Phát huy vai trò của ngư dân trong phòng, chống khai thác IUU

03/07/2025 - 07:06

 - Ngư dân không chỉ là lực lượng trực tiếp khai thác tài nguyên biển, mà còn đóng vai trò như “tai mắt” quan trọng trong việc phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm trong khai thác hải sản. Để phát huy hiệu quả vai trò này, thời gian tới, Ban Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang tiếp tục chỉ đạo các đơn vị tăng cường tuyên truyền, vận động ngư dân chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật trong hoạt động đánh bắt hải sản.

Ngành thủy sản đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, nhất là tại các địa phương ven biển. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển là nguy cơ khai thác quá mức và vi phạm các quy định chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), gây cạn kiệt nguồn lợi, ảnh hưởng sinh kế và làm mất thị trường xuất khẩu.

Để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống khai thác IUU, các đơn vị Biên phòng sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên môn trong việc kiểm tra, giám sát chủ tàu, ngư dân sử dụng nhật ký khai thác, thiết bị giám sát hành trình (VMS), đồng thời yêu cầu minh bạch trong việc thông báo cập cảng, rời bến. Cơ quan chức năng kêu gọi ngư dân hợp tác cung cấp thông tin, bằng chứng về hoạt động khai thác IUU và tích cực tham gia công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cộng đồng ngư dân. Các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền, tổ chức các lớp tập huấn nhằm giúp ngư dân hiểu rõ tác hại của khai thác IUU và lợi ích lâu dài của việc tuân thủ pháp luật. Tỉnh sẽ hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, đầu tư công nghệ khai thác hiện đại, hỗ trợ vốn, bảo hiểm tàu cá… Đồng thời, khuyến khích mô hình cộng đồng quản lý nguồn lợi thủy sản thông qua tổ đội, nghiệp đoàn ngư dân; tăng cường kiểm tra, giám sát hệ thống VMS và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm từ cảng đến ra khơi.

Các lực lượng, thanh niên, phụ nữ cùng tham gia tuyên truyền chống khai thác IUU

Tại nhiều địa phương ven biển của tỉnh An Giang, các mô hình cộng đồng ngư dân tham gia chống khai thác IUU bước đầu phát huy hiệu quả. Điển hình như các tổ đoàn kết khai thác xa bờ, gồm nhóm 3 - 5 tàu hợp tác cùng khai thác, hỗ trợ giám sát, cứu hộ và báo cáo vi phạm. Một số cảng cá đã đạt chuẩn, thực hiện giám sát 100% tàu cập, rời cảng; dữ liệu khai thác được công khai, minh bạch. Ngư dân cũng được hướng dẫn thu gom, xử lý rác thải biển nhằm bảo vệ môi trường biển. “Ngư dân trở thành chủ thể trong các mô hình này. Việc phòng, chống khai thác IUU không còn là mệnh lệnh hành chính khô khan, mà là hành động tự giác xuất phát từ lợi ích cộng đồng” - ông Đỗ Đức Quyết, Phó Chủ tịch Hội nghề cá phường Rạch Giá chia sẻ.

Thực tế cho thấy, công tác chống khai thác IUU không chỉ là nhiệm vụ của chính quyền hay các tổ chức quốc tế, mà là trách nhiệm chung của toàn xã hội, đặc biệt là cộng đồng ngư dân. Khi ngư dân trở thành tuyên truyền viên trên mặt trận bảo vệ ngư trường, uy tín và thương hiệu thủy sản Việt Nam cũng sẽ được củng cố vững chắc. Đại tá Doãn Đình Chánh, Phó Chính ủy Ban Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang cho rằng: “Ngư dân là những người trực tiếp khai thác, hiểu rõ nhất từng ngư trường, mùa vụ.... Họ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất nếu nguồn lợi bị cạn kiệt, kể cả khi không trực tiếp vi phạm. Vì vậy, phát huy vai trò của ngư dân trong phòng, chống IUU có ý nghĩa quyết định và lâu dài”.

Một trong những yếu tố then chốt là huy động toàn dân tham gia giám sát, phát hiện và tố giác hành vi vi phạm. Ngư dân có thể cung cấp thông tin, hình ảnh, bằng chứng về tàu cá nước ngoài xâm phạm vùng biển hoặc hành vi khai thác trái phép. Đồng thời, tham gia tổ đội sản xuất an toàn, các nhóm hợp tác giám sát lẫn nhau trên biển; tuyên truyền, thuyết phục những người chưa nắm rõ quy định chống khai thác IUU, trở thành hạt nhân lan tỏa văn hóa khai thác có trách nhiệm trong cộng đồng ven biển.

BĂNG CHÂU