Đo lường rủi ro, thách thức để sản xuất đạt hiệu quả

07/04/2020 - 06:50

 - Đó là một trong những việc mà ngành nông nghiệp TX. Tân Châu (An Giang) đang thực hiện, bởi sản xuất nông nghiệp trong bối cảnh biến đổi khí hậu thì 2 vấn đề lớn cần được giải quyết rốt ráo là: nguồn nước và thị trường tiêu thụ nông sản.

Nguồn nước

“Hai tháng trở lại đây, qua thông tin từ các phương tiện thông tin đại chúng, nông dân chúng tôi cảm thấy rất lo lắng cho tình trạng thiếu nước tưới tiêu. Ở các tỉnh như: Bến Tre, Sóc Trăng, Cà Mau… tình trạng xâm nhập mặn làm hàng chục ngàn ha đất không thể sản xuất được, bộ đội phải chở hàng triệu m3 nước ngọt để cung cấp cho bà con sinh hoạt và sản xuất. Tại TX. Tân Châu, các kênh, mương vào mùa này đã cạn kiệt nước. Muốn lấy nước vào ruộng phải canh con nước lớn, chúng tôi lo sợ vụ hè thu này sẽ thiếu nước sản xuất” - ông Nguyễn Văn Còn (xã Tân Thạnh, TX. Tân Châu) chia sẻ.

Lo lắng của ông Còn là hoàn toàn có cơ sở. Bởi hiện nay, 8 vùng sản xuất có đê bao khép kín của TX. Tân Châu (với diện tích 11.119ha) đang bước vào vụ sản xuất hè thu. Vùng nào thu hoạch lúa đông xuân xong, bà con tiến hành cày ải, phơi đất, chuẩn bị gieo sạ (nhằm đáp ứng lịch thời vụ của tỉnh). Ruộng đất nhà ông Còn nằm cặp kênh Tân An, đoạn từ cầu An Lôi Thôi đến UBND xã Tân Thạnh. Thời gian này, đoạn kênh đã kiệt nước, nông dân trong vùng sợ rằng, nếu tình trạng hạn hán tiếp tục xảy ra, Trung Quốc chưa chịu xả đập để cứu Mekong thì tình trạng thiếu nước phục vụ sản xuất là điều chắc chắn xảy ra.

Tiêu thụ vẫn là khâu quyết định cho sản xuất

“Vụ hè thu năm nay, TX. Tân Châu dự kiến xuống giống 9.813ha. Để sản xuất đạt hiệu quả cao, ngành nông nghiệp địa phương xác định, nước phục vụ sản xuất là yếu tố cần thiết, cấp bách. Từ việc xác định đó, chúng tôi đã có kế hoạch thực hiện 11 công trình thủy lợi gồm: nạo vét kênh mương, gia cố đê bao; sửa chữa cống bửng và nâng cấp trạm bơm tiêu, với tổng kinh phí dự kiến 5,1 tỷ đồng. Đoạn kênh nhà ông Còn cũng nằm trong kế hoạch nạo vét...” - Trưởng phòng Kinh tế TX. Tân Châu Bùi Thái Hoàng chia sẻ.

Thị trường tiêu thụ

TX. Tân Châu tuy đã là đô thị loại III, song lĩnh vực nông nghiệp vẫn còn chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế của địa phương. Nếu trước đây, địa phương này nổi tiếng với nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa thì nay, ngành này đang được địa phương tìm cách duy trì, đồng thời ngành nông nghiệp đang tiếp tục hoạch định thêm 6 ngành hàng khác, như: lúa gạo, thủy sản, chăn nuôi, cây ăn trái, rau màu, hoa kiểng để nông nghiệp tiếp tục là “trụ đỡ” của nền kinh tế.

“Hiện nay, địa phương đang rất trăn trở là làm sao sản xuất của bà con phải gắn với thị trường, nghĩa là chúng tôi xác định khâu tiêu thụ là rất quan trọng. Việc này nhiều năm qua địa phương rất nỗ lực thực hiện, song từng lúc, từng nơi gặp không ít khó khăn. Khó khăn là vậy nhưng lãnh đạo địa phương quyết tâm, phải thực hiện để nền nông nghiệp của TX. Tân Châu phát triển ổn định, bền vững” - ông Bùi Thái Hoàng chia sẻ.

Vụ đông xuân vừa qua, TX. Tân Châu sản xuất 10.469ha lúa chất lượng cao, song khi đi vào thực hiện chuỗi liên kết trong sản xuất, địa phương chỉ thực hiện được 1.300ha. Doanh nghiệp ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm là Công ty TNHH Minh Phát, doanh nghiệp này ký kết hợp đồng tiêu thụ lúa OM 6976 với Hợp tác xã (HTX) Tân Hậu A1.

Còn Công ty TNHH MTV Nanotech Đồng Tháp ký kết với HTX Long An 1. “Cái khó trong khâu liên kết tiêu thụ sản phẩm hiện nay vẫn là giá, địa điểm giao nhận, thời gian thu mua. Trong liên kết, bên nào cũng muốn tối đa hóa lợi nhuận, từ đó tính toán với nhau từng ly, từng tí, dẫn đến hợp đồng liên tục bị phá vỡ” - Giám đốc HTX nông nghiệp Tân Hậu A1 (xã Tân Thạnh, TX. Tân Châu) Trịnh Văn Dứt chia sẻ.

Từ thực tiễn trong liên kết tiêu thụ lúa của nông dân TX. Tân Châu cho thấy, nếu ngành nông nghiệp cùng các cơ quan chức năng của tỉnh mãi để tình trạng này xảy ra, nông nghiệp của tỉnh sẽ khó phát triển bền vững, bởi tình trạng “Được mùa thì mất giá” sẽ xảy ra. Trở lại tình hình sản xuất nông nghiệp của TX. Tân Châu, vụ hè thu tới, nếu địa phương này giải quyết được 2 vấn đề nước tưới tiêu và thị trường tiêu thụ nông sản thì sản xuất của nông dân mới mong đạt hiệu quả cao, nông nghiệp tiếp tục là “trụ đỡ” của nền kinh tế.

“Sản xuất trong tình hình biến đổi khí hậu, thị xã đã chỉ đạo các địa phương, đo lường rủi ro, thách thức để hoạch định sản xuất đạt hiệu quả cao. Chúng tôi đã hoạch định 8 nhóm sản phẩm để định hướng trong sản xuất, trồng các loại cây thích ứng với biến đổi khí hậu. Trên cây lúa, áp dụng triệt để chương trình “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, gắn sản xuất với tiêu thụ. Nhờ vậy, 5 năm qua đời sống của nông dân trên địa bàn không ngừng được nâng lên, giá trị sản xuất đạt 84 triệu đồng/ha/năm…” - Phó Chủ tịch UBND TX. Tân Châu Đặng Văn Nê thông tin.

 

MINH HIỂN