Từng chặng đường cũ
Đại hội Đảng bộ TX. Long Xuyên lần thứ VII (nhiệm kỳ 1996 - 2000) phấn đấu “Đẩy mạnh đô thị hóa, xã hội hóa để ổn định và phát triển”. Đến cuối nhiệm kỳ, địa phương thực hiện đạt và vượt 7/11 chỉ tiêu cơ bản. GDP tăng 10%/năm, GDP/người năm 2000 đạt 7,3 triệu đồng. Hộ nghèo giảm nhanh từ 18,4% xuống còn 4,7%. Tỷ trọng thương mại - dịch vụ từ 58% lên 66,9%; công nghiệp - xây dựng từ 20% lên 23,6%; nông nghiệp giảm từ 22% còn 9,5%. Tăng tỷ lệ đô thị hóa từ 38% lên 59% diện tích quy hoạch; hình thành 19 khu dân cư mới, ổn định chỗ ở cho 6.134 hộ dân. Chương trình giảm nghèo được chủ động triển khai sớm và rộng… Địa phương hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học từ năm 1996, có 4 phường đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS.
Tuy nhiên, thời điểm ấy, kinh tế địa phương phát triển chậm lại, chưa phát huy tốt tiềm năng; xây dựng, phát triển đô thị và nông thôn chưa đồng bộ; lĩnh vực văn hóa - xã hội còn tồn tại, phát sinh những vấn đề bức xúc; năng lực hoạt động của hệ thống chính trị chưa ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ. Long Xuyên nổi lên mâu thuẫn cơ bản giữa nhu cầu phát triển nhanh với tình trạng hạn chế về nguồn vốn, cơ chế chính sách và năng lực lãnh đạo, quản lý.
Đô thị Long Xuyên đạt tiêu chuẩn đô thị loại III, được công nhận là thành phố theo Nghị định 09/NĐ-CP, ngày 1/3/1999 của Chính phủ. Nhiệm kỳ 2000 - 2005, địa phương đề ra mục tiêu tổng quát: Phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị, khối đoàn kết toàn dân, tiếp tục đổi mới, năng động sáng tạo khai thác cao nhất tiềm năng, thế mạnh tại chỗ, khả năng hợp tác để tăng trưởng kinh tế toàn diện, gắn với xây dựng phát triển đô thị và nông thôn; chăm lo các vấn đề văn hóa - xã hội, giữ gìn an ninh chính trị, từng bước xây dựng thành phố giàu đẹp, văn minh. Nhiệm kỳ 2006 - 2010, kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân 14,68%/năm; thương mại - dịch vụ chiếm tỷ trọng 73%.
Sau 10 năm xây dựng và phát triển, TP. Long Xuyên được công nhận là đô thị loại II theo Quyết định 747/QĐ-TTg, ngày 14/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ. Theo Điều chỉnh quy hoạch vùng ĐBSCL đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, Quyết định 1659/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình phát triển đô thị quốc gia giai đoạn 2012 - 2020, TP. Long Xuyên được xác định là đô thị loại I, trung tâm tăng trưởng kinh tế, trung tâm thương mại dịch vụ của của tiểu vùng giữa đồng bằng tại khu vực phía Nam sông Hậu; là trung tâm đào tạo, chuyển giao công nghệ, trung tâm công nghiệp chế biến nông sản, thủy sản, có vai trò quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đối với tỉnh An Giang, vùng ĐBSCL và vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL.
Đại hội Đảng bộ TP. Long Xuyên lần thứ XI (nhiệm kỳ 2015 - 2020) đề ra phương hướng: “Xây dựng TP. Long Xuyên đến năm 2020 đạt đô thị loại I trực thuộc tỉnh; có môi trường cảnh quan đặc trưng sông nước, chất lượng cuộc sống cao”. Mong ước trở thành hiện thực, khi Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 1078/QĐ-TTg, ngày 23/7/2020, công nhận TP. Long Xuyên là đô thị loại I.
Nỗ lực vươn mình
TP. Long Xuyên là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật của tỉnh, có vị trí chiến lược, là điểm giao thoa giữa 2 khu vực năng động của vùng đô thị trung tâm và Tứ giác Long Xuyên. Thành phố đồng thời nằm trong trung tâm của vùng tam giác phát triển TP. Hồ Chí Minh - TP. Cần Thơ - TP. Phnom Penh (Vương quốc Campuchia). Giữa nhiệm kỳ 2020 - 2025, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất (theo giá so sánh) khu vực, lĩnh vực công nghiệp 5,27% (chỉ tiêu nhiệm kỳ 6,5%), xây dựng 10,7% (chỉ tiêu nhiệm kỳ 13%), nông nghiệp 2,43% (chỉ tiêu nhiệm kỳ 2%). Tốc độ tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa 11,55% (chỉ tiêu nhiệm kỳ 13%). Số y, bác sĩ 85 người/1 vạn dân (đạt chỉ tiêu); 2/2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao…
Một góc đô thị Long Xuyên. Ảnh: ĐĂNG LÂN
Đến cuối nhiệm kỳ, TP. Long Xuyên phấn đấu đạt mục tiêu, chỉ tiêu và hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm, như: Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất (theo giá so sánh) công nghiệp đạt 6,65%; xây dựng đạt 13,08%; nông nghiệp đạt 2,52%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt 13%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 14%; 100% trường đạt chuẩn quốc gia và đạt chất lượng cao; đào tạo nghề 16.500 lao động; tỷ lệ hộ nghèo dưới mức 0,5%; tỷ lệ bảo hiểm y tế toàn dân đạt 95%; 2/2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Để thu hút nguồn vốn đầu tư, TP. Long Xuyên đã và đang triển khai các dự án trọng điểm, nhằm cải tạo, chỉnh trang đô thị hiện hữu. Hàng loạt khu đô thị mới được hình thành với quy mô hợp lý, kết cấu hạ tầng hiện đại, bảo đảm khả năng kết nối các khu vực đô thị, như: Tuyến nối Quốc lộ 91 và tuyến tránh TP. Long Xuyên, tiểu dự án nâng cấp, mở rộng đô thị Long Xuyên; đường Lê Trọng Tấn, đường dẫn vào Bệnh viện Y học cổ truyền, đường liên xã Mỹ Khánh…
Theo Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP. Long Xuyên Đặng Thị Hoa Rây, năm 2024, TP. Long Xuyên tiếp tục hoàn chỉnh tiêu chí, tiêu chuẩn đô thị loại I theo Chương trình phát triển đô thị thành phố đến năm 2035; thực hiện tốt vai trò Cụm trưởng Cụm đô thị Tây Nam Bộ (nhiệm kỳ 2022 - 2027). Đồng thời, tổ chức thành công hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao chào mừng kỷ niệm 25 năm thành lập thành phố (1/3/1999 - 1/3/2024). Nhiều nhiệm vụ còn ở phía trước, nhưng Đảng bộ và Nhân dân thành phố sẽ đồng lòng hoàn thành, đưa địa phương ngày càng phát triển xứng tầm.
GIA KHÁNH