Độc đáo, hấp dẫn bánh đặc sản Bảy Núi

23/01/2020 - 04:39

 - Tận dụng các nguyên liệu sẵn có, đặc trưng của vùng Bảy Núi (An Giang), người dân nơi đây đã tỉ mỉ, khéo léo, sáng tạo, chế biến thành những món bánh đặc sản dân dã, độc đáo, thơm ngon, hấp dẫn làm nức lòng thực khách gần xa.

Hấp dẫn bánh bò thốt nốt

Nhắc đến Bảy Núi không thể không nhắc đến thốt nốt, loại cây đặc trưng được người dân sử dụng và chế biến thành nhiều món ngon, như: đường thốt nốt, chè thốt nốt, rượu thốt nốt... trong đó phải kể đến món bánh bò thốt nốt. Cách làm bánh bò thốt nốt không đơn giản mà phải trải qua nhiều công đoạn cầu kỳ. Từ khâu xay, trộn bột, mài trái thốt nốt, ủ bột lên men cho đến hấp bánh.

Chị Châu Kim Sinh (người hơn 30 năm làm bánh bò thốt nốt ở thị trấn Tri Tôn, Tri Tôn) cho biết, để làm bánh bò thốt nốt ngon cần các nguyên liệu chính, như: gạo Nàng Nhen, đường thốt nốt, trái thốt nốt chín, dừa, lá chuối...

“Trái thốt nốt được chọn làm bánh phải là trái chín già, lột vỏ, chẻ đôi rồi mài thịt lấy bột. Đây là thành phần quan trọng để làm nên màu vàng và mùi thơm đặc trưng của bánh bò thốt nốt…” - chị Sinh chia sẻ.

Thông thường, các loại bánh bò làm bằng đường cát trắng hoặc cát vàng. Riêng bánh bò thốt nốt chỉ dùng hoàn toàn bằng đường thốt nốt ngon, không pha nên có vị ngọt thanh, không ngán. 

“Trước đây, bánh bò thốt nốt chỉ làm nhà để ăn hoặc bán quanh chợ huyện các dịp lễ, Tết của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer. Bây giờ, người ta biết đến bánh bò thốt nốt nhiều nên đặt mua nhiều lắm, khắp các tỉnh ĐBSCL, TP. Hồ Chí Minh và còn có cả Việt kiều nữa…” - chị Sinh chia sẻ.

“Tết nào về Bảy Núi du lịch. tôi cũng đặt mua cả trăm cái bánh bò thốt nốt làm quà cho gia đình, người thân và bạn bè. Tôi và mọi người rất thích hương vị hấp dẫn, độc đáo của bánh bò thốt nốt mà chỉ riêng ở Bảy Núi mới có được hương vị này…” - cô Nguyễn Thị Thanh Thảo (du khách TP. Hồ Chí Minh) chia sẻ. 

Độc đáo chiếc bánh kà tum

Theo tiếng Khmer, kà tum có nghĩa là “trái lựu” vì loại bánh này có hình ngoài giống như trái lựu. Bánh kà tum mang ý nghĩa của sự đủ đầy, sung túc nên chỉ xuất hiện trong các dịp lễ, Tết truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer, như: Chol Chnam Thmay, Sen Dolta...

Hơn 40 năm gắn bó với chiếc bánh kà tum, bà Néang Phương (xã Ô Lâm, Tri Tôn) là một trong số ít người còn giữ được nghề đến hôm nay.

Bà Néang Phương cho biết, đây là loại bánh rất khó làm, đòi hỏi sự tỉ mỉ, cầu kỳ trong cách gói nên hiện rất ít người biết làm, cũng như cách gói được một chiếc bánh đẹp. Để làm bánh kà tum phải chuẩn bị các nguyên liệu như: nếp, đậu trắng, dừa, đường, muối... 

Theo bà Néang Phương, khâu khó nhất và mất thời gian nhất là làm vỏ bánh. Trước tiên phải thắt phần chóp bánh tạo hình giống như cánh hoa đang bung nở. Kế đến mới đan lá thốt nốt lại với nhau để tạo thành vỏ bánh.

Nghe tưởng chừng đơn giản, nhưng để gói được chiếc bánh đòi hỏi sự kỳ công, khéo léo từ tay nghề của người thợ. Một chiếc bánh đẹp đòi hỏi vỏ bánh phải vuông đều các góc, các mặt, lá thốt nốt phải được đan khít với nhau để nhân không bị lộ ra ngoài.

Sau khi đan vỏ bánh xong, hỗn hợp nhân được cẩn thận cho vào từng vỏ bánh rồi tiếp tục đan phần lá thốt nốt còn lại để kín vỏ bánh. Bánh sau khi gói xong, được nấu trong nước sôi khoảng 45 phút.

Làm bánh đã khó thưởng thức được bánh lại càng khá hơn. Muốn thưởng thức được bánh phải tìm được mối lá thốt nốt được người thợ giấu khéo léo dưới vỏ bánh và lần theo gỡ ngược về cuốn bánh.

Đây chính là cách để người thưởng thức bánh kà tum cảm nhận được sự kỳ công, khéo léo và tâm ý của người thợ làm ra chiếc ra bánh độc đáo này.

Bên trong chiếc bánh là phần nếp dẻo hòa quyện vị béo của dừa, bùi bùi của hạt đậu trắng, mùi vị thơm đặc trưng của lá thốt nốt non tạo cho nó hương vị đặc biệt không thể nào lẫn lộn được với các loại bánh khác.

Chính sự độc đáo này, bánh kà tum của bà Néang Phương đã đoạt huy chương vàng tại Hội thi Bánh dân gian trong Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ năm 2017 tổ chức ở TP. Cần Thơ.

Với mong muốn lưu truyền, gìn giữ và phát huy món bánh độc đáo này, xã Ô Lâm sẽ tiếp tục hỗ trợ bà Néang Phương truyền dạy cách làm bánh và nghiên cứu phát triển bánh với nhiều loại nhân, màu sắc bắt mắt từ các nguyên liệu tự nhiên nhằm quảng bá, giới thiệu món bánh đặc sản độc đáo của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer rộng rãi hơn, được nhiều người biết đến hơn…” - Phó Bí thư Đảng ủy xã Ô Lâm Phạm Thị Kiều Oanh chia sẻ.

Bài, ảnh: TRỌNG TÍN

 

Liên kết hữu ích