được kiểm soát tốt. Do vậy, khả năng cao là dịch bệnh Covid-19 sẽ được khống chế ngay trong quý II-2020. Theo đánh giá của Sở KH&ĐT, nếu kịch bản này diễn ra thì ước tăng trưởng kinh tế (GRDP) 6 tháng đầu năm 2020 của tỉnh sẽ tăng khoảng 4,3% (cùng kỳ tăng 6%). Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,26% (cùng kỳ tăng 2,64%); khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 7,75% (cùng kỳ tăng 11,71%); khu vực dịch vụ tăng 4,66% (cùng kỳ tăng 7,02%); thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 5,29% (cùng kỳ tăng 4,48%). Cả năm 2020, GRDP ước tăng khoảng 4,5%.

Sở KH&ĐT cho rằng, khi dịch bệnh được khống chế hoàn toàn trong quý II-2020 thì trong nửa đầu quý III, các hoạt động kinh tế dần trở lại bình thường. Riêng các lĩnh vực thương mại, dịch vụ và du lịch vẫn còn dè dặt và chỉ dần hồi phục bắt đầu vào cuối quý III-2020. Sau khi kết thúc dịch bệnh, các hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) sẽ bắt đầu hoạt động trở lại.

Tuy nhiên, do tác động của dịch bệnh trước đó nên sẽ có rất nhiều DN (nhất là các DN nhỏ và vừa) phải gánh chịu nhiều thiệt hại về kinh tế và gặp nhiều khó khăn trong việc tái sản xuất - kinh doanh, dự kiến đến nửa cuối quý III mới dần hồi phục và hoạt động bình thường. Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu hàng hóa sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn do tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn còn diễn biến phức tạp.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình cho rằng, dù dịch bệnh Covid-19 gây nhiều thiệt hại về kinh tế nhưng với 1 tỉnh nông nghiệp như An Giang, lại có những điểm sáng phục hồi và phát triển, đặc biệt là ngành hàng lúa gạo. “Trong khi các khu vực khác đều tăng trưởng giảm thì có tín hiệu mừng là tăng trưởng nông nghiệp cao hơn cùng kỳ. Dự báo từ nay đến cuối năm 2020, tình hình dịch bệnh trên thế giới còn phức tạp thì nhu cầu lương thực vẫn tăng. Ngành nông nghiệp cần chủ động làm việc với các địa phương để đẩy mạnh tăng trưởng nông nghiệp, trước hết là tập trung bảo vệ ăn chắc vụ hè thu 2020, nghiên cứu lại mô hình 3 năm 8 vụ để tăng tối đa diện tích vụ lúa thu đông 2020, tận dụng cơ hội giá trị xuất khẩu gạo tăng, giá lúa tốt. Đối với chăn nuôi, cần phối hợp các tập đoàn, DN lớn cung ứng con giống tốt để tái đàn heo, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ thịt heo tăng…” - Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình lưu ý.

Để tận dụng cơ hội tăng trưởng KV1, Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Công thương phối hợp các sở, ngành tham mưu UBND tỉnh giải pháp điều hành, cần thiết kiến nghị Trung ương giải tỏa ách tắc trong xuất khẩu gạo, tìm đầu ra cho xuất khẩu cá tra, trái cây… Các sở, ngành, địa phương được yêu cầu tăng cường trách nhiệm để đạt tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đến cuối năm 2020 từ 95% trở lên; hỗ trợ các tập đoàn, DN lớn đầu tư các dự án trọng điểm; tháo gỡ khó khăn về vốn, lãi suất để DN phục hồi sản xuất - kinh doanh; đảm bảo an sinh xã hội trước tác động của dịch bệnh Covid-19…

Với phương án 1 (dịch bệnh được khống chế trong quý II-2020), ước tăng trưởng kinh tế (GRDP) cả năm 2020 của An Giang tăng khoảng 4,5%. Với phương án 2 (khống chế dịch trong quý III-2020), GRDP chỉ tăng khoảng 2,69%; còn với phương án 3 (đến hết quý IV-2020 mới khống chế được dịch bệnh) thì GRDP cả năm 2020 chỉ tăng khoảng 1,14%.


NGÔ CHUẨN