Đoàn công tác Trung ương khảo sát sạt lở Quốc lộ 91

03/06/2020 - 14:16

 - Sáng 3-6, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Trần Quang Hoài dẫn đầu đoàn công tác Trung ương khảo sát tình hình sạt lở trên địa bàn An Giang. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Thư đã chủ trì buổi tiếp và làm việc với đoàn.

Đoàn công tác khảo sát vị trí sạt lở ngày 27-5-2020 trên Quốc lộ 91

Vị trí sạt lở ngày 27-5-2020 nhìn từ dưới sông

Vị trí sạt lở năm 2019 trên Quốc lộ 91 chưa khắc phục xong

Khảo sát tiến độ thực hiện Dự án kè chống sạt lở sông Hậu, đoạn từ cầu Cần Xây đến nhà máy thủy sản Giang Long (phường Bình Đức, TP. Long Xuyên)

Dự án kè chống sạt lở sông Hậu, đoạn từ cầu Cần Xây đến nhà máy thủy sản Giang Long (phường Bình Đức, TP. Long Xuyên)

Đoàn đã tiến hành khảo sát vị trí sạt lở (mới và cũ) trên Quốc lộ 91, đoạn qua ấp Bình Tân (xã Bình Mỹ, Châu Phú, An Giang); khảo sát hiện trạng bồi lắng, xoáy lở, đo thực tế độ sâu lòng sông Hậu tại vị trí sạt lở và 2 bên bờ Châu Phú, Phú Tân; đo thực tế hố xoáy mới. Đoàn cũng đã khảo sát tiến độ thực hiện Dự án kè chống sạt lở sông Hậu, đoạn từ cầu Cần Xây đến nhà máy thủy sản Giang Long (phường Bình Đức, TP. Long Xuyên). Đây là 1 trong 5 dự án xử lý sạt lở cấp bách bờ sông năm 2018, 2019, do ngân sách Trung ương đầu tư và đối ứng từ ngân sách tỉnh.

Theo báo cáo của UBND tỉnh An Giang, vào lúc 6 giờ sáng 23-5-2020, xuất hiện vết răn nứt dọc Quốc lộ 91 (đoạn qua ấp Bình Tân, xã Bình Mỹ, Châu Phú), cách điểm sạt lở năm 2019 khoảng 137m về phía hạ lưu. Vết nứt sâu vào 1/3 mặt đường, chiều dài đoạn răn nứt khoảng 21m, cách mép bờ sông Hậu 7,5m, cách tim đường 3m. Vị trí răn nứt nằm trong đoạn cảnh báo sạt lở đặc biệt nguy hiểm của Sở Tài nguyên và Môi trường, với chiều dài 2,3km, điểm đầu từ Trường Tiểu học "A" Bình Mỹ (điểm phụ) lên thượng nguồn 400m và về hạ nguồn 1,9km.

Đến lúc 5 giờ 30 phút, sáng 27-5, tại vị trí răn nứt đã sụp xuống sông Hậu, với chiều dài khoảng 40m, bề rộng sạt vào 1/3 mặt đường. Hiện nay, đang xuất hiện thêm vết nứt phía bên trong (sâu vào khoảng 2/3 Quốc lộ 91), có nguy cơ sạt lở tiếp theo hướng mở rộng về phía thượng lưu và hạ lưu.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Thư, nguyên nhân sạt lở được nhận định ban đầu là do vị trí sạt lở nằm phía bờ lõm của đoạn sông cong, chiều rộng lòng sông Hậu qua khu vực bị thắt hẹp còn khoảng 300m, trong khi đoạn thượng lưu và hạ lưu liền kề rộng 600m, làm diện tích mặt cắt ướt. “Khoảng 20 năm trước, tại khu vực này xuất hiện bãi cát ngầm phía bờ Phú Tân. Do không nạo vét nên đã dần hình thành bãi bồi, ép nước về phía Quốc lộ 91, dưới lòng sông xuất hiện nhiều hố xoáy, tạo áp lực nước vào bờ gây sạt lở” – ông Thư đánh giá.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, việc xây dựng tuyến tránh Quốc lộ 91 mới và xử lý khẩn cấp vị trí sạt lở chỉ là giải pháp trước mắt. Hiện nay, vẫn còn khoảng 2.500 hộ dân nằm trong khu vực sạt lở. Do vậy, cần giải quyết căn cơ nguyên nhân gây sạt lở để ổn định lâu dài.

Trong đó, đề xuất đoàn công tác tham mưu Thủ tướng Chính phủ cho chủ trương đồng ý để An Giang thực hiện xã hội hóa chỉnh trị dòng chảy sông Hậu bảo vệ Quốc lộ 91 khu vực xã Bình Mỹ, Châu Phú (theo Công văn số 498/UBND-KTN, ngày 8-5-2020 của UBND tỉnh). Khu vực chỉnh trị có chiều dài khoảng 3km, cơ bản khắc phục được tình trạng lòng sông bị thắt hẹp, giảm áp lực dòng chảy gây xói lở bờ. Nguồn cát từ dự án nạo vét chỉnh trị dòng chảy này được tận dụng để làm vật liệu thả bao tải cát tạo mái lấp lạch sâu của Dự án xử lý sạt lở bờ sông Hậu bảo vệ Quốc lộ 91 đoạn qua huyện Châu Phú.

Làm việc với UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài ủng hộ đề xuất xã hội hóa chỉnh trị dòng chảy sông Hậu bảo vệ Quốc lộ 91 của tỉnh An Giang. Tuy nhiên, việc chỉnh trị dòng chảy là vấn đề phức tạp, tỉnh cần tìm đơn vị tư vấn đủ năng lực để có phương án triển khai hợp lý, bảo vệ an toàn cho cả 2 bờ sông.

Đối với xử lý sạt lở, ông Trần Quang Hoài đề nghị tỉnh nghiên cứu ứng dụng công nghệ mới đã được một số địa phương áp dụng thành công. Trong đó, có thể sử dụng những loại bao tải lớn đến 5m3 để thay cho bao tải cát nhỏ, vừa giúp thi công nhanh vừa tiết kiệm, chất lượng bao tải cũng tốt hơn. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ các dự án xử lý sạt lở cấp bách bờ sông nhằm tránh vi phạm thời gian, bị thu hồi vốn…

NGÔ CHUẨN