Điều hành, quản lý thu, chi ngân sách hiệu quả

16/01/2024 - 06:32

 - Năm 2023, dưới sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, UBND tỉnh An Giang, sự phối hợp giữa các cơ quan tài chính, các ngành, các cấp trong quản lý, điều hành, công tác thu ngân sách nhà nước (NSNN) trên địa bàn tỉnh đạt nhiều kết quả tích cực.

Giám đốc Sở Tài chính An Giang Trần Minh Nhựt cho biết: “Ngay từ đầu năm, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính, ngành tài chính tỉnh tham mưu kịp thời cho UBND tỉnh phương án điều hành NSNN năm 2023 theo các kịch bản tăng trưởng kinh tế. Đồng thời, có văn bản hướng dẫn địa phương tăng cường điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2023, đề ra giải pháp điều hành cân đối ngân sách địa phương chủ động, tích cực”.

Trong tổ chức thực hiện, cơ quan tài chính tập trung triển khai giải pháp, chính sách thu NSNN hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; kịp thời tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN), hộ kinh doanh được thụ hưởng đầy đủ, kịp thời chính sách; chú trọng đẩy mạnh cải cách hành chính, khai thác nguồn thu, chống thất thu, xử lý nợ thuế, phấn đấu thu đạt và vượt dự toán HĐND tỉnh giao.

Hội nghị tổng kết công tác tài chính - ngân sách nhà nước năm 2023

Tỉnh tập trung thực hiện đồng bộ giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh của DN; triển khai kịp thời, hiệu quả các nhóm giải pháp quản lý thu, chống thất thu, xử lý thu hồi nợ thuế; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.

Công tác quản lý và điều hành ngân sách năm 2023 đạt kết quả tốt, đảm bảo đáp ứng đầy đủ, kịp thời yêu cầu, nhiệm vụ chi theo dự toán được bố trí, như: Chi cho con người, chi cải cách tiền lương, hoạt động bộ máy các cấp, trợ cấp từ ngân sách cấp tỉnh đối với cấp huyện; kinh phí trợ cấp cho đối tượng chính sách, đối tượng bảo trợ xã hội; thanh toán vốn đầu tư xây dựng cơ bản. Ngoài ra, còn thực hiện đầy đủ nhiệm vụ chi đột xuất theo chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, như: Chi hỗ trợ khắc phục thiên tai, bổ sung kinh phí quốc phòng - an ninh...

Nhờ sự chỉ đạo sát sao của UBND tỉnh An Giang, sự vào cuộc của chính quyền các cấp và nỗ lực của ngành tài chính địa phương, công tác thu NSNN đạt kết quả tích cực. Thu NSNN từ kinh tế địa bàn năm 2023 là 7.356 tỷ đồng, đạt 111% so dự toán, bằng 97% so cùng kỳ. Cụ thể, thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu 450 tỷ đồng (110% dự toán, bằng 100% so cùng kỳ). Thu nội địa 6.906 tỷ đồng (111% so dự toán, bằng 97% so cùng kỳ; nếu không tính số thu xổ số kiến thiết và tiền sử dụng đất thì thu 4.691 tỷ đồng, đạt 116% dự toán).

Trong đó, 14/16 khoản thu đạt và vượt dự toán năm, gồm: Thu từ DN Nhà nước Trung ương; thu từ DN Nhà nước địa phương; thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh; lệ phí trước bạ; thuế sử dụng đất phi nông nghiệp; thuế thu nhập cá nhân; thu phí và lệ phí; thu tiền cho thuê mặt đất, mặt nước; thu từ quỹ đất công ích và hoa lợi công sản; thu khác ngân sách; thu cấp quyền khai thác khoáng sản; thu cổ tức và lợi nhuận được chia và thu xổ số kiến thiết. Bên cạnh đó, tất cả 11/11 huyện, thị xã, thành phố đều thu vượt dự toán năm.

Công tác quản lý chi ngân sách ngày càng chặt chẽ, hiệu quả, tiết kiệm. UBND tỉnh chủ động chỉ đạo các đơn vị dự toán và các cấp ngân sách điều hành chi ngân sách chặt chẽ, theo đúng dự toán được giao, hạn chế tối đa việc bổ sung ngoài dự toán, triệt để tiết kiệm khoản chi ngân sách, rà soát, sắp xếp nhiệm vụ chi chưa thực sự cấp thiết. Qua đó, đảm bảo đáp ứng kịp thời các nhiệm vụ chi của địa phương, đặc biệt chi cho con người, an sinh xã hội, quốc phòng - an ninh, chi cho phòng, chống dịch bệnh, thiên tai và những nhiệm vụ cấp thiết khác.

Tổng chi ngân sách địa phương năm 2023 là 18.377 tỷ đồng, đạt 97% dự toán, bằng 120% so cùng kỳ, bao gồm: Chi đầu tư phát triển 3.416 tỷ đồng (đạt 91% dự toán, bằng 98% so cùng kỳ); chi thường xuyên 11.214 tỷ đồng (đạt 105% so dự toán, bằng 107% so cùng kỳ); chi bổ sung quỹ dự trữ tài chính 21 tỷ đồng; chi từ nguồn Trung ương bổ sung có mục tiêu 3.726 tỷ đồng, đạt 89% dự toán.

Về cân đối ngân sách địa phương, trên cơ sở kết quả thực hiện thu NSNN trên địa bàn và rà soát, cắt giảm, hoãn, giãn triển khai nhiệm vụ chi chưa thật cần thiết, sử dụng nguồn lực tại chỗ theo quy định, theo đó cân đối ngân sách địa phương cơ bản được đảm bảo. Các khoản trả nợ vay được thực hiện nghiêm túc, góp phần giảm nợ công của ngân sách địa phương.

Giám đốc Sở Tài chính An Giang Trần Minh Nhựt đề nghị: “Năm 2024, ngành tài chính tỉnh nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; tập trung hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, phục hồi sản xuất - kinh doanh cho người dân và DN. Đồng thời, tập trung điều hành dự toán NSNN chủ động chặt chẽ, bảo đảm kỷ cương, kỷ luật tài chính, ngân sách, kiểm soát chi hiệu quả trong phạm vi nghị quyết HĐND các cấp giao. Trong đó, triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt giải pháp về quản lý thu, khai thác nguồn thu, chống thất thu”.

Các ngành, các cấp ngân sách tổ chức phân bổ, điều hành theo dự toán được duyệt, chủ động sắp xếp khoản chi đột xuất phát sinh sát với yêu cầu nhiệm vụ, trong phạm vi dự toán được giao; quan tâm thực hiện cơ chế tạo nguồn cải cách tiền lương. Tiếp tục siết chặt việc thực hiện mua sắm tài sản theo đúng tiêu chuẩn, định mức, chế độ quy định; đẩy mạnh thực hiện hiệu quả chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, nhất là trong sử dụng NSNN và tài sản công. Tăng cường thanh, kiểm tra chấp hành pháp luật về tài chính, xử lý nghiêm hành vi sai phạm, vi phạm, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu.

TRUNG HIẾU