“Chiến sĩ ta dầm mưa, dãi nắng”
Quân đội ta là đội quân đặc biệt do Đảng, Bác Hồ giáo dục, rèn luyện và lãnh đạo. Vì vậy, đội quân ấy luôn xác định mình từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu. Trên mọi mặt trận, trong mọi hoàn cảnh, bản chất “bộ đội Cụ Hồ” luôn tỏa sáng. Trong cuộc chiến chống “giặc dịch”, hai tháng nay, trên những đường mòn, lối mở, những bước chân của cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng, lực lượng dân quân tự vệ đã không quản ngày đội nắng, đêm đội sương, dầm mưa… Họ đi xuyên qua những đêm trắng để ngăn chặn dịch bệnh “thẩm lậu” qua biên giới.
Tháng 4, tôi đến thăm Đồn Biên phòng Vĩnh Nguơn (TP. Châu Đốc). Đây là đơn vị phụ trách quản lý đường biên giới dài 15,4 km, với chiều sâu khu vực biên giới 600 đến 6.000m; đơn vị nắm tình hình ngoại biên xã Chey Chok và ấp Tà Mâu thuộc xã Pun Xăng (huyện Pray Chulsa, tỉnh Takeo, Vương quốc Campuchia). Đoạn biên giới do đồn phụ trách có nhiều đường mòn, lối mở, kênh rạch tự phát sát biên giới nên rất thuận tiện cho người, phương tiện qua lại.
Tôi ngỏ ý với các anh chỉ huy đồn cho tôi đến các chốt, tổ công tác trực phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Từ đồn đến Tổ công tác số 4 mất khoảng 15 phút chạy xe. Len lỏi qua con đường nhỏ ngoằn ngoèo vừa đủ bánh xe. Dưới cái nắng 37 độ, hai bên đường cỏ cháy khô, nắng táp thẳng vào rát mặt. Một cơn gió thoảng qua, mang theo mùi mạ non như chào đón chúng tôi. Đến nơi, một chiếc lều bạt, 2-3 cái võng treo bên trong, bốn chiến sĩ biên phòng, dân quân tự vệ ra đón, mời tôi vào thăm “nhà”.
Vật dụng trong “nhà” chẳng có gì ngoài thùng nước suối 20 lít, 1 hộp nhang muỗi, 1 chai Sofel, vài gói mì...
Dẫn tôi cùng đi tuần, đường gồ ghề, gập ghềnh, chỉ lội một đoạn vài trăm mét, tôi đã thấm mệt. Ấy thế mà mỗi ngày, những chiến sĩ áo xanh vẫn miệt mài ngày đêm đi tuần. Nhiệm vụ của các tổ công tác là phối hợp lực lượng quân sự địa phương chia ra từng nhóm nhỏ, thay phiên nhau tuần tra. Ban ngày, cứ 45 phút sẽ đi tuần một lần. Ban đêm thay phiên nhau chộp mắt 1-2 giờ rồi tuần tra. Trời tối, nên các chiến sĩ biên phòng phải đi nhẹ để lắng nghe tiếng động, quan sát từng thửa mạ, rà từng bãi sậy, quyết tâm ngăn chặn người dân nhập cư trái phép.
Cán bộ, chiến sĩ biên phòng, dân quân tuần tra, kiểm soát biên giới
Áo ướt đẫm mồ hôi, dừng lại nghỉ chân, trung úy Thái Việt Nguồn (Đồn Biên phòng Cái Đôi Vàm, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau) mắt vẫn dõi theo đường biên nói: “Gần đây, thời tiết thay đổi, chiều tối lại có mưa giông. Dù cực nhưng tụi em mừng cho bà con nông dân không bị hạn hán nữa”. Thái Việt Nguồn là một trong số 12 chiến sĩ được nhận lệnh công tác tăng cường cho Đồn Biên phòng Vĩnh Nguơn để thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19 ở tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia.
Từ ngày 10-3-2020 đến nay, hàng ngày, Đồn Biên phòng Vĩnh Nguơn triển khai 1 trạm kiểm soát và 15 tổ công tác ngăn chặn phòng, chống dịch trên biên giới. Ngoài nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19, đơn vị còn phối hợp với lực lượng Công an, Quân sự tuần tra địa bàn, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm, nhất là người qua lại biên giới trái phép từ Campuchia về Việt Nam.
Thượng tá Nguyễn Văn Thu, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Vĩnh Nguơn cho biết: “Dù thời bình nhưng dịch Covid-19 chính là địch - kẻ thù vô hình. Vì vậy, chúng tôi xác định “chống dịch như chống giặc”, anh em cán bộ, chiến sĩ ở biên giới làm hết tinh thần trách nhiệm, một cách quyết liệt nhất, trách nhiệm nhất. Với mục tiêu cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, Chính phủ chống dịch một cách tốt nhất”.
Tình quân - dân, nghĩa đồng bào
Thực hiện lời Bác Hồ kính yêu: “Đoàn kết, cảnh giác; liêm chính, kiệm cần; vì nước quên thân; trung thành với Đảng, tận tụy với dân”, những ngày qua, hình ảnh cán bộ chiến sĩ sáng dãi nắng tuần tra, tối dầm mưa giữ chốt đã làm lay động biết bao trái tim người dân Việt Nam. Những hy sinh ấy đã nhận lại nhiều điều quý giá, đó chính là lòng tin yêu của nhân dân. Theo đó, hàng ngàn khẩu trang, chai nước sát khuẩn, mì gói, nước suối, nhang muỗi… của người dân đã gửi tặng các chiến sĩ biên phòng. Đó không chỉ đơn giản là những vật phẩm thiết yếu ở “hậu phương” gửi ra “tiền tuyến” mà còn là tình cảm, niềm tin của nhân dân gửi gắm đến các anh để tiếp thêm sức mạnh chiến đấu với kẻ thù vô hình.
Nhận được những thùng nước suối, mì gói, nhang muỗi của chị Đặng Thị Dư Khánh (ngụ Thị trấn Tịnh Biên, huyện Tịnh Biên) trực tiếp đến gửi tặng, Thượng úy Huỳnh Quốc Huy, Phó trưởng Trạm Kiểm soát Biên phòng cửa khẩu Khánh Bình thuộc Đồn Biên phòng cửa khẩu Long Bình (huyện An Phú) xúc động nói: “Đây là niềm động viên tinh thần rất lớn với cán bộ, chiến sĩ biên phòng. Không có gì quý hơn những tình cảm người dân trao tặng”.
Người dân đến tặng nhu yếu phẩm cho cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng
Chị Đặng Thị Dư Khánh cho biết: “Chẳng có gì cao sang, chỉ là 30 thùng mì, 80 lốc nước suối, 80 hộp nhang muỗi. Em chỉ mong ủng hộ tinh thần, tiếp thêm sức mạnh để các anh hoàn thành nhiệm vụ. Đây là điểm tiếp nhận kiều Việt Nam từ Campuchia về nhiều nhất trong tỉnh, các chiến sĩ cực khổ nhiều nhất nên em quyết định đến tặng điểm này trước”.
Chiến sĩ bộ đội biên phòng hướng dẫn người dân làm thủ tục nhập cảnh, khai báo y tế
“Dù là ngày hay đêm khuya, bất kể giờ nào, cùng dòng máu lạc hồng, bà con đồng bào về thì mình cũng luôn dang tay chào đón về với Tổ quốc. Tuy có vất vả, nhưng khi nghe những tiếng cảm ơn, những tiếng nói cười của bà con khi được về với Tổ quốc mến yêu thì tất những mệt nhọc được xua tan”- thượng úy Huỳnh Quốc Huy tâm sự.
Kiều bào được đưa về khu cách ly tập trung
Cô Nguyễn Thị Ẩn (52 tuổi, ngụ phường Châu Phú A, TP. Châu Đốc) kể trong nước mắt: “Tôi buôn bán ở Phnom Penh (Campuchia), về tới cửa khẩu cũng khuya. Nhưng mấy chú biên phòng vẫn đón tiếp, hướng dẫn làm thủ tục nhập cảnh, khai báo y tế, đưa tôi và nhiều bà con về khu cách ly. Tôi thật sự biết ơn và xúc động”.
Đoàn công tác của Tỉnh đoàn đến thăm, tặng quà, đèn năng lượng mặt trời cho các chốt, tổ công tác của lực lượng biên phòng.
“Để thể hiện sự quan tâm, đồng hành của tuổi trẻ tỉnh nhà với lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch, từ đầu tháng 4 đến nay, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh tổ chức thăm hỏi, động viên và tặng nhiều nhu yếu phẩm cho cán bộ, chiến sĩ tại 83 chốt, tổ phòng, chống dịch bệnh Covid-19… Đã lắp đặt 80 hệ thống đèn năng lượng mặt trời tại các chốt, tổ công tác phòng, chống dịch Covid-19 của cán bộ, chiến sĩ biên phòng. Khi đêm đến, ánh sáng của chiếc đèn năng lượng như thắp sáng thêm niềm tin, tình yêu mến của tuổi trẻ An Giang luôn hướng về các anh”- đồng chí Lâm Thành Sĩ, Bí thư Tỉnh Đoàn An Giang chia sẻ.
Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN tỉnh tổ chức thăm hỏi, động viên tinh thần cán bộ, chiến sĩ ngày đêm bám chốt canh giữ biên giới
Bên cạnh đó, nhiều đoàn công tác của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN tỉnh và các đoàn thể chính trị cũng đến thăm hỏi, tặng quà, động viên tinh thần, tiếp thêm nghị lực cho các cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng hoàn thành nhiệm vụ. Đặc biệt, tỉnh đã trích 1 tỷ đồng từ nguồn đóng góp, hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tặng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh; tặng các chốt, tổ công tác phòng, chống dịch một phần quà gồm các vật dụng thiết yếu trị giá 5 triệu đồng/tổ.
Những món quà giản dị, thiết thực, những mớ rau, con cá lại thắm đẫm tình quân dân trên chiến trường không tiếng súng này. Những tình cảm đó như ngọn lửa ấm áp sưởi ấm khi sương xuống, như những giọt nước mát lạnh xua tan cơn khát giữa cái nóng 37 độ nơi biên giới Tây Nam. Tình quân dân ấy đã tạo nên điểm tựa, pháo đài vững chắc trong cuộc chiến chống giặc Covid-19 đầy cam go nhưng vẫn giữ vẹn một niềm tin chiến thắng.
An Giang có đường biên giới dài gần 100km, có nhiều đường mòn, lối mở, kênh, rạch thuận lợi cho việc qua lại biên giới. Đây là một trong những khó khăn trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Thực hiện phương châm “4 tại chỗ”, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã tổ chức 131 tổ công tác, với hơn 760 cán bộ, chiến sĩ ngày đêm canh gác, chốt chặn nghiêm ngặt tại các đường mòn, lối mở, đường tắt trên đường bộ lẫn đường thủy nhằm kiểm soát chặt chẽ người xuất, nhập cảnh trái phép qua biên giới, góp phần ngăn chặn “giặc dịch” thẩm lậu vào nội địa. |
THU THẢO