Đoàn kết, chung tay đánh bay Covid-19 - Kỳ 2: Mệnh lệnh từ trái tim

22/04/2020 - 09:00

 - Trong số các lực lượng tuyến đầu, chủ công phòng, chống dịch Covid-19, những ngày qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền và người dân luôn dành nhiều tình cảm cho các chiến sĩ mang quân hàm xanh, các “chiến sĩ áo trắng”, quân đội, công an, cán bộ, người dân tình nguyện vào phục vụ tại các khu cách ly tập trung, làm nhiệm vụ tại các tổ công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Họ không chỉ “chiến sĩ” mà là còn những “chiến binh” không quản ngại khó khăn, gian khổ, chấp nhận hy sinh, có thể bị lây nhiễm dịch bệnh Covid-19, sẵn sàng đương đầu, chiến đấu với giặc dịch để chăm lo, bảo vệ sức khỏe, an toàn cho nhân dân. Đó không chỉ là tinh thần trách nhiệm mà hơn hết, đó là mệnh lệnh từ trái tim.

Những ngày không quên

“Dựng nhà cần nhiều người, đánh giặc cần nhiều sức”, gần 2 tháng nay, những hình ảnh đẹp, cảm động nơi tuyến đầu chống giặc Covid-19 đã làm nức lòng gần 1,9 triệu người dân An Giang. Hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ, y, bác sĩ, thanh niên tình nguyện, hội viên Hội Phụ nữ… dọn dẹp, lau chùi trường học, giặt giũ mùng mền, chuẩn bị chỗ để đón kiều bào trở về từ Campuchia. Họ đã gác việc riêng để làm tròn việc chung. Hàng ngày, họ phải trực 24/24 giờ trong khu cách ly tập trung để chăm sóc, lo từng miếng ăn, giấc ngủ của kiều bào trở về từ Campuchia.

Cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng tuyên truyền cho người dân về dịch bệnh Covid-19

Trong các ngày từ 18 đến 24-3-2020, An Giang đã đón gần 2.200 kiều bào đi làm ăn từ Campuchia trở về nước. Những lúc này, các chiến sĩ bộ đội biên phòng, chính quyền địa phương phải vừa làm công tác tiếp nhận, vừa làm công tác tư tưởng đồng bào đón người thân và kiều bào về nước hiểu, an tâm. Các trường hợp đi từ nước ngoài về, sau khi thực hiện các thủ tục nhập cảnh, đo thân nhiệt, khai báo y tế, lưu thông tin cá nhân đã được xe chuyển đến các khu cách ly tập trung đã được bố trí sẵn (các trường học) ở các địa phương trong tỉnh.

Đưa kiều bào về khu cách ly tập trung

“Những hôm ấy, đến hơn 22 giờ, lực lượng làm công tác phòng, chống dịch bệnh ở biên giới mới thay nhau tắm, ăn vội bữa cơm tối nhưng vẫn đảm bảo lực lượng tiếp nhận đồng bào 24/24 giờ. Ban đầu, khi mới thực hiện, có một vài người chưa hiểu có thái độ bất hợp tác nhưng qua giải thích, động viên và nhờ người có uy tín, già làng phối hợp tuyên truyền pháp luật, chính sách của Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, bà con đồng bào dân tộc đã hiểu, hợp tác, thế là mọi việc trơn tru”- thượng úy Huỳnh Quốc Huy, Phó trưởng Trạm Kiểm soát Biên phòng Cửa khẩu Khánh Bình thuộc Đồn Biên phòng cửa khẩu Long Bình (huyện An Phú) tâm sự.

Có mặt tại khu cách ly tập trung tại Trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học phổ thông An Giang (thành phố biên giới Châu Đốc) mới thấy sự vất vả của lực lượng hậu cần làm nhiệm vụ tiếp đón công dân từ nước ngoài về chăm sóc, theo dõi, thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19 nơi đây.

Từ sớm tinh mơ, mọi người đã tất bật lo buổi ăn sáng, lên thực đơn buổi trưa và chiều. Mỗi ngày, tổ hậu cần phục vụ gần 150 người thực hiện cách ly tập trung và lực lượng làm nhiệm vụ tại đây. Trong đó, đa số là bà con đồng bào dân tộc thiểu số, nên việc ăn gì, nấu như thế nào để phù hợp với phong tục tập quán, khẩu vị của mọi người là cả vấn đề cho các đầu bếp.

Anh Huỳnh Mộc Khải (Chủ tịch Hội Nông dân phường Châu Phú B, TP. Châu Đốc) cho biết: “Một vài ngày đầu thì chúng tôi đi chợ mua rau củ. Nhưng sau đó có nhiều nhà hảo tâm đến hỗ trợ trên 850kg rau củ, nước suối, trái cây, gạo, có cả sữa tươi cho em bé… Có người còn bảo “nếu thiếu gì thì cho hay, trong khả năng là hỗ trợ liền”, nghe thấy thương lắm”.

Cô Thái Thị Bé Chính tình nguyện tham gia công việc nấu ăn trong khu cách ly tập trung để phục vụ đồng bào của mình

Tại đây, mỗi người một việc, người đong gạo, người lặt rau, làm cá, rửa sạch các nguyên liệu rồi đem tẩm ướp gia vị, xào nấu… Cô Thái Thị Bé Chính (ngụ khóm Mỹ Hòa, phường Vĩnh Mỹ, TP. Châu Đốc) tâm sự, nghe nói địa phương huy động người dân tham gia phục vụ nấu nướng ở khu cách ly tập trung là cô xung phong đến làm bếp chính liền, với mong muốn giản đơn là tiếp sức cùng chính quyền địa phương chăm sóc tốt cho đồng bào mình từ nước ngoài về và phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả, tránh lây lan ra cộng đồng.

Đoàn viên thanh niên, hội viên phụ nữ tham gia đội hậu cần trong khu cách ly tập trung

Đến 10 giờ sáng, khi cơm nước được các cô hội viên phụ nữ nấu chín, các bạn đoàn viên, thanh niên, lực lượng dân quân tự vệ, công an… tay chân nhanh nhẹn đem tô, hộp, chén ra phân từng khẩu phần ăn có đầy đủ cơm, canh, đồ kho, nước chấm, trái cây tráng miệng. Đến hơn 10 giờ 30 phút là xong việc phân cơm.

Các nhà hảo tâm đóng góp thêm sữa tươi cho trẻ em

Thấy có nhà báo đến tác nghiệp tại khu cách ly, một phụ nữ Chăm nói: “Mấy chú ở đây chu đáo lắm! Lo từng vật dụng, miếng ăn, giấc ngủ, sức khỏe từng người. Đồ ăn ngon, hợp khẩu vị, có cả sữa tươi cho mấy đứa nhỏ nữa. Đi cách ly giống như đi nghỉ dưỡng vậy. Tuy không được thoải mái như ở nhà, nhưng được ban điều hành khu cách ly quan tâm, chăm lo chúng tôi tận tình lắm”. Vừa nói xong, chị nhận mấy phần cơm của gia đình và không quên cảm ơn những “vú nuôi” của đại gia đình cách ly tập trung.

Anh N.Đ.M. chia sẻ về cuộc sống, sinh hoạt trong khu cách ly tập trung

Anh N.Đ.M. (ngụ phường Tân Tuyến, Biên Hòa, Đồng Nai) tâm sự: “Tôi đi làm ăn ở Campuchia cũng được 5 năm. Khi có dịch bệnh Covid-19, tôi về nước và thực hiện cách ly y tế tập trung tại TP. Châu Đốc. Hàng ngày, chúng tôi đều được nhân viên y tế kiểm tra thân nhiệt, hỏi thăm, theo dõi sức khỏe. Nói về cảm nhận của tôi khi ở đây thì chỉ có 2 từ “tuyệt vời”.

Chưa đầy 15 phút là xong phần lo cơm trưa cho bà con, mồ hôi ướt áo, ngồi nghỉ mệt, đồng chí Võ Chí Oanh, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Châu Phú B cho biết: “Vừa qua, thực hiện việc đón tiếp người Việt Nam đi làm ăn bên Campuchia về để tập trung cách ly theo quy định của Chính phủ. Là người đứng đầu, mình phải thể hiện vai trò tiên phong thực hiện nhiệm vụ tại khu cách ly và quán triệt rõ cho cán bộ, đảng viên về tinh thần, thái độ đúng khi vào khu cách ly. Ban đầu, mọi người cũng chưa an tâm lắm, do sợ lây nhiễm. Tuy nhiên, sau khi tìm hiểu, nhận thức rõ, mọi người rất nhiệt tình, xông xáo, hăng hái, tận tâm với công việc này”.

Người dân hài lòng với những bữa cơm trong khu cách ly tập trung

Qua thăm hỏi những người dân thực hiện cách ly tập trung thì ai cũng đều hài lòng với thái độ, cung cách phục vụ của đội hậu cần. Không kể thời gian, khi người dân có nhu cầu mua các đồ dùng thiết yếu (tả, sữa cho trẻ, thức ăn…) đều được đáp ứng, hỗ trợ nhiệt tình.

Người dân thoải mái sinh hoạt trong khu cách ly

Anh N.Đ.M nói: “Khi có kết quả xét nghiệm âm tính lần 1 ai cũng vui mừng, nên cởi mở, vui vẻ với nhau hơn. Rồi hỏi thăm về gia đình, cuộc sống làm ăn ở nước bạn, lạ cũng thành quen. Giờ thì quý nhau như anh em một nhà. Chúng tôi xem những ngày cách ly ở đây là dịp mình được nghỉ ngơi sau thời gian buôn bán cực khổ. Những ngày không thể nào quên…”.

Cả hệ thống chính trị và toàn dân vào cuộc

Khi dịch bệnh có nguy cơ lây lan ra cộng đồng ở một số địa phương (Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng…) tình trạng tăng giá, khan hiếm khẩu trang y tế, nước sát khuẩn tay xuất hiện thì một chiếc khẩu trang đeo phòng bệnh là một vấn đề đối với những hoàn cảnh khó khăn.

Thế là những “xưởng may dã chiến” tại UBND phường/xã, những tổ may khẩu trang vải tại nhà, khu dân cư bắt đầu mọc lên. Mỗi ngày trên toàn tỉnh có hàng ngàn khẩu trang vải được cắt may, giặt ủi và phát miễn phí đến tay những người lao động, hộ nghèo, cận nghèo…

“Xưởng may dã chiến” tại Khối Dân vận phường Mỹ Quý

Tại “xưởng may dã chiến” đặt ở Khối Dân vận phường Mỹ Quý, tiếng cọc cạch của tiếng máy may, mùi thơm của những chiếc khẩu trang vừa mới giặt được ủi thẳng thớm, chuẩn bị đem phát tại các chốt trực đo thân nhiệt ở chợ trên địa bàn phường. Cô Hà Kim Hoa vui vẻ chia sẻ: “Tôi đã nghỉ hưu, ở nhà cũng buồn tay chân. Nghe nói ở phường có tổ chức tổ may khẩu trang vải để phát miễn phí cho bà con nghèo nên tôi tham gia. Bản thân cảm thấy vui khi làm được việc có ích, góp phần cùng địa phương trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19”.

Đồng chí Nguyễn Thị Hồng Ngọc, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBMTTQVN phường Mỹ Quý (TP. Long Xuyên) cho biết: “Ngoài tổ may khẩu trang đặt tại UBND phường, tại nhà các cô, chị ở địa bàn dân cư cũng tham gia cắt, may khẩu trang vải. Nhìn bà con phấn khởi khi cầm chai sát khuẩn tay, chiếc khẩu trang vải do mình may, cảm giác vui khó tả”.

Để hình thành 1 chiếc khẩu trang đến tay bà con phải trải qua nhiều công đoạn, với sự chung tay, góp sức của nhiều người, cán bộ phường có, người dân cũng có. Đây là những chiếc khẩu trang nghĩa tình, là món quà nhỏ gửi đến người dân, thể hiện sự đoàn kết, chăm lo của Đảng, chính quyền với nhân dân trong cuộc chiến chống giặc dịch Covid-19.

Người dân thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19

Hàng ngày, tại các chợ trên địa bàn tỉnh đã thành lập các chốt đo thân nhiệt, sát khuẩn tay người dân trước khi vào chợ mua sắm nhằm kiểm soát, kịp thời phát hiện những trường hợp có dấu hiệu nghi nhiễm Covid-19 trong cộng đồng. Chỉ mất khoảng 30 giây để đo thân nhiệt, sát khuẩn tay khi đến chợ, siêu thị, công sở… Những việc tuy nhỏ nhưng thông điệp của nó rất lớn, và hơn hết đó là một cách nhắc nhở, tuyên tuyền người dân: “Dù An Giang chưa có trường hợp mắc Covid-19 nhưng chúng ta không thể chủ quan. Toàn dân An Giang cùng chung tay thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, góp phần cùng cả nước sớm đẩy lùi dịch bệnh Covid-19”.

Thực tế thời gian qua, công tác phòng, chống dịch được các địa phương thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ từ cơ sở; người dân chấp hành nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Qua đó thể hiện sự đồng lòng, quyết tâm, đoàn kết của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến khóm/ấp trong cuộc chiến phòng, chống dịch bệnh Covid-19, với mục tiêu nhằm bảo vệ an toàn tính mạng, sức khỏe của nhân dân.

THU THẢO