Dù đối mặt với rất nhiều khó khăn do dịch COVID-19, các doanh nghiệp logistics Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp cảng biển, vẫn duy trì và phát triển mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nhờ đó lợi nhuận tăng trưởng vượt bậc. Giới chuyên gia nhận định, ngành logistics vẫn có nhiều động lực để tăng trưởng vững chắc trong tương lai.
Cảng Đình Vũ (Hải Phòng). Ảnh: An Đăng/TTXVN
Khó khăn và cơ hội đan xen
Theo Bộ Công Thương, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tiếp tục tăng trưởng tạo nên nguồn cầu dịch vụ logistics phục vụ xuất nhập khẩu.
Cụ thể, tính đến hết tháng 11 tháng năm 2021, tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu đạt 602 tỷ USD, tăng 22,8% so với cùng kỳ.
Kim ngạch xuất khẩu tăng, đặc biệt đối với các mặt hàng như gỗ và sản phẩm gỗ, nguyên phụ liệu dệt may - da giày và clanke, xi măng và tương ứng kim ngạch nhập khẩu gia tăng với các mặt hàng như máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện.
Kết quả khả quan đạt được của nền kinh tế nói chung và hoạt động xuất nhập khẩu nói riêng tạo động lực kích cầu cho ngành logistics Việt Nam trong năm 2021, vượt qua những khó khăn từ đại dịch COVID-19.
Hiện có hơn 4.000 doanh nghiệp logistics hoạt động chuyên nghiệp cung cấp dịch vụ logistics quốc tế. Chất lượng dịch vụ của các doanh nghiệp ngày càng được nâng cao nhờ tăng cường ứng dụng chuyển đổi số, cải tiến quy trình nghiệp vụ, đặc biệt là các doanh nghiệp logistics cung cấp dịch vụ cho thị trường châu Âu, Mỹ và Trung Quốc.
Theo Báo cáo logistic Việt Nam năm 2021 của Bộ Công Thương, trong 9 tháng năm 2021, số doanh nghiệp vận tải, kho bãi đăng ký thành lập mới tăng 4,61%, số vốn tăng 43% so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, tỷ lệ số doanh nghiệp lĩnh vực vận, tải kho bãi đăng ký thành lập mới so với tổng số doanh nghiệp cả nước vẫn còn khá khiêm tốn, chỉ chiếm khoảng 4,08%, với số vốn chiếm 1,88% và số lao động chiếm 3,04%. Điều này cho thấy quy mô vốn của các doanh nghiệp trong ngành vẫn còn hạn chế.
Trong 9 tháng năm 2021, có 2.509 doanh nghiệp vận tải kho bãi phải tạm ngừng hoạt động, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 5,56% tổng số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động của cả nước. Đồng thời, có 571 số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 4,46% tổng số doanh nghiệp giải thể của cả nước. Hiện các doanh nghiệp logistics Việt Nam tiếp tục phải đối mặt với việc cạnh tranh gay gắt với các doanh nghiệp logistics nước ngoài.
Dù doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam chiếm tỷ trọng lớn, khoảng 95%, nhưng đa số là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ cung cấp các dịch vụ chưa có giá trị gia tăng cao, vì vậy doanh thu của các doanh nghiệp logistics nước ngoài luôn chiếm thị phần logistics cao hơn.
Hoạt động M&A (mua bán và sáp nhập) tại Việt Nam cũng đang diễn ra sôi động hơn trong thời gian gần đây và được dự báo sẽ tiếp tục diễn ra cùng với xu hướng dịch chuyển hoặc mở rộng sản xuất từ Trung Quốc sang ASEAN; trong đó có Việt Nam.
Dù vậy, hạn chế của các doanh nghiệp logistics Việt Nam là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) nên hoạt động M&A chủ yếu tập trung vào một số doanh nghiệp có khả năng cung cấp dịch vụ tốt hơn.
Dù đối mặt với rất nhiều khó khăn do dịch COVID-19, các doanh nghiệp logistic Việt Nam; trong đó có các doanh nghiệp cảng biển đã có nhiều nỗ lực để duy trì và phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Lợi nhuận bứt phá
Trong 9 tháng năm 2021, nhiều doanh nghiệp ngành logistics tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận, hầu hết có mức tăng hai con số. Theo đó, doanh thu 9 tháng năm 2021 của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Cảng Đình Vũ (mã chứng khoán: DVP) tăng 20,2% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận trước thuế thu 265,8 tỷ đồng và đã hoàn thành 87% chỉ tiêu lợi nhuận được giao cho cả năm. Lợi nhuận sau thuế đạt 218,5 tỷ đồng, tăng hơn 14% so với cùng kỳ năm 2020.
Luỹ kế 9 tháng đầu năm 2021, Công ty cổ phần Cảng Sài Gòn (mã chứng khoán: SGP) có doanh thu thuần 995 tỷ đồng, tăng gần 43% so với cùng kỳ năm 2020. Lợi nhuận sau thuế đạt gần 296 tỷ đồng, tăng gần 140% cùng kỳ năm ngoái.
Đối với Công ty cổ phần Gemadept (mã chứng khoán: GMD), 3 quý năm 2021, công ty ghi nhận doanh thu thuần 2.168 tỷ đồng và lãi trước thuế đạt 574,8 tỷ đồng, lần lượt tăng tăng 14% và 34% so với cùng kỳ năm 2020.
Theo báo cáo của Công ty cổ phần Cảng Hải Phòng (mã chứng khoán: PHP), 9 tháng năm 2021, doanh nghiệp này có doanh thu 1.687 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế thu về đạt gần 526 tỷ đồng, lần lượt tăng 12,8% và 21,9% so với cùng kỳ năm 2020.
Đối với CTCP Vận tải và Xếp dỡ Hải An (mã chứng khoán: HAH), đây là doanh nghiệp trong lĩnh vực vận tải hàng container trên các tuyến đường thủy nội địa, nội vùng. Đồng thời, doanh nghiệp cũng vận hành cảng Hải An (tại sông Cấm, Hải Phòng) với công suất bốc dỡ 250.000 TEU/ năm và có khả năng đón tàu lên tới 20.000 DWT. Điều này giúp HAH trở thành một trong số ít doanh nghiệp vận tải nội thủy sở hữu cảng luân chuyển cho hoạt động kinh doanh.
Do vậy, CTCP Vận tải và Xếp dỡ Hải An có lợi thế lớn nhờ khả năng gom hàng tập trung, tiết kiệm thời gian chờ hàng và quay vòng đội tàu.
Nhờ đó 9 tháng năm 2021, doanh thu của công ty tăng 55% lên 1.284 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt 284 tỷ, tăng hơn 100% so với cùng kỳ.
Đối với CTCP Transimex (mã chứng khoán: TMS), trong 9 tháng năm 2021, doanh nghiệp có doanh thu thuần 4.060,7 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 400,8 tỷ đồng, lần lượt tăng 77% và 53% so với cùng kỳ năm 2020.
Công ty cổ phần Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) cho rằng, sự tăng trưởng khối lượng thông quan hàng hóa là nguyên nhân chính dẫn đến mức tăng mạnh doanh thu và lợi nhuận trong 9 tháng năm 2021 của các doanh nghiệp ngành logistics; trong đó có cảng biển, trong bối cảnh khung giá dịch vụ toàn ngành vẫn chưa thể tăng vì dịch COVID-19.
Công ty chứng khoán này chỉ ra những động lực tăng trưởng của doanh nghiệp logistics. Theo đó, thu hút FDI tiếp tục tăng trưởng, trong 10 tháng năm 2021, số dự án FDI công nghiệp chế biến, chế tạo còn hiệu lực đạt 15,528 dự án tăng 3,2% so với cùng kỳ năm ngoái, với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 239 tỷ USD, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm 2020.
Kế hoạch đầu tư xây dựng hạ tầng khu công nghiệp mới là nền tảng tốt để thu hút FDI trong 2022, từ đó hỗ trợ hoạt động xuất nhập khẩu và sản lượng của ngành cảng biển.
Hoạt động vận tải đường biển và thủy nội địa 10 tháng 2021 ghi nhận hồi phục so với cùng kỳ 2020. Cụ thể, khối lượng hàng hóa vận tải đường biển và thủy nội địa 10 tháng 2021 ước đạt lần lược 68,1 triệu tấn, tăng 2,9% so với cùng kỳ và 265 triệu tấn giảm 3,2% so với cùng kỳ, cải thiện đáng kể so với mức giảm 4,2% và 11,6% trong 10 tháng năm 2020.
Đáng chú ý, tổng trọng tải tàu biển tăng mạnh 22% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, tình hình kinh tế ở các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam hồi phục. GDP các thị trường tiêu thụ lớn trên thế giới như Mỹ, EU, Nhật, Trung Quốc được dự báo tiếp tục tăng trưởng trong năm 2022 và 2023.
Tuy vậy, Công ty cổ phần Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) vẫn chỉ ra những rủi ro doanh nghiệp có thể gặp phải, đó là dịch COVID-19 ảnh hưởng đến hoạt động cảng biển trên thế giới. Với chiến lược “Zero-COVID”, Trung Quốc vào tháng 8/2021 đã tạm dừng hoạt động tại ga Mi Sơn – cảng Ninh Ba.
Hoạt động ở các cảng biển lớn trên thế giới bên cạnh việc ghi nhận mức tăng trưởng cao cũng xảy ra tình trạng ùn ứ do các biện pháp phòng dịch làm tăng thời gian thông quan.
Theo đó, hoạt động vận tải biển trên toàn thế giới có nguy cơ bị xáo trộn và kém hiệu quả nếu tình trạng này vẫn tiếp diễn. Điều này ảnh hưởng xấu đến các tuyến hàng hải đến Việt Nam cũng như hoạt động xuất nhập khẩu.
Trên thị trường chứng khoán, hàng loạt cổ phiếu ngành cảng biển tăng mạnh mẽ. Cụ thể, chốt phiên 17/12, DVP có giá 61.300 đồng/cổ phiếu, tăng 31% so với chốt phiên cuối năm 2020.
Tương tự, SGP có giá 36.100 đồng/cổ phiếu, tăng hơn 211% so với phiên cuối năm 2020. Các mã GMD tăng 51,2%, PHP tăng hơn 81%, HAH tăng hơn 294%, TMS tăng hơn 131,3%.
Theo VĂN GIÁP (TTXVN)