Đoàn kết, chung tay đánh bay Covid-19 - Kỳ 4: Cuộc chiến không ai bị bỏ lại phía sau

24/04/2020 - 09:00

 - Trong cuộc họp của Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định “Trong tình huống cấp bách hiện nay, phải lo cho cuộc sống nhân dân, nhất là người lao động, người nghèo, người yếu thế, người bị mất việc, người bị mất thu nhập…”. Với tinh thần “nhường cơm, sẻ áo”,“một miếng khi đói bằng một gói khi no”, những ngày qua, hàng ngàn người già neo đơn, trẻ em cơ nhở, bác xe ôm, người bán vé số, lao động bị mất việc vì dịch bệnh Covid-19 luôn cảm thấy ấm lòng, bởi sự yêu thương, hỗ trợ của cả cộng đồng.

Không để người dân “đói cơm, lạt muối”

Nhà nước ta rất thương dân, bảo vệ dân, tất cả lợi ích đều vì dân. Chăm lo cho dân, đặc biệt là những người khó khăn nhất để cùng chống dịch là minh chứng cho tinh thần “tương thân, tương ái”, đoàn kết một lòng của người Việt Nam. Hình ảnh Nhà nước do dân, vì dân luôn tồn tại, hiện hữu trên đất nước hình chữ S tươi đẹp này. Đó cũng chính là sức mạnh của dân tộc Việt Nam qua hàng ngàn năm lịch sử.

Không để người dân “đói cơm, lạt muối”, phải để người dân có cuộc sống cơ bản tối thiểu, tìm mọi cách để hỗ trợ người yếu thế vượt qua khó khăn là mục tiêu lớn nhất của Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp trong nước và trên toàn thế giới. Qua đó, khẳng định vai trò, bản chất tốt đẹp của chế độ ta. Việc hỗ trợ người dân khó khăn do đại dịch Covid-19 là một trong 4 ưu tiên của Chính phủ làm ấm lòng hàng triệu người dân.

Để đảm bảo cho người dân có cuộc sống ở mức cơ bản tối thiểu, Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết với gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng hỗ trợ trực tiếp cho hơn 20 triệu người nghèo, người lao động gặp khó khăn do Covid-19. Lần đầu tiên trong lịch sử, Nhà nước hỗ trợ bằng tiền mặt hàng triệu người lao động, gia đình chính sách bị giảm sâu thu nhập vì dịch bệnh Covid-19. Đây là khoảng tiền rất lớn khi đất nước vẫn còn nhiều khó khăn, đặc biệt là vào thời điểm nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh bị ngừng trệ. Đây được coi như một thông điệp về một xã hội đoàn kết, chăm lo, yêu thương nhau, quyết tâm, đồng lòng vừa ngăn chặn đại dịch, vừa ổn định phát triển kinh tế - xã hội; thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước với nhân dân. Bởi “tương thân, tương ái” là truyền thống tốt đẹp từ bao đời nay và mỗi khi khó khăn thì tình người lại “sáng lên”.

Tại An Giang, sức mạnh ấy được lan tỏa bởi nhiều nghĩa cử đẹp, tấm lòng hảo tâm trong và ngoài tỉnh. Hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng chính phủ, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam về phát động toàn dân ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19, tỉnh An Giang đã tổ chức, thành lập Quỹ phòng, chống dịch Covid-19 và hạn hán của tỉnh với mục đích hỗ trợ các lực lượng tham gia chống dịch có hoàn cảnh khó khăn tại các cơ sở y tế, khu cách ly tập trung, những người bị ảnh hưởng gián tiếp bởi dịch bệnh... Qua một tháng phát động, Quỹ “Toàn dân ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19” tỉnh đã tiếp nhận gần 13 tỷ đồng và nhiều hiện vật khảc.

Nhu yếu phẩm do mạnh thường quân hỗ trợ khu cách ly tập trung

Hình ảnh lãnh đạo tỉnh đến tận nơi tặng quà cho những người yếu thế, gia đình chính sách, hộ nghèo, cận nghèo… đã thể hiện sự quan tâm, hỗ trợ người dân kịp thời, vào những lúc khó khăn, hoạn nạn đã xây thêm viên gạch “niềm tin” của người dân với Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương ngày thêm cao, vững chắc.

Tại các khóm, ấp, phường, xã, cán bộ phối hợp lực lượng chức năng “đi từng nhà, ra từng đối tượng” để vừa thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19, vừa nắm chắc những người yếu thế cần giúp đỡ. “Để nhân dân được no dạ, ấm lòng trong thời gian thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, từ nguồn xã hội hóa, từ ngày 27-3 đến nay, phường Mỹ Quý đã phát 3 đợt quà cho 455 lượt hộ, gồm: nước rửa tay, khẩu trang, gạo, mì gói, trứng vịt, gia vị... Những phần quà tuy không lớn về vật chất nhưng giá trị nhân văn đem lại không hề nhỏ. Những đóng góp nhỏ của các nhà hảo tâm trong và ngoài phường đã làm ấm lòng bao mảnh đời cơ cực giữa lúc đại dịch. Thật trân quý!”- đồng chí Nguyễn Thị Hồng Ngọc, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBMTTQVN phường Mỹ Quý (TP. Long Xuyên) cho biết.

Được nhận túi trứng vịt, bao gạo trên tay, cô Lê Thị Trước (ngụ khóm Mỹ Quới, phường Mỹ Quý, TP. Long Xuyên) xúc động: “Tôi cảm ơn các nhà hảo tâm, cảm ơn chính quyền địa phương đã quan tâm, trợ giúp tôi vào thời gian không đi bán vé số”.

 Chiến dịch 21 ngày và những tấm lòng vàng

 Đoàn kết, chia sẻ là nguồn lực quan trọng, là sức mạnh giúp chúng ta vượt qua giai đoạn khó khăn. Để giúp những người bán vé số dạo, những người lao động mất việc do thực hiện giãn cách xã hội, trên khắp các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, những ngày qua, nhiều quán cơm miễn phí ra đời, hàng trăm điểm phát quà từ thiện với các nhu thiết yếu hàng ngày giúp người nghèo vượt qua giai đoạn khó khăn. Tình yêu thương, tinh thần “lá lành đùm lá rách” được lan tỏa trong cộng đồng. “Bữa sáng 0 đồng dành cho người khó khăn”, “Nếu khó khăn bạn hãy lấy một phần, nếu bạn ổn xin hãy nhường”, “Ai cần hãy đến lấy, cùng nhau vượt qua Covid”, “Túi gạo nghĩa tình… sẻ chia trong đại dịch Covid-19”… những tấm bảng in chữ thật to cùng những phần quà được đặt trước cửa nhiều gia đình, hộ kinh doanh. Đó là số tiền họ chắt chiu tiết kiệm lo cho gia đình và giờ họ sẵn sàng “nhường cơm, sẻ áo” với bà con nghèo, người lang thang, người tạm thời mất việc làm.

Bữa sáng 0 đồng dành cho người khó khăn

Có mặt tại quầy “Bữa sáng 0 đồng dành cho người khó khăn” tại phường Mỹ Quý (TP. Long Xuyên), chiếc bàn được đặt ở lề đường, khoảng vài phút có những người dân đến nhận phần ăn sáng miễn phí, gồm: 2 gói mì và 2 quả trứng gà. Một chiếc xe đạp cà tàng, dừng trước quầy, một phụ nữ dáng gầy gầy, khép nép bước vào: “Cho tui một phần nha chú!”. Nhận phần ăn sáng xong, người phụ nữ cảm ơn rối rít và nói: “Mấy chú làm việc này cho những người nghèo như tôi là công đức lắm!”

Nửa tháng nay, anh Lê Võ Phương Thảo (ngũ khóm Đông Thịnh, phường Mỹ Phước, TP. Long Xuyên) cùng 2 người bạn thực hiện “Bữa sáng 0 đồng cho người khó khăn”. “Khi mới làm, mỗi ngày chúng tôi phát khoảng 50-60 phần/buổi, mấy ngày nay, số lượng tăng lên 70-80 phần/ngày. Chúng tôi cũng không dư dả gì nhưng với tinh thần “tương thân tương ái” giúp bà con lao động nghèo, bán vé số dạo không có thu nhập do dịch bệnh Covid-19”- anh Thảo nói. Thấy được việc làm ý nghĩa của nhóm bạn anh Thảo, nhiều cá nhân cũng góp 100 - 300 ngàn đồng, vài chục ổ bánh mì, mì gói cùng giúp bà con vượt qua khó khăn.

Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh, nhiều bếp cơm từ thiện đã nâng công suất phục vụ để hỗ trợ bà con bán vé số dạo. Điển hình Bếp cơm từ thiện (phường Mỹ Long, TP. Long Xuyên) nâng công suất phục vụ từ 1.000 phần cơm/ngày lên 1.500 phần cơm/ngày; cơm chay miễn phí Phước Thiện (phường Mỹ Phước, TP. Long Xuyên) phát cơm miễn phí 2 buổi/ngày, quán Anh Chị Em (Mỹ Luông, Chợ Mới) phát 100 suất cơm miễn phí (từ ngày 1 đến 15-4)…

        

Quán cơm chay Phước Thiện phát cơm miễn phí cho người nghèo, khó khăn, thân nhân nuôi bệnh

Chú Nguyễn Văn Tấn (chủ quán cơm chay miễn phí Phước Thiện, ngụ phường Mỹ Phước, TP. Long Xuyên) cho biết: “Nghe thông tin bà con bán vé số sẽ ngưng bán để thực hiện cách ly toàn xã hội, tôi quyết định tăng từ 500 lên 700 suất ăn/ngày để giúp bà con bán vé số, những người mất việc làm do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19”. Nhận phần cơm tại trên tay, chú Nguyễn Tèo Anh (64 tuổi, ngụ phường Mỹ Phước, TP. Long Xuyên) nói: “Tôi già rồi, hàng ngày bán vé số để tự lo cho mình, bớt gánh nặng cho con cái. Mấy ngày nay, công ty không phát hành vé số nên tôi cũng không có tiền cơm cháo. Nhưng nhờ có bếp cơm từ thiện này mà tôi và nhiều người bán vé số khác không phải lo cái ăn hàng ngày”.

Trên mạng xã hội, những hình ảnh, nghĩa cử cao đẹp của các đại lý vé số, những nhà hảo tâm, tổ chức, cá nhân… chung tay giúp đỡ những người bán vé số được chia sẻ, lan tỏa. Điển hình, Đại lý vé số Nga Lượm (phường Mỹ Long, TP. Long Xuyên) đã tặng 1.000 phần quà, trị giá trên 150 triệu đồng cho những người bán vé số trên địa bàn thành phố và một số huyện trong tỉnh. Đại lý vé số Thanh Tâm (phường Châu Phú A, TP. Châu Đốc) cứu trợ 3 tuần cho những người bán vé số của đại lý; mỗi tuần, một người bán vé số sẽ được nhận 10 kg gạo, 10 gói mì, nước tương, dầu ăn, bột ngọt, đường; đại lý vé số Hoa Lý (thị trấn Phú Hòa, huyện Thoại Sơn) hỗ trợ 50.000 đồng/ngày kèm theo gạo, mì gói cho người  hàng bán vé số của đại lý…

Những phần quà nhỏ giúp người dân bán vé số vượt qua khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19

 

Có mặt tại “ATM gạo” đầu tiên tại tỉnh An Giang, do cô Nguyễn Thị Kim Hai, chủ cơ sở Nguyên Lâm (phường Bình Đức, TP. Long Xuyên) đầu tư. Cô Kim Hai chia sẻ: “Nghe thời sự nói bà con bán vé số, người nghèo khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh, gia đình tôi liên hệ, đặt mua và triển liền cây “ATM gạo” và lúc nào cũng đổ đầy gạo để bà con thoải mái đến lấy. Tôi chỉ suy nghĩ đơn giản là mình đủ đầy hơn nhiều người thì mình giúp những người khó khăn, hoạn nạn, “lá lành đùm lá rách”. Quan trọng là việc làm này khiến mình vui, cảm thấy sống ý nghĩa hơn”.

Chú Nguyễn Văn Bé (70 tuổi, ngụ phường Bình Đức) phấn khởi nói: “Tôi lớn tuổi rồi, kiếm tiền rất khó. Có nơi phát gạo miễn phí thế này giúp được biết bao nhiêu người, nhất là những người già yếu, nghèo khổ như tôi. Tôi mừng và cảm ơn nhiều lắm!”. Tính đến nay, 13/13 xã, phường trên địa bàn TP. Long Xuyên đều có cây “ATM gạo” do nhiều tổ chức, cá nhân đóng góp, trong đó, Bí thư Tỉnh ủy Võ Thị Ánh Xuân đã vận động hỗ trợ 5 tấn gạo gửi đến các cây ATM trên địa bàn thành phố.

Trong khó khăn, tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách… những phẩm chất tốt đẹp của người Việt Nam được phát huy. Hơn mọi mọi mỹ từ, những việc làm ý nghĩa đó đã gửi đi những thông điệp yêu thương, kết nối trái tim với trái tim, cùng đoàn kết, cùng vững tin đi qua mùa dịch.

THU THẢO