Người tiêu dùng ngày càng có xu hướng lựa chọn những sản phẩm gắn với phát triển bền vững.
Phát triển bền vững là xu hướng toàn cầu
Khảo sát gần đây của NielsenIQ Việt Nam - một thành viên của Công ty NielsenIQ (chuyên về nghiên cứu thị trường và truyền thông toàn cầu, có trụ sở tại Hoa Kỳ) cho thấy, yếu tố phát triển bền vững (PTBV) đã được quan tâm hơn rất nhiều khi số lượng người tiêu dùng (NTD) coi trọng yếu tố này đang cao hơn rất nhiều so với những năm trước.
Theo khảo sát này, khi chọn mua một sản phẩm nào đó, số lượng người lựa chọn tiêu chí bền vững, thân thiện với môi trường cao hơn số lượng người lựa chọn sản phẩm có chất lượng cao, vượt trội. 55% người tham gia khảo sát cho rằng, yếu tố bền vững rất quan trọng, 37% cho là quan trọng và rất ít người không quan tâm đến yếu tố này.
Bà Đặng Thúy Hà - Giám đốc miền Bắc NielsenIQ Việt Nam khẳng định PTBV là xu hướng toàn cầu và đương nhiên Việt Nam phải theo xu hướng này. “Cần tìm ra chiến lược đại dương xanh, khuyến khích xanh từ nguyên liệu, vùng sản xuất. Điều này đòi hỏi DN cần phải suy nghĩ lại để phát triển và PTBV. Nhà quản lý cũng cần đưa ra công cụ quản lý để PTBV, trong đó, công cụ tài chính tài khóa để hỗ trợ, thiết lập quy tắc trong xã hội, đặc biệt nhu cầu của NTD sẽ là động lực để xu hướng PTBV thay đổi mạnh mẽ” - bà Hà nói.
Cũng theo bà Hà, COVID xảy ra khiến hành vi NTD thay đổi. Họ ưu tiên dịch chuyển từ kênh offline sang online, ủng hộ những DN PTBV. Và nhu cầu của NTD là phần rất quan trọng cho sự PTBV. Theo thời gian, NTD ngày càng coi trọng sự PTBV trong việc lựa chọn thương hiệu nào để mua sắm. Bên cạnh những yếu tố truyền thống như chất lượng, một trong những yếu tố nổi lên gần đây là DN đó ra sao, có mang lại lợi ích cho xã hội, có mang lại giá trị để xã hội PTBV hay không.
NTD rất kỳ vọng vào DN có sáng kiến và hành động thiết thực giúp cuộc sống của họ cân bằng, khỏe mạnh hơn và đang rất quan tâm đến những sản phẩm mang lại giá trị. Điều này đòi hỏi DN phải hợp tác, cùng nhau suy nghĩ đưa ra chiến lược PTBV. Trong đó, cần phải sử dụng công nghệ để triển khai mọi thứ nhanh hơn, kết nối NTD hiệu quả hơn; Và tiến hành cải tiến những sản phẩm cũ, tìm ra chiến lược đại dương xanh cho DN.
Ông Nguyễn Minh Tiến - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp nông nghiệp cũng cho biết, những năm trở lại đây, xu hướng thực phẩm an toàn, có nguồn gốc tự nhiên, thân thiện với môi trường trở nên phổ biến và trở thành xu hướng tiêu dùng hiện đại. Đây là xu thế tất yếu không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới.
Đơn cử như doanh số bán lẻ sản phẩm hữu cơ (bao gồm thực phẩm và đồ uống hữu cơ). Năm 2000, thị trường sản phẩm hữu cơ chỉ đạt 18 tỷ USD. Đến năm 2018, doanh thu đã vượt mốc 100 tỷ USD; năm 2021, thị trường đã tăng mạnh lên 188 tỷ USD và đạt 208 tỷ USD năm 2022. Tại Việt Nam, xu hướng tiêu dùng sản phẩm nông sản sạch cũng không nằm ngoài hướng đi chung của thế giới.
Trong kết quả khảo sát của Globescan về một “thế hệ khao khát sống”, 85% thế hệ trẻ sẵn sàng đối thoại và đóng góp ý kiến để giúp các thương hiệu lớn thay đổi chiến lược sản phẩm - kinh doanh - marketing - truyền thông theo chiều hướng bền vững hơn.
Lộ trình cho doanh nghiệp
Bà Đặng Thúy Hà cho biết, tương lai ngành bán lẻ sẽ PTBV theo hướng tối ưu các tiện ích để NTD có thể lựa chọn nhanh nhất. Trong đó, những hệ thống có những ứng dụng cho phép người mua hàng theo dõi tác động của giỏ hàng của họ lên môi trường sẽ được lựa chọn; NTD được thưởng điểm khách hàng thân thiết nếu lựa chọn mua các sản phẩm bền vững; cung cấp nhiều loại mặt hàng chay, hữu cơ, sản phẩm địa phương,
Bên cạnh đó, việc lựa chọn ứng xử với nguồn năng lượng cũng được NTD quan tâm. Theo đó, tương lai, các hệ thống phân phối đáp ứng được các tiêu chí như có trạm sạc riêng cho ô tô điện; sử dụng xe điện để vận chuyển hàng hóa; dán nhãn carbon trên sản phẩm, Hệ thống điện năng lượng mặt trời độc lập với các tấm pin năng lượng mặt trời trên mái nhà và khu vực gửi xe cũng sẽ được đặt trong sự ưu tiên lựa chọn của NTD.
Do đó, lộ trình PTBV cho DN nói chung, hệ thống bán lẻ nói riêng sẽ gồm 3 giai đoạn. Ở giai đoạn chuẩn bị cần phải nhận biết DN đang ở đâu, những việc nào cần làm ngay. Ở giai đoạn bứt phá cần có chiến lược đưa ra mục tiêu cụ thể để hành động. Ở giai đoạn 3 (còn gọi là giai đoạn hướng tới) thì tất cả xã hội cùng tham gia để hướng tới PTBV, lối sống lành mạnh trong tương lai.
Đáng chú ý, bà Hà lưu ý, trong dài hạn, phát triển nông nghiệp tái sinh sẽ là 1 trong những hướng đi cho những DN nông nghiệp, phát triển sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Do đó, DN sản xuất cần phải sớm có kế hoạch để có những bước chuyển mình theo kịp xu thế toàn cầu.
Ông Tiến cũng thông tin, hiện nay, nhiều DN nông sản đã đầu tư mạnh hơn vào khâu chế biến, đa dạng hóa sản xuất, liên kết với nhau, phong trào sản xuất nông sản hữu cơ cũng phát triển rộng khắp. Việc sản xuất, canh tác hữu cơ tăng cả về chiều rộng lẫn chiều sâu trong khoảng 5 năm gần đây.
Theo số liệu Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN&PTNT), diện tích canh tác hữu cơ năm 2016 là 50.000ha, đến năm 2020, con số này tăng lên thành 240.000ha. Hiện hầu hết các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều tham gia sản xuất nông nghiệp hữu cơ.
Theo Báo Pháp Luật