Doanh nghiệp cá tra ứng phó suy thoái kinh tế

25/07/2023 - 06:31

Suy thoái kinh tế toàn cầu đã làm cho nhiều ngành nghề gặp khó, trong đó có nghề nuôi và chế biến cá tra xuất khẩu. Trước thực tế này, bên cạnh việc tìm cách ứng phó với bên ngoài, nhiều doanh nghiệp (DN) quay lại thị trường trong nước để bán sản phẩm, đẩy mạnh tái cấu trúc DN theo hướng phát triển bền vững.

Doanh nghiệp chế biến cá tra đang giảm công suất chế biến, duy trì sản xuất, chờ thị trường phục hồi

Mở lại thị trường trong nước

Việt Nam được xem là thị trường lớn cho nhiều loại hàng hóa nông sản. Nhận thức được tầm quan trọng của thị trường 100 triệu dân, nhiều DN chế biến cá tra, trong đó có Công ty Cổ phần Nam Việt (Navico) đã quay về thị trường nội địa. Phương thức tiến hành, kết hợp với các DN có chuỗi cửa hàng bán lẻ thực phẩm để phân phối cá tra tươi và các sản phẩm chế biến từ cá tra.

“Sự hợp tác giữa nhà sản xuất (Navico) và đơn vị có chuỗi cửa hàng bán lẻ thực phẩm (Bách Hóa Xanh) được xem là tiền đề quan trọng để Navico đưa sản phẩm phục vụ người tiêu dùng. Chúng tôi mong muốn, việc hợp tác này sẽ không dừng lại trong việc phân phối sản phẩm ở khu vực miền Nam, mà còn đẩy mạnh phát triển ra thị trường miền Trung và miền Bắc…” - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nam Việt Doãn Tới hy vọng.

Ứng phó với suy thoái kinh tế toàn cầu, trên phương diện cả nước, Chính phủ chỉ đạo ngành ngân hàng giảm lãi suất cho vay, tiến hành cơ cấu lại nhóm nợ và lãi suất cho vay, triển khai gói tín dụng 15.000 tỷ đồng cho lĩnh vực lâm sản và thủy sản.

Về phía DN, bên cạnh việc duy trì cung cấp hàng hóa cho các thị trường truyền thống, DN đẩy mạnh phát triển mới các thị trường tiềm năng; kiềm chế chi phí sản xuất để giá thành sản phẩm không tăng, mở rộng thị trường tiêu thụ nội địa, đẩy mạnh phát triển thị trường ngách… Nhờ đó, nhiều DN chế biến và xuất khẩu cá tra duy trì sản xuất đến nay, chờ khi kinh tế thế giới phục hồi, tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu.

Cá tra tươi và các sản phẩm chế biến từ cá tra không chỉ có trong chuỗi siêu thị bán lẻ của hệ thống cửa hàng Bách Hóa Xanh, mà còn có mặt ở nhiều siêu thị bán lẻ: Winmart, Lotte, Mega Market, Aeon… “Cá tra tươi bán tại các siêu thị ăn rất ngon. Cá được phân thành vỉ, tiện lợi cho người tiêu dùng. Chỉ cần mua về rửa lại là chế biến ngay, giá bán chấp nhận được” - chị Lê Kiều Trinh (phường Mỹ Phước, TP. Long Xuyên) chia sẻ.

Năm 2023, vùng ĐBSCL thả nuôi khoảng 5.500ha cá tra. Sản lượng dự kiến thu hoạch cả năm đạt 1,45 triệu tấn. Sản lượng lớn, trong khi xuất khẩu gặp khó khăn, việc mở lại thị trường trong nước được xem là giải pháp tối ưu. Tuy nhiên, việc này rất cần sự hỗ trợ của truyền thông, thông qua cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt”, bởi trong 6 tháng của năm 2023, xuất khẩu cá tra sang 130 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới chỉ đạt trên 885 triệu USD, giảm 38% so cùng kỳ năm 2022.

Hoạch định hướng đi

Sự kiện Navico và Bách Hóa Xanh (Công ty Cổ phần Đầu tư Thế giới di động) ký kết thỏa thuận hợp tác theo định hướng ESG một lần nữa cho thấy, ngay thời điểm suy thoái kinh tế toàn cầu diễn ra, các DN chế biến cá tra (có cổ phiếu giao dịch trên thị trường chứng khoán) đã đẩy mạnh tái cấu trúc theo hướng phát triển bền vững - thông qua định hướng ESG (Environmental Social and Governance).

Ở định hướng này, 3 trụ cột chính phục vụ cho phát triển bền vững của DN chính là môi trường, xã hội và quản trị. Ở đó, yếu tố môi trường bao gồm tác động của hoạt động kinh doanh đến môi trường, sử dụng tài nguyên và năng lượng bền vững, chính sách thực hành bảo vệ môi trường. Yếu tố quản trị gồm chính sách quản lý, đạo đức kinh doanh, đội ngũ lãnh đạo và quản lý rủi ro.

 “ESG được coi là một cách tiếp cận toàn diện trong đầu tư và kinh doanh, nhằm đảm bảo các hoạt động kinh doanh có lợi cho tất cả các bên liên quan, không chỉ là chủ sở hữu và cổ đông của công ty, mà bao gồm cả môi trường, cộng đồng, nhân viên và khách hàng” - ông Doãn Chí Thiên (trợ lý chủ tịch Hội đồng quản trị, Công ty Cổ phần Nam Việt) chia sẻ.

Tại Việt Nam, hiện có không ít DN thực hành phát triển bền vững và đạt được nhiều thành tựu ban đầu, trong đó có FPT, VinFast, Vinamilk… Nếu FPT cung cấp giải pháp giúp chính quyền các địa phương phát triển kinh tế bền vững thông qua các chương trình chuyển đổi số, thì hãng xe VinFast hỗ trợ sản xuất xe buýt điện và mạng lưới trạm sạc tại Việt Nam. Đây là hoạt động nhằm giảm phát thải nhà kính mà Chính phủ Việt Nam đã cam kết tại Hội nghị Thượng đỉnh của Liên Hiệp Quốc năm 2021 (COP26).

Tại An Giang, Công ty Cổ phần Nam Việt đã sớm quan tâm đến yếu tố môi trường và tiến hành đầu tư hệ thống năng lượng tái tạo (solar). Hoạt động này đã phát huy hiệu quả, tiết kiệm chi phí về năng lượng ở thời điểm hiện tại và nhất là trong bối cảnh giá năng lượng đang leo thang. Hiện, các nhà máy, trang trại của Nam Việt được vận hành bằng nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng xanh. Nam Việt chung tay bảo vệ môi trường thông qua nguồn tài nguyên sẵn có, hướng đến mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

DN cá tra ứng phó với suy thoái kinh tế toàn cầu, bằng cách mở lại thị trường trong nước, hoạch định lại hướng đi. Động thái này sẽ giúp DN sớm “vượt sóng” và hướng tới phát triển bền vững.

MINH HIỂN