Thật hữu duyên, trung tuần tháng 7-2022, chúng tôi có chuyến công tác tại Đồn Biên phòng Quan Lạn (Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ninh) lại trùng thời điểm diễn ra Lễ hội Đình Quan Lạn (từ ngày 8-7 đến 17-7-2022, nhằm ngày 10-6 đến ngày 19-6 năm Nhâm Dần). Quả thật, lần đầu đặt chân tới xã đảo Quan Lạn, chúng tôi đi từ bất ngờ này tới bất ngờ khác, bởi danh lam thắng cảnh, môi trường và con người… nơi đây.
Ngày 10-6 âm lịch, tại các điểm di tích trên địa bàn xã Quan Lạn đồng loạt treo cờ “Khóa Làng” báo hiệu với trong vùng lân cận địa phương mở hội, nhân dân không ra khỏi làng những ngày này để vui chung ngày hội.
Sau thời gian làm việc với đơn vị, chúng tôi được đồng chí Trung tá Tạ Tấn Trường, Chính trị viên Đồn Biên phòng Quan Lạn dẫn đi tham quan, giới thiệu một số địa danh, di tích lịch sử trên hòn đảo này. Tuy mới về đây nhận công tác được hơn nửa năm nhưng Chính trị viên Tạ Tấn Trường thông thạo địa hình, lịch sử văn hóa của từng di tích nơi đây như một hướng dẫn viên du lịch thực thụ.
Ngày 16-6 âm lịch diễn ra Lễ rước thần từ Nghè Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư về Đình Quan Lạn
Điểm đến đầu tiên của chúng tôi là Đình Quan Lạn. Theo lời giới thiệu của Trung tá Tạ Tấn Trường thì tại vùng đất này cách đây 734 năm đã diễn ra trận thủy chiến trên dòng sông Mang lịch sử. Tháng 12-1287, với số quân khoảng 50 vạn tên, quân Nguyên chia làm ba đạo tiến vào nước ta theo ba hướng. Cùng với hai mũi tiến theo đường bộ từ Quảng Tây và Vân Nam (Trung Quốc), thêm một mũi tiến công bằng thủy binh gồm 600 chiến thuyền do Ô Mã Nhi, cùng Phàn Tiếp, Trương Ngọc thống lĩnh xuất phát từ Khâm Châu, Quảng Đông (Trung Quốc) vượt biển tiến vào nước ta theo đường sông Bạch Đằng.
Theo sau lực lượng này là đoàn thuyền lương của Trương Văn Hổ chỉ huy, gồm gần 70 chiến thuyền chở 170.000 thạch lương. Phó tướng Trần Khánh Dư nhận định, quân giặc sẽ có thuyền vận tải lương thực theo sau, chẳng bao lâu sau đoàn thuyền lương đã đến, bằng tài lược và dũng trí, ông đã chỉ huy quân sĩ đã đánh tan đoàn thuyền lương, bắt được tù binh khí giới, lương thảo nhiều không kể xiết. Trong trận chiến này, Trương Văn Hổ chạy thoát được một mình trên chiếc thuyền nhỏ về đảo Hải Nam (Trung Quốc)… Chiến thắng Vân Đồn đầu năm 1288 đã đẩy quân Nguyên vào thế cùng quẫn, phải tìm mọi cách rút quân về nước. Tháng 4-1288, Chiến thắng Bạch Đằng lịch sử thắng lợi đã kết thúc cuộc xâm lược của quân Nguyên. Ngày toàn thắng, Trần Khánh Dư được nhà vua phong chức Phiêu kỵ Thượng tướng quân (một chức chỉ dành cho các hoàng tử)...
Ngày 17 và 18-6 âm lịch diễn ra các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao. Đặc biệt, ngày 18-6 (chính hội) tổ chức giải bơi chải truyền thống của 2 hàng giáp Đông Nam Văn-Đoài Bắc Võ tưởng nhớ cuộc võ công vệ quốc của Danh tướng Trần Khánh Dư cùng quân dân triều Trần đánh tan đoàn thuyền lương của quân xâm lược Nguyên Mông năm 1288 trên dòng sông Mang lịch sử.
Ông Lưu Minh Đức, Chủ tịch UBND xã Quan Lạn, Trưởng ban tổ chức lễ hội gặp chúng tôi cũng giới thiệu: Lễ hội Đình Quan Lạn, còn gọi là Lễ hội truyền thống Vân Đồn hay hội bơi chèo Quan Lạn, nên người dân nơi đây có câu: “Dù ai đi ngược về xuôi/ Tháng Sáu âm lịch chèo bơi thì về”.
Ngày 19-6 âm lịch diễn ra Lễ xe giá hoàn cung, lễ cầu rước sắc thần, kết thúc Lễ hội Truyền thống Vân Đồn.
Theo ông Hoàng Huy Sầm, Phó chủ tịch UBND xã Quan Lạn, đến với lễ hội, du khách thập phương sẽ tận mắt chứng kiến những hình ảnh tái hiện nhân vật lịch sử có thật như: Trần Khánh Dư, một vị tướng tài ba có công lớn thời Trần, được vua Trần phong tước hiệu Nhân Huệ Vương, chức Phiêu kỵ Thượng tướng quân. Ông là một vị tướng văn võ song toàn, gắn bó với mảnh đất Vân Đồn; 3 anh em họ Phạm người Quan Lạn: Phạm Công Chính, Phạm Quý Công và Phạm Thuần Dụng là các phó tướng của Trần Khánh Dư cùng tham gia chỉ huy và hy sinh trong trận chiến Vân Đồn năm 1288.
Ngoài ra, tại Đình Quan Lạn, nhân dân còn thờ các vị thần, nhân vật lịch sử: Vua Lý Anh Tông, người có công thành lập thương cảng Vân Đồn năm 1149; Không Lộ, Giác Hải, hai vị thiền sư thời Lý là ông tổ của nghề đúc đồng nhưng ở đây lại được xem như ông tổ của nghề chài lưới, đánh bắt hải sản; công chúa Liễu Hạnh, người có công bảo vệ đất nước; các vị Tiên công đã có công khai phá vùng đất này. Các nghi lễ của lễ hội được thực hiện tại cụm di tích lịch sử gồm: Đình, chùa, Miếu Đức Ông và Nghè Trần Khánh Dư… không gian lễ hội bao trùm cả khu vực xã đảo Quan Lạn và các vùng lân cận…
Ngày 19-6 âm lịch diễn ra lễ xe giá hoàn cung, lễ cầu bình, cầu an tại các điểm di tích. Đặc biệt, trong ngày này diễn ra lễ rước sắc thần (toàn thể nhân dân rước sắc từ Đình về nghè Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư) kết thúc Lễ hội Truyền thống Vân Đồn trong 10 ngày.
Ông Hoàng Huy Sầm cho biết thêm, Lễ hội truyền thống Vân Đồn, gồm phần lễ và phần hội. Phần lễ, có các nghi lễ chính như: Lễ mộc dục (tắm tượng), lễ treo cờ hội, lễ cai đám, lễ nghinh thần, lễ khao quân, lễ tế yên vị, lễ tế tại chùa, lễ tế tại miếu Đức Ông, lễ cầu bình yên, lễ xe giá hoàn cung. Phần hội có nhiều trò chơi dân gian như: Đánh vật, kéo co, cờ người, đấu long đao,… cùng nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao.
Đặc biệt, tâm điểm của Lễ hội Đình Quan Lạn là Hội đua thuyền, nhằm tái hiện trận chiến Vân Đồn trên dòng sông Mang lịch sử do Trần Khánh Dư chỉ huy đánh tan hơn 500 chiếc thuyền lương của quân giặc Nguyên Mông, góp phần quyết định làm nên chiến thắng của quân và dân nhà Trần trong cuộc kháng chiến chống giặc Nguyên Mông lần thứ ba (năm 1288). Sở dĩ dân làng chọn ngày 18-6 âm lịch là ngày đua thuyền, vì đó là ngày dân làng đón sắc của vua Trần ban thưởng công trạng cho quân dân Vân Đồn và những tướng sĩ đã anh dũng hy sinh trong trận chiến Vân Đồn, có công tiêu diệt giặc Nguyên Mông… Điểm nhấn quan trọng được người dân và du khách chờ đón nhiều nhất tại lễ hội đó là phần thi bơi chèo truyền thống diễn ra giữa 2 giáp Đông Nam Văn và Đoài Bắc Võ tại Bến Đình.
Lễ xe giá hoàn cung, lễ cầu bình, cầu an tại các điểm di tích.
Sau 2 năm tạm dừng lễ hội truyền thống do dịch bệnh Covid-19, năm nay, Lễ hội Đình Quan Lạn được tổ chức với quy mô hoành tráng, thể hiện tinh thần thượng võ của dân tộc chống giặc ngoại xâm bảo vệ chủ quyền đất nước của những người dân vùng biển đảo. Du khách về dự lễ hội có cơ hội được tìm hiểu về truyền thống chống giặc ngoại xâm của ông cha ta, đồng thời khám phá thêm những nét văn hóa độc đáo của người dân đảo Vân Đồn nói chung và xã Quan Lạn nói riêng. Đây cũng còn là ngày hội làng để bà con, anh em lâu ngày xa quê có dịp gặp mặt nhau tại quê hương trên vùng đảo tiền tiêu Đông Bắc của Tổ quốc.
Theo THÁI KIÊN - HOÀNG KHƯƠNG (Quân đội nhân dân)