Báo cáo tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình cho biết, qua 2 năm (2016- 2017) triển khai, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần X (nhiệm kỳ 2015- 2020), tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP của tỉnh bình quân đạt 4,75%; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 34,3 triệu đồng/người/ năm; kim ngạch xuất khẩu đạt 1,66 tỷ USD; tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn đa chiều) giảm còn 5,24%. Riêng quý I- 2018, tăng trưởng GRDP của tỉnh ước đạt 5,95%, cao nhất từ đầu nhiệm kỳ đến nay.
Về công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, Tỉnh ủy An Giang đã tập trung quán triệt, triển khai sâu rộng Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng và chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ Đảng. Từ đó, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng và đảng viên.
Thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII) về đổi mới, sắp xếp tổ chức chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đến nay, An Giang đã có 887/888 khóm, ấp thực hiện mô hình Bí thư Chi bộ đồng thời là Trưởng khóm, ấp; 10/11 đơn vị cấp huyện, với 74/156 đơn vị cấp xã thực hiện mô hình Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch HĐND xã; 50/156 xã, phường, thị trấn thực hiện mô hình Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND xã, trong đó huyện Châu Phú đã thực hiện 13/13 xã, thị trấn; 2/11 đơn vị thực hiện Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND cấp huyện.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội và công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong thời gian tới, Bí thư Tỉnh ủy Võ Thị Ánh Xuân kiến nghị Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tăng cường nghiên cứu các đề tài về tích tụ đất đai, tập trung đất đai phục vụ nhu cầu thu hút đầu tư, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa lớn, nhằm phát triển thế mạnh nông nghiệp của khu vực ĐBSCL, trong đó có tỉnh An Giang. Đồng thời, nghiên cứu, định hướng chiến lược phát triển nguồn nhân lực khu vực ĐBSCL; có chính sách hỗ trợ công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cả về kiến thức, kỹ năng, trình độ lý luận chính trị đáp ứng nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội trong thời đại công nghiệp 4.0. Nghiên cứu cung cấp thêm nhiều luận chứng, luận cứ về lược sử vùng đất Nam Bộ liên quan đến Di tích khảo cổ Óc Eo- Ba Thê để phục vụ công tác tuyên truyền, phản tuyên truyền.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đánh giá cao sự nghiêm túc, sáng tạo của tỉnh An Giang trong công tác chỉ đạo thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị. Đoàn công tác Hội đồng Lý luận Trung ương đã được cung cấp nhiều thông tin quan trọng không chỉ là vấn đề riêng của tỉnh, mà còn của cả khu vực ĐBSCL. Với trách nhiệm nghiên cứu, tư vấn, hoạch định các chính sách, chiến lược của quốc gia, những thông tin mà tỉnh An Giang cung cấp sẽ là cơ sở, tài liệu để Hội đồng Lý luận Trung ương nghiên cứu, làm tốt chức năng tham mưu phục vụ về cơ chế, chính sách cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương.
Tin, ảnh: MỸ LINH