Định hướng khởi nghiệp từ môi trường phổ thông

03/08/2023 - 06:46

 - Lan tỏa tinh thần khởi nghiệp trong học sinh là hoạt động giáo dục quan trọng, giúp các em nhận biết vai trò của khởi nghiệp, lập nghiệp. Qua đó, hình thành ý tưởng, kích thích tư duy, khơi dậy khát vọng đổi mới sáng tạo từ trên ghế nhà trường. Ý tưởng trên được Huyện đoàn Chợ Mới triển khai, thông qua “Diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp, tham gia xây dựng nông thôn mới cho thanh niên, học sinh năm 2023”.

Gỡ vướng mắc cho bạn trẻ

Thời gian qua, tinh thần khởi nghiệp trong học sinh, sinh viên phát triển mạnh không chỉ ở đại học, mà còn từ cấp phổ thông. Đặc biệt, cuộc cách mạng công nghệ 4.0 là “thời kỳ vàng” để học sinh sáng tạo, khởi nghiệp. Sự đa dạng của thị trường, sự năng động của nền kinh tế, sự phát triển của công nghệ đã và đang là bệ đỡ tốt, phát huy trí tuệ của tuổi trẻ. Tuy nhiên, số học sinh, sinh viên khởi nghiệp thành công khi còn ngồi trên ghế nhà trường khá khiêm tốn, ý tưởng chủ yếu nằm trên giấy.

Khắc phục phần nào tình trạng này, Huyện đoàn Chợ Mới phối hợp Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức “Diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp, tham gia xây dựng nông thôn mới cho thanh niên, học sinh”, có sự tư vấn của Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp An Giang Trương Thanh Thúy, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ An Giang Nguyễn Thị Mỹ Linh, Giám đốc Công ty Thái Minh Nguyên Vũ Minh Tú. Lần đầu tổ chức, diễn đàn thu hút đông đảo học sinh đến từ các trường THPT, trường trung cấp ở huyện tham gia.

Tham gia diễn đàn, học sinh, sinh viên được tư vấn, định hướng khởi nghiệp sớm; “hành trang” cần thiết cho quá trình khởi nghiệp; chương trình, chính sách, hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp. Ngoài ra, diễn giả chia sẻ thuận lợi, khó khăn; yếu tố quan trọng để khởi nghiệp thành công; kinh nghiệm của Công ty Thái Minh Nguyên đối với trà Kim Ngân Hoa…

Diễn giả chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình khởi nghiệp

Nguyễn Hữu Thuận (học sinh Trường THPT Lương Văn Cù, xã Mỹ Hội Đông) "nhen nhóm" ý tưởng khởi nghiệp từ việc kinh doanh quán nước. Thuận mong muốn được tư vấn vị trí, địa điểm đặt quán; không gian, cách bày trí và sản phẩm kinh doanh…

Còn Bùi Kim Ngân (học sinh Trường THPT Huỳnh Thị Hưởng, thị trấn Hội An) nhờ tư vấn khởi nghiệp đối với sản phẩm thân thiện với môi trường. Cùng với đó là thắc mắc về vốn vay; định hướng của diễn giả dành cho học sinh, sinh viên khi bắt đầu khởi nghiệp; cách khởi nghiệp trên ghế nhà trường... Hầu hết ý kiến của “start-up” tương lai đều được giải đáp thỏa đáng.

Hành trang cần thiết

Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp An Giang Trương Thanh Thúy nhận định, việc khởi nghiệp khi còn trên ghế nhà trường có nhiều thuận lợi. Các bạn có thời gian, sức trẻ; tiếp cận nhanh với thời đại số, có thể phát huy tối đa công cuộc chuyển đổi số vào việc khởi nghiệp. Đồng thời, có sự đồng hành của bạn bè, thầy cô; sự nhạy bén trong tiếp cận vấn đề...

“Tuy nhiên, các bạn trẻ còn thiếu kiến thức, kinh nghiệm, ngại va chạm; thiếu mối quan hệ xã hội và hiểu biết về cơ chế pháp lý… nên gặp khó trong quá trình khởi nghiệp. Để thành công, cần trang bị kiến thức; tính kiên nhẫn; quyết tâm làm cho được dự kiến của mình. Đồng thời, phải có kế hoạch chi tiết, làm bằng sự tận tâm mới có thể thành công” - bà Trương Thanh Thúy chia sẻ.

Bí thư Huyện đoàn Chợ Mới Huỳnh Thanh Tuấn cho biết, phong trào khởi nghiệp trên địa bàn huyện đã có nhiều tín hiệu khả quan. Kiến thức và tinh thần khởi nghiệp được các bạn trẻ tiếp cận nhanh chóng, sâu sát hơn, nhờ vào sự phát triển của công nghệ số và hỗ trợ khởi nghiệp của tổ chức đoàn thể. Nhiều hoạt động thúc đẩy tinh thần, hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp được triển khai thường xuyên. Điển hình như: Tư vấn cơ chế chính sách, hỗ trợ vay vốn, thi ý tưởng khởi nghiệp; tọa đàm, giao lưu, gặp gỡ với doanh nghiệp lớn và chuyên gia… góp phần định hướng, đánh thức khát vọng khởi nghiệp của bạn trẻ.

Theo anh Huỳnh Thanh Tuấn, khởi nghiệp không khi nào là muộn, nhưng “càng trẻ càng tốt, càng sớm càng tốt”. Có 2 thời điểm thích hợp để khởi nghiệp. Thứ nhất là manh nha khi còn trên giảng đường đại học. Khi đó, các bạn trẻ có thời gian, sự hỗ trợ của bạn bè, thầy cô, nhà trường. Thứ 2 là sau khi đi làm, có thêm kinh nghiệm, quan hệ và tìm cơ hội, từ 3 - 5 năm khởi nghiệp được. Một số trường hợp xuất sắc hơn, khởi nghiệp từ thời điểm học sinh, đạt thành công ngoài mong đợi.

 “Diễn đàn giúp học sinh có cơ hội tiếp cận với những kiến thức cơ bản nhất về khởi nghiệp. Đặc biệt, các em được gặp gỡ gương “người thật, việc thật” đã gặt hái thành công, để tiếp thêm động lực trên bước đường khởi nghiệp. Hy vọng rằng, sau diễn đàn sẽ có thêm nhiều ý tưởng khởi nghiệp được hình thành và khởi phát, đặt nền móng cho sự phát triển về khởi nghiệp sáng tạo ở huyện Chợ Mới” - Bí thư Huyện đoàn Chợ Mới Huỳnh Thanh Tuấn bày tỏ.

Để biến ý tưởng khởi nghiệp thành hiện thực, bên cạnh giữ lửa đam mê, học sinh, sinh viên cần tích lũy “nguồn vốn” cần thiết ngay từ trên ghế nhà trường (kiến thức, kỹ năng, mối quan hệ…), trước khi nghĩ đến nguồn vốn khởi nghiệp.

ĐỨC TOÀN