Doanh nghiệp, người lao động chờ “tiếp sức”

08/07/2021 - 05:49

 - Tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp dẫn đến hoạt động sản xuất - kinh doanh (SXKD) của doanh nghiệp (DN) gặp nhiều khó khăn so với thời điểm đầu năm. Nhiều DN đã thực hiện giảm giờ, ngày làm của người lao động (NLĐ), ngừng việc hoặc thu gọn lại lao động… Bên cạnh sự san sẻ tạm thời của DN, công tác chăm lo của công đoàn, NLĐ còn mong chờ các chính sách hỗ trợ để giảm bớt khó khăn do đợt dịch thứ 4 bùng phát.

Trăn trở việc làm, thu nhập

Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh An Giang cho biết, toàn tỉnh có 231 DN có tổ chức công đoàn, với 45.787 đoàn viên/50.673 lao động (chiếm 90,35%), tập trung các ngành: thủy sản, may mặc, da giày, xây dựng, du lịch, dịch vụ, vận tải… Trong đó, có 12 DN vốn đầu tư nước ngoài, với tổng số 11.775 đoàn viên. Đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4, các DN gặp nhiều khó khăn do vừa tập trung SXKD, vừa phải phòng, chống dịch ở mức cao hơn, quyết liệt hơn.

Nhờ sự chủ động, đa số DN vẫn hoạt động tương đối ổn định, nhất là các đơn vị sử dụng đông công nhân lao động. Ngành may mặc, da giày đang mở rộng quy mô sản xuất, tuyển thêm số lượng lớn lao động, thu nhập của NLĐ đảm bảo ổn định. Đối với ngành thủy sản, do đơn hàng giảm nên kéo theo DN phải giảm giờ làm, thu nhập lao động chỉ còn 70-80% so với trước. Tương tự, ngành du lịch, dịch vụ, vận tải gặp nhiều khó khăn do người dân hạn chế đi lại, sức mua sắm, ăn uống, khách đến lưu trú, tham quan du lịch giảm mạnh, kinh doanh ế ẩm.

Người lao động mong chờ chính sách hỗ trợ khi bị giảm giờ làm, thu nhập…

Theo thống kê của Ban Chính sách pháp luật (LĐLĐ tỉnh), hiện nay, thu nhập của NLĐ trực tiếp SXKD đều giảm. Cụ thể, ngành may mặc, da giày bình quân khoảng 4,5 triệu đồng/người/tháng; ngành thủy sản bình quân khoảng 4 triệu đồng/người/tháng. Riêng đối với ngành du lịch, dịch vụ, vận tải, giáo dục tư thục phần lớn ngừng hoạt động nên thu nhập NLĐ rất thấp hoặc mất thu nhập, đời sống NLĐ gặp nhiều khó khăn.

Các cấp công đoàn báo cáo, đến nay, toàn tỉnh có 4.568 NLĐ đang làm việc trong các DN, cơ sở giáo dục tư thục có tổ chức công đoàn bị giảm giờ làm, ngừng việc, tạm hoãn hợp đồng lao động do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Trong đó, giảm giờ làm việc 3.834 người; thỏa thuận tạm thời ngừng việc 54 người; tạm hoãn hợp đồng lao động 196 người; chấm dứt hợp đồng lao động 484 người (chủ yếu lao động của Công ty Cổ phần Vận tải An Giang), 375 người đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp.

Mong chờ chính sách hỗ trợ

Thực hiện trách nhiệm và vì sự an toàn của lực lượng lao động, các DN luôn chủ động, thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch COVID-19. Theo hướng dẫn của ngành chuyên môn và chính quyền địa phương, từng DN thực hiện đánh giá nguy cơ lây nhiễm COVID-19 tại các cơ sở SXKD. Ngoài ra, còn khẩn trương thành lập Ban thực hiện phòng, chống dịch COVID-19 tại DN, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện công tác chống dịch để kịp thời xử lý khi có ca nhiễm xảy ra.

Tính đến nay, toàn tỉnh có 3.312 NLĐ đang làm việc tại các DN có tổ chức công đoàn được tiêm vaccine ngừa COVID-19 (mũi 1). Trong đó, 700 NLĐ trong 2 khu công nghiệp: Bình Hòa, Bình Long. Ngoài ra, có 2.405 công nhân lao động ở các công đoàn cơ sở trực thuộc tỉnh. Dự kiến, sắp tới có thêm 4.210 NLĐ tiếp tục được tổ chức tiêm vaccine ngừa COVID-19.

Hàng hóa của công ty thủy sản “kẹt” trong kho vì đơn giảm mạnh

Ban Chính sách pháp luật đang phối hợp công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở rà soát đoàn viên, NLĐ đúng đối tượng theo Kế hoạch số 398/KH-LĐLĐ của LĐLĐ tỉnh về hỗ trợ khẩn cấp cho đoàn viên, NLĐ bị ảnh hưởng dịch COVID-19 trong đợt bùng phát lần thứ 4, tính từ ngày 27-4-2021. Đồng thời, công đoàn kiến nghị lãnh đạo tỉnh xem xét, hỗ trợ tiêm ngừa vaccine phòng, chống dịch COVID-19 cho toàn thể công nhân lao động để họ an tâm làm việc.

Trong thời kỳ dịch bệnh khó khăn, vận chuyển hàng hóa gặp nhiều trở ngại do các tỉnh thực hiện giãn cách xã hội. DN đề xuất các cơ quan chức năng có biện pháp hỗ trợ trong việc vận chuyển hàng hóa, nhất là mặt hàng lương thực thực phẩm. DN mong cấp tỉnh có sự điều chỉnh và quản lý giá cả các sản phẩm đầu vào, như: xăng, điện, gas… để hạn chế tối đa sự biến động đến chi phí đầu vào của DN; tiếp tục hạ lãi suất cho vay và nới lỏng điều kiện vay để DN tiếp cận dễ dàng hơn với các nguồn vốn từ ngân hàng thương mại. Các ngân hàng thực hiện giãn nợ và tiếp tục cho vay để DN duy trì hoạt động và có khả năng trả nợ thay vì bị phá sản.

MỸ HẠNH

 

Liên kết hữu ích