Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy:“Dân ta nhớ một chữ “đồng”: đồng tình, đồng sức, đồng lòng, đồng minh”. Sức mạnh của dân tộc Việt Nam trong đấu tranh giải phóng dân tộc, giữ gìn bờ cõi non sông đất nước chính là sức mạnh cùng một ý chí, cùng một quyết tâm, với tinh thần “đoàn kết, đại đoàn kết, thành công, đại thành công” đã đưa nước ta đi từ thắng lợi này, đến thắng lợi khác. Trong cuộc chiến không tiếng súng lần này, hơn bao giờ hết, truyền thống tốt đẹp ấy lại được khơi dậy. Đó chính là tinh thần đoàn kết, trên dưới một lòng, quyết tâm chiến thắng dịch bệnh Covid-19.
Cả nước ra trận
Nhiều tháng qua, dịch bệnh Covid-19 đã, đang bùng phát ở nhiều nước trên thế giới. Tính đến sáng 21-4, có trên 211 quốc gia, vùng lãnh thổ, với 2.476.066 người nhiễm bệnh, 170.116 cas tử vong, trên 645.214 trường hợp bình phục. Dịch bệnh đã gây khủng hoảng nghiêm trọng đối với kinh tế - xã hội hầu hết các quốc gia lớn, nhỏ trên thế giới.
Là một quốc gia đang phát triển và hội nhập mạnh mẽ, Việt Nam không thể tránh khỏi cơn đại dịch này. Ở Việt Nam, ngày 23-1-2020, đã xuất hiện cas nhiễm Covid-19 đầu tiên. Nhưng đã 5 ngày trôi qua, cả nước không xuất hiện nhiễm bệnh mới, với 268 cas nhiễm ở 27 tỉnh, thành phố, trong đó có 214 bệnh nhân bình phục và không có trường hợp tử vong.
Trong 3 tuần qua, kể từ khi thực hiện cách ly xã hội, trong 3 ngày đầu tiên (từ ngày 1 đến 3-4) ghi nhận 30 trường hợp mắc mới. Những ngày sau đó, mỗi ngày chỉ ghi nhận từ 1 đến 5 trường hợp mắc mới. Đặc biệt, từ ngày 17 đến 21-4, cả nước không ghi nhận thêm trường hợp mắc Covid-19 nào. Trên chiến trường không tiếng súng, không có cảnh đất trời rung chuyển vì bom đạn… nhưng Covid-19 - kẻ thù vô hình đã và đang tác động rất lớn đến kinh tế- xã hội đời sống, tâm lý, tinh thần của hàng triệu người Việt Nam.
Để chiến thắng trong cuộc chiến này, ngày 30-3-2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã kêu gọi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào Việt Nam ở nước ngoài “hãy cùng chung sức, đồng lòng vượt qua mọi khó khăn, thách thức để chiến thắng đại dịch Covid-19”. Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước như “sốc” lại tinh thần của cả dân tộc, phát huy truyền thống yêu nước của toàn dân tộc, muôn người như một, đoàn kết, chung sức, quyết tâm cùng nhau đánh đuổi kẻ thù vô hình, cùng nhau vượt qua khó khăn, với tinh thần “chống dịch như chống giặc, mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận chống dịch”.
Các khảo sát toàn cầu mới đây về Covid-19 cho thấy, người dân Việt Nam tin vào Đảng, Chính phủ, chính quyền vào bậc nhất thế giới. Điều mà không phải quốc gia phát triển nào cũng làm được.
Người dân ý thức trong việc đeo khẩu trang khi ra đường, sát khuẩn tay thường xuyên
Đáp lại những hành động quyết liệt của Đảng, Chính phủ, hơn 96 triệu dân Việt Nam đã ủng hộ, tin tưởng tuyệt đối và chấp hành nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, với những việc làm thiết thực, như: đeo khẩu trang nơi công cộng; thường xuyên rửa tay bằng xà bông hoặc nước sát khuẩn, giữ khoảng cách 2m giữa người với người, cách ly xã hội, chỉ ra khỏi nhà khi thật sự cần thiết, thay đổi cách sinh hoạt, làm việc… Hàng ngày, có biết bao nhiêu tổ chức, cá nhân đóng góp tiền, hiện vật để chung tay, góp sức cùng Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương phòng, chống dịch bệnh, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, những người thế yếu… với tinh thần “tương thân, tương ái” cùng nhau vượt qua đại dịch.
“ATM gạo” giúp nhiều người dân vượt qua khó khăn
An Giang thực hiện “nhiệm vụ kép”
Tại An Giang, với tinh thần “chống dịch như chống giặc” cùng quyết tâm chính trị cao nhất, quyết liệt nhất của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, đặc biệt các đơn vị y tế, quân sự, biên phòng, công an không ngại khó khăn thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, bước đầu đã mang lại hiệu quả, thành công.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Võ Anh Kiệt kiểm tra, thăm hỏi công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại khu cách ly tập trung
Để thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, từ nhiều tháng qua, cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở luôn xác định công tác phòng, chống dịch Covid-19 là nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên hàng đầu phải tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm, quyết liệt, đồng bộ các giải pháp theo chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy và UBND tỉnh. Song song đó, tiếp tục kiên trì mục tiêu và triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội và đảm bảo an ninh - chính trị, trật tự - an toàn xã hội.
Trước những diễn biến phức tạp, khó lường của bệnh Covid-19, Bí thư Tỉnh ủy An Giang Võ Thị Ánh Xuân đã yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội tiếp tục quán triệt sâu sắc và triển khai thực hiện nghiêm túc Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Thông báo Kết luận số 172, ngày 21-3-2020 của Bộ Chính trị, đặc biệt là Chỉ thị số 16, ngày 31-3-2020 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Thực tế từ khi dịch bệnh Covid-19 xảy ra, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, sự điều hành của UBND tỉnh, đã nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn các cấp ủy, sở, ban ngành, địa phương và toàn dân các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Cùng với đó là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh.
Các công dân thực hiện cách ly y tế tập trung được nhân viên viên tế theo dõi, kiểm tra sức khỏe hàng ngày
Công tác phòng, chống dịch của tỉnh được thực hiện phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, trang thiết bị hóa chất phòng chống dịch tại chỗ, phương tiện tại chỗ, xác định “chống dịch như chống giặc”) và “4 giải pháp” (pháp hiện sớm, cách ly sớm, xét nghiệm sớm, điều trị sớm) nhằm kiểm soát tốt nhất tình hình dịch bệnh và tránh lây lan dịch bệnh ra cộng đồng. Đồng thời, thực hiện biện pháp “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, chính quyền cơ sở (xã, phường, thị trấn, khóm, ấp, khu phố, tổ tự quản…) nắm chắc tình hình địa bàn quản lý, phát hiện người lạ, người nước ngoài về để thực hiện các biện pháp cách ly theo quy định.
Bộ đội biên phòng phối hợp Công an, Quân sự tăng cường tuần tra, kiểm soát nghiêm ngặt tuyến vành đai biên giới không cho người qua lại trái phép
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh là cơ quan đầu mối (lực lượng chủ lực) chủ trì với lực lượng bổ sung của Công an, Quân sự thực hiện các chốt chặn và tuần tra, kiểm soát nghiêm ngặt tuyến vành đai biên giới trên đường bộ, đường thủy, nhất là tình trạng buôn lậu qua biên giới và xuất, nhập cảnh trái phép qua biên giới. Thực hiện tốt công tác tiếp nhận, phân loại và bàn giao cho lực lượng chức năng đưa đi cách ly người dân nhập cảnh vào Việt Nam cũng như tích cực vận động nhân dân thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống Covid-19 do Bộ Y tế khuyến cáo.
UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân và nhân dân thực hiện nghiêm các giải pháp phòng, chống dịch bệnh tại địa phương, nhất là cấp cơ sở (xã, phường, thị trấn, ấp, khu phố và tổ nhân dân tự quản...), như: cách ly xã hội trong 3 tuần, hạn chế ra đường khi không có việc cần thiết, đeo khẩu trang và rửa tay thường xuyên, đúng cách... Đồng thời, chỉ đạo lực lượng Công an, Quân sự, Dân quân tự vệ... tại địa phương thực hiện tuần tra, kiểm soát nghiêm ngặt tuyến biên giới, không để lọt các đối tượng vượt biên giới trái phép và buôn lậu.
Đối với các khu cách ly tập trung, khi người dân đến thực hiện việc cách ly y tế sẽ được bố trí, sắp xếp hợp lý về số lượng người cách ly, đảm bảo không gian sinh hoạt thông thoáng, khoảng cách, vệ sinh môi trường và tuân thủ theo các hướng dẫn của ngành y tế. Đảm bảo điều kiện sống, ăn, ở và sinh hoạt tốt nhất có thể cho người cách ly. Bên cạnh công tác phòng, chống dịch bệnh, vừa đảm bảo thực hiện nhiệm vụ chính trị, duy trì sản xuất kinh doanh, trong đó tập trung tháo gỡ khó khăn hiện hữu cho các doanh nghiệp, như: miễn, giảm, gia hạn nộp thuế, hoãn nợ phí bảo hiểm… để giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Đặc biệt, từ cuối tháng 3 đến nay, các cơ sở tôn giáo trong tỉnh đã tạm ngừng các hoạt động, nghi lễ tôn giáo tập trung đông người. Thay vào đó là tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, như: tăng cường tuyên truyền đến tín đồ, nhân dân về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; phun xịt khử khuẩn trong và ngoài khuôn viên cơ sở thờ tự… Đây là việc chưa có tiền lệ nhưng trước những diễn biến phức tạp, tính chất nguy hiểm của dịch bệnh Covid-19, các cơ sở thờ tự, tín đồ đã tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Qua đó, thể hiện tinh thần đoàn kết, cùng một ý chí trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
An Giang có gần 100 km đường biên giới giáp Vương quốc Campuchia, có 2 cửa khẩu quốc tế, 2 cửa khẩu chính, 1 cửa khẩu phụ, nhiều đường mòn, lối mở, kênh, rạch thuận lợi cho việc qua lại biên giới. Trên địa bàn tỉnh có nhiều bà con làm ruộng, kinh doanh buôn bán… tại Campuchia. Từ ngày 21-3 đến nay, có trên 2.700 người dân từ nước ngoài về thực hiện cách ly y tế tập trung theo quy định. Trước những diễn biến hết sức phức tạp của dịch bệnh Covid-19, An Giang là địa phương thuộc nhóm có nguy cơ lây nhiễm bệnh. Song, với tinh thần “chống dịch như chống giặc, cùng sự đoàn kết, quyết tâm, chung sức, nhất trí của toàn Đảng bộ, nhân dân và lực lượng vũ trang, đến ngày 21-4-2020, tỉnh An Giang chưa ghi nhận trường hợp mắc Covid-19” - Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh Nguyễn Thanh Bình cho biết. |
THU THẢO