Đỡ đầu học sinh hoàn cảnh khó khăn

17/09/2020 - 08:53

 - Nhằm góp phần hạn chế tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng và thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” ngày càng tốt hơn, từ năm học 2013-2014, Công đoàn ngành giáo dục phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) phát động phong trào nhận đỡ đầu học sinh có hoàn cảnh khó khăn được tiếp tục đến trường. Phong trào được cán bộ, giáo viên, người lao động trong ngành đồng thuận và tích cực hưởng ứng, được các cấp chính quyền khen ngợi.

Tiếp sức cho các em mọi điều kiện cần thiết ngay từ đầu năm học

Theo Chủ tịch Công đoàn ngành GD&ĐT Nguyễn Chí Sơn, ngoài việc đỡ đầu về mặt tinh thần, cán bộ, giáo viên, người lao động còn giúp đỡ các em bằng vật chất dưới nhiều hình thức khác nhau như: mua bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn, tặng xe đạp, quần áo, gạo, tập sách, tiền tiêu vặt… ước tính hàng năm quy đổi thành tiền trên 2 tỷ đồng. Ngoài tính nhân văn, phong trào còn tô thêm hình ảnh cao đẹp của người thầy đối với các học trò thân yêu của mình và góp phần hạn chế học sinh bỏ học giữa chừng. Đến nay, phong trào này đã trở thành việc làm thường niên của ban chấp hành công đoàn cơ sở và lãnh đạo nhà trường.

Tại Trường THCS Lê Hồng Phong (Tịnh Biên), năm học qua, trường đỡ đầu 46 học sinh, kết quả có 9 em đạt học lực loại giỏi, 25 em học lực loại khá, còn lại học lực trung bình, tất cả các em đều có hạnh kiểm tốt. 100% cán bộ, giáo viên, người lao động tự nguyện đóng góp quỹ hỗ trợ đỡ đầu học sinh khó khăn tại đơn vị. Trong đó có 2 giáo viên còn hỗ trợ thêm cho các em quần áo đồng phục đi học và đồng phục thể dục vào đầu năm học, hàng tháng cấp gạo cho 40 em, mỗi em nhận 5kg. Định kỳ đến lệ tập trung để phát hỗ trợ, giáo viên nhắc nhở các em cố gắng học tập và giúp đỡ cha mẹ thêm việc nhà, nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn. Tổng cộng trong năm học trường đã vận động đóng góp được 36.460.000 đồng, hỗ trợ tiền mặt trong 9 tháng cho 6 học sinh với số tiền 100.000 đồng/tháng/em và phát 1,8 tấn gạo.

Còn tại Trường Tiểu học “B” Bình Thạnh Đông (Phú Tân) có tổng số 27 cán bộ, giáo viên và người lao động. Năm học 2019-2020, trường có 376 học sinh, nhận đỡ đầu cho 5 em hoàn cảnh khó khăn. Từ đầu năm học, trường đã làm tốt công tác tuyên truyền, giáo viên chủ nhiệm tiến hành rà soát và lập danh sách gửi về ban giám hiệu xét chọn, chỉ tiêu mỗi khối lớp chọn 1 em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để nhận đỡ đầu. Chủ tịch Công đoàn cơ sở Nguyễn Thị Kim Vàng cho biết, nhằm giúp các em có điều kiện học tập, nhà trường vận động cán bộ, giáo viên, nhân viên tiết kiệm chi tiêu từ 15.000-30.000 đồng/tháng để hỗ trợ học bổng cho các em hàng tháng, định mức 150.000 đồng/tháng/em.

Ngoài ra, giáo viên chủ nhiệm còn thường xuyên quan tâm, động viên giúp các em vượt qua khó khăn, vươn lên trong học tập và cuộc sống. Thực hiện mô hình này, công tác sơ, tổng kết phong trào được trường đặc biệt quan tâm, sau mỗi học kỳ tiến hành đánh giá, nhận xét sự tiến bộ của từng học sinh, những khó khăn trong quá trình thực hiện. Kết quả năm học 2019-2020, trường đóng góp được 6 triệu đồng, có 3 em học lực loại giỏi, 2 em học lực loại khá, hạnh kiểm đạt từ khá tốt.

Để khích lệ cho các đơn vị tiếp tục duy trì mô hình ý nghĩa này, Sở GD&ĐT đã khen thưởng 13 tập thể thực hiện tốt việc đỡ đầu học sinh có hoàn cảnh khó khăn năm học 2019-2020. Trong đó, nhiều đơn vị hỗ trợ số tiền lớn, như: Trường THPT Châu Văn Liêm (Chợ Mới), tập thể và cá nhân đỡ đầu cho 42 học sinh, tổng số tiền hơn 26,5 triệu đồng; Trường THCS Nguyễn Công Trứ (Thoại Sơn) có 8 tập thể đỡ đầu cho 8 học sinh, tổng số tiền 28,8 triệu đồng; Trường Tiểu học “C” Nhơn Mỹ (Chợ Mới) đỡ đầu cho 32 học sinh, tổng số tiền hơn 10,5 triệu đồng; Trường tiểu học Lê Quý Đôn (TP. Long Xuyên) đỡ đầu cho 14 học sinh, tổng số tiền 15,4 triệu đồng...

Sự quan tâm, chia sẻ và tình yêu thương từ thầy cô bằng hành động cụ thể không chỉ cổ vũ các em nỗ lực học tập, duy trì thành tích khá, giỏi, mà cuối năm tổng kết, ai nấy đều nhẹ lòng khi không có em nào phải bỏ học giữa chừng vì hoàn cảnh khó khăn.

MỸ HẠNH